Gánh nặng hàng tồn kho: Giải quyết không dễ
Tỷ lệ hàng tồn kho ở một số ngành công nghiệp tăng khá cao so với cùng kỳ năm ngoái, chứng tỏ những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Thực tế này đòi hỏi các doanh nghiệp phải điều chỉnh hướng sản xuất, nhập khẩu và phân phối sản phẩm.
|
Doanh nghiệp phải chủ động giải quyết hàng tồn kho |
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số tồn kho tại thời điểm 1-10-2011 của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21,1% so với cùng thời điểm năm trước. Con số này cao hơn mức trung bình 12-15% ở bối cảnh hiện tại.
Trong đó, các ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là: Sản xuất cáp điện và dây điện có bọc cách điện tăng 88%; Sản xuất xi măng, vôi, vữa tăng 84,4%; Sản xuất bột giấy, giấy và bìa tăng 82,6%; Sản xuất giường, tủ, bàn ghế tăng 77,8%; Sản xuất bia và mạch nha tăng 50,7%; Sản xuất giày dép tăng 49,9%; Sản xuất mô tô, xe máy tăng 49,5%; Sản xuất thức ăn gia súc tăng 42%. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm mạnh là: Sản xuất các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn giảm 23%; Sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 22,9%; Sản xuất xe có động cơ giảm 12,9%.
Những con số trên nói lên một phần gánh nặng hàng tồn kho của doanh nghiệp. Và, ngành thép là một ví dụ. Do chính sách thắt chặt tín dụng, kiềm chế lạm phát, từ đầu năm đến nay, ngành này liên tiếp đối mặt với những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Mặc dù đã giảm giá bán nhiều lần nhưng thị trường thép vẫn chưa khởi sắc. Không ít doanh nghiệp bị phá sản hoặc tạm dừng sản xuất, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh và đời sống người lao động. Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm 2011, sản xuất và xuất khẩu thép đều tăng so với cùng kỳ năm 2010. Tuy nhiên, lượng thép tiêu thụ được lại giảm đi đáng kể. Ông Cường tính toán, cả năm 2011 tiêu thụ thép có thể giảm 7,69% so với năm ngoái. Lãnh đạo một công ty thép cũng bày tỏ: “Có đến 10 ngày trong một tháng chúng tôi không bán được sản phẩm nào”!
Hàng hóa tồn kho tăng, thị phần của doanh nghiệp bị thu hẹp, sản xuất cũng vì vậy mà giảm sút. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nếu mặt hàng tồn kho thuộc loại nguyên liệu, không phải sản phẩm thành phẩm thì không đáng lo ngại.
Nhìn vào cơ cấu hàng tồn kho 10 tháng đầu năm nay có thể thấy xu hướng người tiêu dùng tiếp tục thắt chặt chi tiêu, không mua sắm những sản phẩm không cần thiết như: vật liệu xây dựng, giường tủ, ô tô, xe máy... Đồng thời, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu như: dược phẩm, sản xuất xe có động cơ xuất xứ trong nước nên lượng hàng tồn kho giảm. Báo cáo cũng cho thấy một số mặt hàng bị ùn ứ là nguyên liệu như: sản xuất bia và mạch nha...
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Viện Nghiên cứu Kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng: “Mỗi mặt hàng, doanh nghiệp lại có tỷ lệ tồn kho khác nhau nên không có giải pháp chung cho tất cả các mặt hàng tồn kho”. Song căn cứ vào từng nhóm hàng cụ thể có thể đưa ra những giải pháp. Ví dụ, với mặt hàng là nguyên liệu chưa tiêu thụ được, nếu doanh nghiệp nhập khẩu sẵn lúc giá thấp để chờ khi giá cao mới bán cho doanh nghiệp sản xuất thì không cần can thiệp. Nhưng nếu do dự báo không chính xác của doanh nghiệp thì tự doanh nghiệp phải điều chỉnh. Ví dụ với mặt hàng bia, rượu, điều hòa nhiệt độ..., nhiều doanh nghiệp dự báo mùa hè năm nay nóng bức gia tăng nên nhập khẩu tăng, nhưng thực tế các tháng hè lại không nóng như dự báo nên bị tồn kho nhiều. “Doanh nghiệp cần thay đổi cơ cấu hàng nhập khẩu, hạ giá sản phẩm và mở rộng mạng lưới bán buôn để tiêu thụ hàng”- ông Phong nói.
Trên thực tế, để làm được những công việc này, doanh nghiệp cần có thời gian, có tiềm lực tài chính đủ mạnh, nhưng hiện tại, đòi hỏi này ít doanh nghiệp đáp ứng được và đây cũng là một trong những điểm yếu tồn tại từ lâu của doanh nghiệp Việt Nam.
Với các mặt hàng thành phẩm, tồn kho buộc doanh nghiệp phải điều chỉnh hướng sản xuất, nhập khẩu. Bên cạnh đó, phải chuyển đổi mục đích sử dụng của sản phẩm nếu được. Về vĩ mô, trong bối cảnh tiếp tục kiềm chế lạm phát, Nhà nước và các hiệp hội nên hỗ trợ bằng cách tăng cường xúc tiến thương mại một cách hiệu quả.
Vân Hằng
An ninh Thủ đô
|