Thứ Tư, 11/01/2012 15:02

Tết Nhâm Thìn: Hàng hóa phong phú nhưng sức mua chưa tăng mạnh

Chỉ còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nhâm Thìn 2012, trên khắp phố phường Hà Nội, người ta đã thấy các cửa hàng, cửa hiệu, siêu thị bày bán đầy ăm ắp các hàng hóa phục vụ Tết.

Tuy nhiên, năm nay trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, lạm phát tăng cao, đa phần người dân cũng thắt chặt chi tiêu, chỉ mua sắm những mặt hàng thiết yếu như: thực phẩm, quần áo, hàng gia dụng – điện máy…Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng canh cánh nỗi lo mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng thực phẩm bị tẩm ướp hóa chất đang bày bán tràn lan trên thị trường.

DN chủ lực của TP tung hàng phục vụ nhân dân đón Tết

Nhân dân ngoại thành được mua hàng từ các điểm “Chợ Tết”

Để bình ổn thị trường, tránh những cơn sốt nóng lạnh, từ nhiều tháng trước, UBND TP Hà Nội, Sở Công thương đã chỉ đạo một số đơn vị chủ lực của TP chuẩn bị các mặt hàng hóa phục vụ nhân dân đón Tết.

Theo đó, tại Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), tổng lượng dự trữ hàng hoá, dịch vụ ước khoảng 905,4 tỷ đồng, tăng 15 % so với năm 2011. Chủng loại hàng hóa, dịch vụ tập trung vào thực phẩm, hàng điện máy, đồ gia dụng, thời trang, ăn uống giải khát, du lịch; đặc biệt tập trung vào các mặt hàng thực phẩm truyền thống và thiết yếu như: giò, chả, bánh chưng, gà ta, thịt trâu bò, gạo đặc sản, dầu ăn, rượu bia, bánh mứt kẹo, thủy hải sản, rau xanh.

Tổng công ty cũng giao cho một số đơn vị tổ chức bán buôn các mặt hàng: thực phẩm chế biến, bánh chưng, gạo, dầu ăn, rượu bia nước ngọt, bánh mứt kẹo, thịt gia súc gia cầm, thủy hải sản, rau xanh, củ, quả, thời trang, hàng điện máy, đồ gia dụng, trang thiết bị nội thất (triển khai từ ngày 30/11/2011 đến 05/02/2012).

Bên cạnh đó, Tổng công ty cũng giao cho các đơn vị tổ chức bán hàng tại gần 200 điểm bán trong hệ thống bán lẻ do các đơn vị trực tiếp quản lý trong thời gian từ ngày 30/11/2011 đến 05/02/2012. Đó là hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích Hapromart; Hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh rau và thực phẩm an toàn Haprofood; Hệ thống cửa hàng chuyên doanh (thời trang, kim khí điện máy); Hệ thống cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát.

Ngoài ra, Hapro còn tổ chức bán hàng lưu động các mặt hàng tươi sống và một số mặt hàng thực phẩm chế biến truyền thống tại các quận nội thành để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Hơn nữa, để phục vụ nhân dân khu vực ngoại thành, từ ngày 09/01 – 18/01/2012 (tức 16/12 – 25/12 âm lịch), Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã phối hợp cùng Sở Công thương tổ chức 06 điểm bán hàng theo mô hình “Trung tâm thương mại bán hàng lưu động”, với quy mô trên 40 gian hàng tại 6 huyện: Nhà thi đấu - huyện Gia Lâm; Nhà thi đấu Thể dục thể thao - huyện Thạch Thất; Nhà thi đấu Thể dục thể thao - huyện Thanh Trì; Phố Thân Nhân Trung – huyện Sóc Sơn; Nhà văn hóa thể dục thể thao – huyện Ba Vì; Công viên Đền Lừ - quận Hoàng Mai.

Mặt khác, từ ngày 14/01 – 18/01/2012 (tức 21/12 – 25/12 âm lịch), Tổng công ty Thương mại Hà Nội cũng chủ trì phối hợp với UBND các huyện ngoại thành tổ chức các điểm bán hàng tại 6 huyện: Nhà văn hóa xã Thượng Cát – huyện Từ Liêm; Thôn Phú Mỹ - xã Ngọc Mỹ - huyện Quốc Oai; Sân vận động xã Yên Sở - huyện Hoài Đức; Xã Vĩnh Ngọc – huyện Đông Anh; UBND xã Duyên Thái – huyện Thường Tín; Khu CN Thực phẩm Hapro - xã Lệ Chi – huyện Gia Lâm.

Với chủ đề “Hapro mang xuân đến mọi nhà”, 12 điểm bán hàng theo mô hình “Chợ Tết” của Tổng công ty Thương mại Hà Nội triển khai nhằm kịp thời phục vụ cũng như mang đến nhân dân các huyện ngoại thành Hà Nội một hương vị Tết Nhâm Thìn ấm áp với nhiều sản phẩm truyền thống phục vụ Tết cổ truyền dân tộc như: bánh trưng, giò bò, giò lụa, giò gà, giò xào của Công ty Thực phẩm Hà Nội; Nem hải sản, nem cua bể; Rượu vang Thăng Long, Vodka Hapro; Sản phẩm mỳ Kusku, phở ăn liền, bánh đa, phồng tôm Hapro; Sản phẩm bánh mứt kẹo tết của Công ty Thuỷ Tạ, Xí nghiệp bánh mứt kẹo Hà Nội, Hữu nghị, Kinh Đô. Các sản phẩm đầy ắp hương vị tết của các Công ty Unilever, Trung Thành, bia Hà Nội, bia Halida…Bên cạnh đó là các mặt hàng thời trang thu đông, áo khoác, áo len, đồ gia dụng thiết yếu…

Đặc biệt hơn tại 12 điểm bán hàng theo mô hình “Chợ Tết”, Tổng công ty Thương mại Hà Nội đã và đang phục vụ nhân dân địa phương các mặt hàng thiết yếu trong Chương trình dự trữ, bình ổn giá như: gạo, dầu ăn, đường, thực phẩm chế biến, rau củ quả…

Sức mua không tăng mạnh

Dạo qua các cửa hàng mặt phố, các siêu thị lớn của Hà Nội có thể thấy người dân đã rộn rịch đi mua hàng Tết nhưng sức mua không tăng mạnh. Chị Thân Minh, chủ cửa hàng tạp hóa 461 Minh Khai, quận Hai Bà Trưng cho biết: “Năm trước tôi phải nhập hàng về bán trước tết từ 2 tháng, số lượng hàng nhiều và người mua tấp nập. Năm nay, đến thời điểm này, tôi vẫn không dám nhập nhiều hàng về và còn nghe ngóng lượng người mua có tăng thêm không. Năm nay buôn bán chán lắm, dân mình còn chờ đến sát tết mới mua hàng”.

Bên cạnh đó, chị Minh Thu, ở Hào Nam, quận Đống Đa cho hay: Năm nay tiền thưởng tết của cơ quan chị không cao, hàng hóa lại tăng giá theo lạm phát nên nhà chị phải thắt chặt chi tiêu. Theo đó, nhà chị cũng chỉ dám mua thêm nồi lẩu điện, lò vi sóng từ chương trình trợ giá, xả hàng cuối năm của các siêu thị điện máy. Bên cạnh đó, gia đình chị cũng mua thêm ít bánh kẹo, rượu vang để đi đối ngoại trong dịp Tết; một vài bộ quần áo mới cho trẻ con trong gia đình; còn lại sát đến Tết mới mua giò, chả, bánh chưng, hải sản, hoa tươi… là những thứ không thể thiếu trong ngày Tết.

Như vậy, có thể thấy, với những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và truyền thống, người dân vẫn có nhu cầu mua, nhưng với những mặt hàng tươi sống, không bảo quản lâu thì phải đến những ngày áp Tết mới tăng nhanh.

Tết năm nay, các lực lượng quản lý thị trường cũng đang ra quân ráo riết để ngăn chặn những loại hàng giả, hàng kém chất lượng tuồn ra thị trường. Theo đó, đã phát hiện ra hàng tấn nầm bò, tràng lợn bẩn, nấm mốc đang trên đường đi tiêu thụ; gà làm rồi ướp hóa chất gây ung thư ở TP. Hồ Chí Minh; giò, chả ướp hàn the tràn lan trên thị trường; thịt lợn siêu nạc được kích thích bằng các chất gây tăng trọng, cho nhiều nạc; rau xanh nhiễm hóa chất trừ sâu… Mặc dù, ngay từ đầu năm 2012, ngành y tế đã phát động “Năm an toàn vệ sinh thực phẩm”; tuy nhiên, người tiêu dùng cần tỉnh táo lựa chọn những thực phẩm có xuất xứ, nguồn gốc, điểm bán hàng có uy tín; nhất là trong dịp Tết khi lượng hàng hóa phải mua tăng lên. Hơn nữa, hàng giả, hàng nhái… hiện làm rất tinh vi, mắt thường không thể nhìn thấy được nên cần sự vào cuộc mạnh hơn nữa của các cơ quan chức năng, với các chế tài xử phạt thật nặng.

Tết âm lịch 2012 đang đến gần, hy vọng nhân dân Thủ đô sẽ được đón một cái Tết bình ổn, vui tươi, lành mạnh.

Lan Hương

Hà Nội mới

Các tin tức khác

>   Tiếp tục cải cách thị trường nhân tố sản xuất (11/01/2012)

>   Thừa hàng triệu tấn ximăng (11/01/2012)

>   Lùi thời hạn đánh thuế chống bán phá giá cá tra (11/01/2012)

>   Ethanol tìm đường xuất khẩu (11/01/2012)

>   EVN vay 3 tỉ đô la phát triển nguồn, lưới điện (11/01/2012)

>   Vinacomin xin thế chấp than để vay vốn nước ngoài (10/01/2012)

>   2012, Lọc dầu Dung Quất đặt chỉ tiêu doanh thu 108 nghìn tỷ đồng (10/01/2012)

>   Thị trường bán lẻ nội địa hướng tới mục tiêu 100 tỷ USD (10/01/2012)

>   Đặt mục tiêu xuất khẩu 108,5 tỷ USD trong 2012 (10/01/2012)

>   TS Lê Đăng Doanh: Phá sản không phải là "tận thế"! (10/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật