Thứ Sáu, 13/01/2012 15:44

Cuộc rượt đuổi VNPT, Viettel

Năm 2011, hai ông lớn của lĩnh vực viễn thông là tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) và tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel) lại lãi lớn, vượt chỉ tiêu. Mỗi “ông” có thế mạnh riêng, chiến lược phát triển khác nhau. Nếu xét theo kết quả năm 2011 đã công bố, dường như Viettel chỉ còn thua VNPT chỉ tiêu doanh số.

Doanh thu năm 2011 của VNPT là 120.800 tỉ đồng, tăng 18,6% so với năm 2010, còn của Viettel khoảng 117.000 tỉ đồng, tăng 24%. Sinh sau đẻ muộn so với VNPT, nhưng trong ba năm gần đây, doanh thu của Viettel luôn bám đuổi sát nút VNPT.

Những thế mạnh riêng

Cho đến nay, VNPT là tập đoàn nhà nước chỉ khai thác vào những lĩnh vực được giao: các dịch vụ viễn thông (di động, cố định, internet...), hạ tầng mạng trục quốc gia, không đầu tư ngoài ngành. Cách đây bảy năm, VNPT đã xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực viễn thông chủ yếu là mạng internet ở nước ngoài (Campuchia và Lào). Tuy nhiên, nguồn đầu tư này chưa đem lại doanh thu có ý nghĩa cho tập đoàn.

Trong khi đó, năm 2011, cơ cấu doanh thu của Viettel phần trong nước là 106.000 tỉ đồng, còn các dịch vụ ở nước ngoài là 11.000 tỉ đồng.

Dù đóng góp của mảng đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn, 11.000 tỉ đồng, nhưng theo đánh giá của lãnh đạo tập đoàn Viettel, “nguồn thu trên đã có giá trị với mục tiêu đầu tư và phát triển của Viettel”. Đến nay, Viettel đã đầu tư dịch vụ viễn thông vào năm quốc gia. Trong đó, các thị trường Lào, Campuchia, Haiti (khai trương vào tháng 9.2011) đã có doanh thu. Riêng hai quốc gia: Mozambique và Peru đã hoàn tất đầu tư hạ tầng kỹ thuật, sẽ đi vào hoạt động trong năm 2012.

Vào đầu tháng 12, Viettel là doanh nghiệp được Chính phủ giao nhiệm vụ tiếp nhận EVN Telecom (thành viên của tập đoàn Điện lực Việt Nam). Theo các chuyên gia viễn thông, việc Viettel được giao tiếp nhận EVN Telecom, vừa là “thách thức” trong việc quản trị và khai thác hạ tầng của EVN Telecom nhưng cũng là điều kiện thuận lợi để tập đoàn này phát triển mạnh hơn trong những năm tới.

Trong cơ cấu doanh thu của VNPT năm 2011, doanh thu từ hai nhóm dịch vụ bưu chính và viễn thông khoảng 104.000 tỉ đồng, tăng 24,98% so với năm 2010. Một nguồn tin từ VNPT tiết lộ, dù có đóng góp vào doanh thu nhưng doanh số của dịch vụ bưu chính không đáng kể vì đang bị sức cạnh tranh từ các doanh nghiệp khác. Nguồn thu chính của VNPT trong ba năm trở lại đây vẫn là từ hai nhà mạng di động Vinaphone và Mobifone, ước chừng chiếm 75% doanh thu của tập đoàn. Với số thuê bao di động của hai nhà mạng Vinaphone và Mobifone trong năm 2011 khoảng 83 triệu, với mức chi tiêu 80.000đ/tháng/ thuê bao, doanh số của hai nhà mạng này ước chừng 80.000 tỉ đồng.

Trong khi đó, đến cuối năm 2011, tổng số thuê bao di động của Viettel là 58 triệu thuê bao. Chỉ số chi tiêu của từng thuê bao của nhà mạng này không được tiết lộ nhưng theo một nguồn tin riêng, đóng góp của dịch vụ di động vào doanh thu của toàn tập đoàn chỉ khoảng 40%, tương đương với 47.000 tỉ đồng.

Một chuyên gia về di động cho rằng, hai tỷ lệ trên phản ánh hai chiến lược phát triển khác nhau. Những thuê bao của VNPT có chỉ số chi tiêu cao hơn nên đóng góp của dịch vụ di động vào tổng doanh thu sẽ cao hơn. Trong vài năm trở lại đây, hai nhà mạng của VNPT đã đầu tư mạnh về hạ tầng và dịch vụ nội dung cho di động. Trong khi đó, từ cơ cấu doanh thu trên, cho thấy Viettel đầu tư và phát triển đồng đều các ngành nghề hơn VNPT.

Ai hiệu quả hơn?

Một nguồn tin cho biết, lợi nhuận của Viettel trong năm 2011 gần 20.000 tỉ đồng. Trong khi đó, VNPT, chỉ đạt lợi nhuận 10.000 tỉ đồng, theo ictpress.vn (của liên chi hội Nhà báo thông tin và truyền thông). VNPT nộp ngân sách là 6.461 tỉ đồng. Còn Viettel nộp ngân sách 9.453 tỉ đồng.

Theo lời một chuyên gia trong ngành, việc VNPT nộp ngân sách thấp hơn Viettel vì ngoài kinh doanh, VNPT phải thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội. Đại diện VNPT cho biết, họ là “đơn vị chủ lực cung cấp hạ tầng mạng băng rộng phục vụ công tác điều hành của Chính phủ tới các địa phương, hợp tác với nhiều ngành như tài chính, giáo dục, y tế, đoàn thanh niên, hội nông dân… phổ cập ứng dụng internet băng rộng phục vụ cho mục tiêu phát triển cộng đồng”.

Trực thuộc bộ Quốc phòng, ngoài nhiệm vụ kinh doanh, Viettel cũng có nhiệm vụ chính trị riêng. Với kỷ luật và tư duy “lính”, Viettel thể hiện tính năng động trong kinh doanh bằng những quyết sách kinh doanh có tính táo bạo. Dù ra đời sau nhưng riêng trong lĩnh vực kinh doanh di động, Viettel có số lượng thuê bao dẫn đầu trong các doanh nghiệp di động với 58 triệu thuê bao; dẫn đầu đầu tư nước ngoài, các ứng dụng trên internet băng rộng…

Trong năm 2011, doanh thu của Viettel chỉ thấp hơn VNPT khoảng 5.000 tỉ đồng. Khoảng cách này là nhỏ bé với Viettel vì họ có những yếu tố thuận lợi như: nguồn doanh thu từ các dự án đầu tư ở nước ngoài, cơ sở hạ tầng của EVN Telecom, các dịch vụ internet, nội dung số, hệ thống cửa hàng kinh doanh thiết bị đầu cuối…

Gia Vinh

Sài Gòn Tiếp thị

Các tin tức khác

>   Khó khăn đón chờ doanh nghiệp bảo hiểm (13/01/2012)

>   VNPT Global sáp nhập vào MobiFone  (13/01/2012)

>   Tìm vốn cho hành trình mới (13/01/2012)

>   Dự kiến 31/01 bàn giao Nhà máy Đạm Cà Mau (13/01/2012)

>   Tình tiết mới về vụ tiền chất gây nghiện trong ngành dược (13/01/2012)

>   Giao hạn mức nhập khẩu xăng dầu tối thiểu năm 2012 (12/01/2012)

>   DN xuất khẩu nông lâm sản lâm nguy (12/01/2012)

>   VN tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư (12/01/2012)

>   Gánh nặng hàng tồn kho: Giải quyết không dễ (12/01/2012)

>   Câu hỏi cho Bộ trưởng Đinh La Thăng (12/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật