Tìm thị trường xuất khẩu mới
Nhiều thị trường mới nổi được kỳ vọng sẽ tạo đà bứt phá cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong lúc những thị trường truyền thống đang suy giảm.
Khẳng định Mỹ, EU, Nhật vẫn là những thị trường sống còn nhưng trong điều kiện kinh tế thế giới suy thoái, khủng hoảng nợ công chưa chấm dứt, các doanh nghiệp (DN) dệt may, gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đang đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu sang những thị trường mới, tiềm năng để bù đắp vào khoản thiếu hụt đơn hàng từ các thị trường truyền thống.
Đồ gỗ nhắm vào thị trường Trung Quốc
Theo Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), mục tiêu của các DN gỗ là mở rộng thị trường Ấn Độ và Trung Đông. Các DN trong nước có thể tiếp cận những phân khúc hẹp của thị trường và các đơn hàng nhỏ mà các DN đồ gỗ lớn trên thế giới ít “để mắt”. Ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch HAWA, cho biết năm 2011, HAWA đã tổ chức đoàn đi khảo sát các thị trường Trung Đông, Ấn Độ, Ý, Trung Quốc để có định hướng tiếp thị phù hợp.
Sắp tới, HAWA sẽ đẩy mạnh tiếp thị thông qua việc mời gọi DN của các nước và khu vực này sang tham quan những hội chợ đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ ở Việt Nam. Ngoài ra, HAWA đang xây dựng “ngôi nhà ảo” để xúc tiến thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm đồ gỗ Việt Nam rộng rãi hơn qua mạng. Theo ông Hùng, Trung Quốc đang là thị trường mới, rất lớn của các DN xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam. HAWA hiện đang lên kế hoạch tổ chức trưng bày, bán sản phẩm tại Trung Quốc.
Dệt may có thêm Angola, New Zealand, Cuba
Không lạc quan như các DN đồ gỗ, nhiều DN ngành dệt may có phần gặp khó khăn về đầu ra. Đơn hàng từ 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất là Mỹ, EU và Nhật Bản giảm sút. Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), cho biết tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới không dễ. Hai thị trường Nam Mỹ, Trung Đông được nhắc đến nhiều từ vài năm nay nhưng tiềm năng không lớn. Lớn nhất, có thể có mức tiêu thụ gần bằng thị trường châu Âu là thị trường Nga thì các DN dệt may Việt Nam hiện vẫn chưa vào được do vướng thủ tục thanh toán. Một số DN may mặc đã xuất khẩu hàng sang Nga nhưng khối lượng không nhiều.
Riêng với các DN thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX), trong năm 2011, các thị trường chính là Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn ổn định và tiếp tục được củng cố. Đáng lưu ý, một số thị trường mới nổi như Hàn Quốc, Canada… đang dần được mở rộng và chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của VINATEX. Trong đó, thị trường Hàn Quốc tăng 103% so với cùng kỳ. Tập đoàn này cũng yêu cầu các DN tiếp tục mở rộng các thị trường nhỏ nhằm tăng nhanh lượng hàng hóa xuất khẩu, tập trung phát triển nguồn nhân lực để sản xuất những mặt hàng có giá trị cao, chú trọng xây dựng và quảng bá một số thương hiệu trong nước để xuất khẩu ra nước ngoài. Trong cơ cấu thị trường xuất khẩu dệt may gần đây xuất hiện thêm các thị trường mới như Angola, New Zealand, Cuba… Ngoài ra, xuất khẩu dệt may sang châu Á (Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc) tăng trưởng tốt, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành dệt may Việt Nam trong năm 2011 cũng tiếp tục được đầu tư, khai thác tốt trong năm nay.
Da giày: Khách hàng cũ quay lại
Với da giày, theo thông tin từ Hiệp hội Da giày Việt Nam (LEFASO), đang có sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc sang và số lượng khách hàng cũ quay lại sau khi EU chấm dứt thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng giày mũ da của Việt Nam. Trong điều kiện hiện tại, theo LEFASO, các DN xuất khẩu cần nâng cao hơn nữa chất lượng, mẫu mã, chủng loại để trụ vững tại các thị trường, tăng thị phần và sức cạnh tranh với da giày Trung Quốc. Đối với Mỹ, cơ hội xuất khẩu vào thị trường này rất lớn nhưng không nhiều DN Việt Nam tận dụng được. Còn với thị trường EU (chiếm đến 49% thị trường xuất khẩu da giày Việt Nam), hiện vẫn còn đang “phập phù”, chờ kinh tế khu vực này phục hồi.
Tận dụng ưu đãi từ các hiệp định
Vinatex yêu cầu các DN thành viên chuẩn bị nguồn lực để khai thác hiệu quả những ưu đãi mà hiệp định thương mại giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… mang lại; tận dụng tối đa các tiềm năng và lợi ích từ việc gia nhập các tổ chức ITMF (Liên đoàn Tập hợp các nhà sản xuất sợi dệt trên toàn thế giới). Những DN thuộc tập đoàn cũng sẽ tích cực tham gia các hoạt động đàm phán song phương và đa phương, đặc biệt là đàm phán về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) để tận dụng cơ hội từ hiệp định này. |
Thanh Nhân
Người lao động
|