Thứ Ba, 10/01/2012 12:03

TS Lê Đăng Doanh: Phá sản không phải là "tận thế"!

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh phân tích tác động của sụt giảm kinh tế toàn cầu và những khó khăn nội tại của kinh tế Việt Nam đến tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), tình hình hoạt động của doanh nghiệp trong năm 2012, được dự báo là có thể khó khăn hơn năm 2011.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề cuộc hội thảo kinh tế do Hiệp hội kế toán công chứng Anh (ACCA) tổ chức ngày 9-1 tại TPHCM, ông cũng nhấn mạnh rằng trong khó khăn luôn có cơ hội cho doanh nghiệp và phá sản không phải là ngày "tận thế", mà trái lại sẽ giúp tạo ra những doanh nghiệp mạnh hơn, cạnh tranh hơn.

Những gì ông trình bày tại hội thảo khiến nhiều người nghĩ rằng năm 2012 có thể còn khó khăn hơn 2011. Ông có cho rằng điều này sẽ xảy ra?

- Tiến sĩ Lê Dăng Doanh: Cho đến nay, chưa có gì chắc chắn lắm về sự đổ vỡ của đồng euro, nhưng đang có 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này và diễn biến về tình hình kinh tế thế giới. Ông George Soros – đại diện cho nhóm thị trường thì tiên đoán đồng euro sẽ đổ vỡ, và theo tôi kinh tế Hy Lạp cũng đang rất xấu. Trong khi đó, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde mới đây nói rằng đồng euro sẽ không đổ vỡ năm 2012, nhưng lại cảnh báo rằng thế giới có thể sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng kéo dài và đau đớn như những năm 1930. Như vậy, môi trường bên ngoài của kinh tế Việt Nam sẽ khó khăn hơn.

Điều kiện bên trong của kinh tế Việt Nam cũng rất khó khăn. Có người nói rằng lạm phát đã giảm nhưng thật sự lạm phát không giảm vì chỉ có chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hàng tháng đã giảm tương đối nhưng rồi tăng trở lại cuối năm. Lạm phát năm 2011 hơn 18% là rất cao.

Trước tình hình đó, Chính phủ Việt Nam đưa ra chương trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đây là ý tưởng chính sách đúng đắn nhưng cần phải được cụ thể hoá bằng tập hợp các biện pháp cải cách được liên kết với nhau.

Khác với năm 1990, khi cải cách đem lại cơ hội kinh doanh cho khu vực tư nhân,… mọi người được lợi, chỉ trừ một số ít ông chủ hợp tác xã bị thiệt. Nhưng trong cuộc cải cách hiện nay, những người bị thiệt là những người đang được lợi rất nhiều từ đất đai, rừng, biển, khai thác mỏ… Những người đó sẽ bị giảm lợi ích vì khuyến khích kinh tế sẽ được chuyển dần cho vào những người có tri thức, có khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh và quản trị doanh nghiệp tốt hơn. Đấy không phải là quá trình dễ dàng. Kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những cải cách khó khăn nhất. Cải cách khó khăn là gì? Là không ai muốn tự vác đá ghè chân mình, là một số quan chức không muốn mất đi “lợi ích nhóm” hay các lợi ích từ “tư duy nhiệm kỳ”.

Từ những khó khăn trên cùng với những dự báo giảm về tăng trưởng xuất khẩu, thiếu vốn ngân sách cho các dự án đầu tư đã duyệt…, liệu Việt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP là 6- 6,5% như mong muốn?

- Tôi nghĩ 5% đã là tốt lắm rồi chứ không phải 6%. Trong tình hình khó khăn hiện nay, muốn đạt được 6% thì Chính phủ phải nâng cao hiệu quả và huy động được vốn từ khu vực tư nhân để bù đắp cho thiếu hụt vốn ngân sách. Tôi cũng muốn lưu ý rằng từ trước đến nay tiêu chí về tái cơ cấu đầu tư công của Việt Nam thường tập trung đến vốn mà không thấy rõ tiêu chí về hiệu quả.

Tái cấu trúc đầu tư phải dựa vào hiệu quả và cái gì có hiệu quả thì làm, thì đưa vốn vào đấy còn cái gì không hiệu quả thì cắt vốn đi. Nếu nói dự án này không có vốn thì cắt. Sao lại có thể lại làm thế? Nếu dự án đó hiệu quả thì phải cương quyết đổ vốn vào chứ! Cho nên vấn đề bây giờ là phải đưa tiêu chí hiệu quả lên hàng đầu, chứ không phải là có vốn hay không. Theo tôi là phải thay đổi lại tiêu chí.

Liệu các doanh nghiệp tư nhân có vốn đầu tư cho các dự án hiệu quả hay không khi mà chính bản thân họ cũng đang gặp khó khăn về vốn cho sản xuất, thị trường xuất khẩu?

- Tôi cho rằng xuất khẩu khó khăn sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm và điều này rất quan trọng với nền kinh tế Việt Nam. Theo tôi được biết, cho đến nay, các công ty dệt may Việt Nam mới có hợp đồng cho đến quí 2-2012 trong khi đó cùng thời gian này năm 2011 thì các doanh nghiệp đã có 80% đơn hàng cho cả năm. Năm 2011 là một năm thắng lớn của ngành dệt may nhưng 2012, theo tôi, là năm khó khăn đối với ngành dệt may.

Về vốn tư nhân, tôi cho rằng hiện nay vốn tư nhân không phải là không có nhưng họ không dám đầu tư vì môi trường rủi ro, sức mua yếu, lãi suất ngân hàng quá cao. Giảm lạm phát thì mới giảm được lãi suất ngân hàng, và lúc đó tôi tin là doanh nghiệp sẽ đầu tư. Và nếu chuyển số vốn đầu tư vào doanh nghiệp nhà nước sang cho khu vực tư nhân thì cũng với số vốn ấy, tôi tin rằng khu vực tư nhân sẽ tạo ra hiệu quả cao hơn rất nhiều. Điều này đã được chứng minh qua các nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á trong thời gian qua.

Ngoài dệt may, khó khăn kinh tế ở trong và ngoài Việt Nam sẽ tác động nhiều đến những ngành nào khác, thưa ông?

- Theo tôi là đồ gỗ, hàng điện tử gia dụng sẽ gặp khó khăn. Ngành vậy liệu xây dựng có thể sẽ phục hồi, nhưng tôi cũng lưu ý là lượng tồn kho xi-măng hiện lên đến 2 triệu tấn mà sản phẩm này chỉ có thể giữ được chất lượng như mong muốn trong thời gian 3 tháng và sau thời gian này phải đem nghiền và nấu lại. Khó khăn là có thực, là thách thức nhưng cũng không phải không có giải pháp. Theo triết lý của kinh dịch thì hễ cứ cùng là phá, nghĩa là khó khăn cũng tạo ra cơ hội.

Trong kinh tế học, phá sản là sự tàn phá sáng tạo. Bởi vì phá sản thì nhà xưởng vẫn còn, máy móc vẫn còn, người lao động vẫn còn mà chỉ có ông chủ kém thì phải ra đi để nhường chỗ cho ông chủ khác. Ông chủ sau này sẽ bỏ vốn đầu tư cho công nghệ mới và lúc đó từ đống tro tàn sẽ có một con phượng hoàng bay lên. Cho nên, tôi không coi phá sản là một ngày tận thế, là sự bế tắc mà trái lại tôi xem phá sản là cơ hội để vươn lên. Do vậy, các doanh nghiệp bị phá sản năm 2011 sẽ được hồi phục và phát triển nếu tìm được cơ hội.

Nhưng cơ hội cho các doanh nghiệp phá sản, doanh nghiệp gặp khó không phải là nhiều?

- Vấn đề còn tùy thuộc vào quyết tâm cải cách. Năm 1990, tình hình của Việt Nam còn khó khăn hơn nhiều vì lúc đó không có nhiều trợ giúp từ bên ngoài, lạm phát rất cao… nhưng có quyết tâm, có chính sách đúng đắn Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khó khăn đó. Nên tôi cho rằng chúng ta cần học những bài học của quá khứ và phát huy sức mạnh của dân, chứ không phải chỉ dựa vào các tập đoàn nhà nước, được xem là quả đấm thép nhưng đến bây giờ quả đấm này mang lại nhiều vấn đề hơn là thép.

Xin cảm ơn ông!

Bình Nguyên thực hiện

tbktsg

Các tin tức khác

>   Vinacomin đạt 7,500 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2011 (10/01/2012)

>   60% doanh nghiệp FDI than lỗ (10/01/2012)

>   DN Thông tin -Truyền thông đạt mức tăng trưởng cao (09/01/2012)

>   Đình chỉ 5 doanh nghiệp vận tải taxi (09/01/2012)

>   AEON Nhật Bản tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam (09/01/2012)

>   Tập đoàn nhà nước “khôn nhà dại chợ” (09/01/2012)

>   Chống chuyển giá: Nên rút phép doanh nghiệp FDI “lỗ” liên tục? (09/01/2012)

>   Nghịch lý của xúc tiến thương mại Việt Nam (09/01/2012)

>   Thuế và lệ phí ôtô: Khi định hướng… lệch hướng (09/01/2012)

>   Tồn kho và đình đốn: DN đón 2012 trong nỗi bất an (09/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật