Khi doanh nhân nhỏ lệ
Một doanh nhân rơi lệ khi kể chuyện về doanh nghiệp mà ông đang làm chủ tịch hội đồng quản trị. Chắc phải ấm ức lắm, ông mới khóc như vậy...
|
Ông Vũ Việt Hùng không biết rồi đây Cty 120 và hơn 400 công nhân sẽ đi về đâu. |
Chưa hết hạn đã thu hồi
Chuyện của ông Vũ Việt Hùng, Chủ tịch HĐQT Cty cổ phần cơ khí 120 (một DN Nhà nước hiện sở hữu hơn 45% cổ phần, trực thuộc Tổng Cty Công nghiệp ôtô Việt Nam- Vinamotor) xuất phát từ việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dời nhà máy ra khỏi nội đô Hà Nội, bàn giao đất vàng tại 609 Trương Định cho một DN khác để xây dựng chung cư.
Thời điểm đó tỉnh Hưng Yên nổi lên như một điển hình tại khu vực phía Bắc, rải thảm đỏ chào đón nhà đầu tư. Sau hơn một năm giải phóng mặt bằng, Cty 120 được tỉnh Hưng Yên ký hợp đồng cho thuê hơn 15 ha và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại hai huyện Văn Giang và Yên Mỹ trong thời hạn 35 năm kể từ 13-5-2005.
Trong khi Cty 120 đang triển khai các hạng mục dự án, thì ngày 14-7-2009, Sở TN&MT Hưng Yên có kết luận số 24, đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên thu hồi toàn bộ đất dự án đã cho Cty thuê, giao lại cho chính quyền xã quản lý. Ngay ngày hôm sau, 15-7-2009, UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định thu hồi đất của Cty 120. Lý do dự án chậm tiến độ và sử dụng đất không hiệu quả.
Hơn một tháng sau, UBND tỉnh Hưng Yên có thông báo, bất ngờ giao lại toàn bộ khu đất đó cho Cty ôtô TMT (cũng thuộc Vinamotor) để DN này thực hiện dự án sản xuất, lắp ráp các loại ô tô mang nhãn hiệu Hyundai.
“Bao công sức, san lấp, giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng, nhà máy...Số tiền chúng tôi đã đầu tư vào dự án khoảng trên 72 tỷ đồng, trong khi tỉnh Hưng Yên đơn phương quyết định bồi thường chỉ 48 tỷ đồng. Nay DN tự dưng phá sản, hơn 400 con người bơ vơ không biết về đâu”, ông Nguyễn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Cty 120 nói.
Theo ông Vũ Việt Hùng, Chủ tịch HĐQT Cty 120, đúng là dự án triển khai chậm, do thời điểm 2007-2008, không riêng gì Cty 120 mà cả cộng đồng DN gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính. Bản thân Cty 120 cũng gặp khó khăn về vốn. Tuy nhiên, nếu theo quy định của Luật đất đai, thì dự án chỉ bị thu hồi khi chậm tiến độ hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án dầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất.
Trên thực tế, đến ngày bị thu hồi đất (15-7-2009) dự án mà Cty 120 thực hiện mới chỉ chậm tiến độ 14 tháng. Bởi thực tế, ngày 13-5-2005 Cty mới được bàn giao đất, trong khi tiến độ thực hiện dự án “Di chuyển Cty 120 và xây dựng xí nghiệp sản xuất cabin-thùng xe và phụ tùng ô tô” là 3 năm.
Trước khi bị thu hồi, Cty 120 và cả lãnh đạo Vinamotor đã nhiều lần có văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Hưng Yên xin cho Cty tiếp tục thực hiện dự án, nhưng không được chấp nhận.
Thương trường là chiến trường
Trong khi không thuyết phục được UBND tỉnh Hưng Yên cho Cty 120 tiếp tục thực hiện dự án, không còn cách nào, hai lãnh đạo cao nhất của Cty là ông Vũ Việt Hùng và ông Nguyễn Văn Thắng, đã nhiều lần đến gõ cửa phòng ông Bùi Văn Hữu, Chủ tịch HĐQT Cty ô tô TMT (cũng đóng trên địa bàn Hưng Yên), xin lãnh đạo Cty này buông tha, cho Cty 120 một con đường sống.
“Nhưng ông Hữu cũng từ chối thẳng thừng, không thèm tiếp chuyện chúng tôi, dù tôi và anh Thắng chấp nhận quỳ lạy, mong anh ấy nể tình từng là lãnh đạo của chúng tôi (ông Hữu từng là Phó Tổng Giám đốc Vinamotor-PV) và nay vẫn là anh em một nhà (cùng là DN thuộc Vinamotor-PV)”, ông Hùng tâm sự.
"Việc thu hồi đất của Cty 120 về chi tiết có thể có cái chưa chuẩn, nhưng về tổng thể, tôi khẳng định không sai. Còn việc giao cho Cty TMT mà nay không có dự án nữa thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp. Nếu nhận đất mà không triển khai đúng tiến độ thì chúng tôi lại thu hồi”- Một lãnh đạo UBND tỉnh Hưng Yên. |
Kể lại chuyện trên với phóng viên Tiền Phong , mắt ông Hùng đỏ hoe, nhỏ lệ. Bây giờ, ông Hùng mới thấm câu “thương trường là chiến trường”. Bởi xét trên quan hệ, Cty cổ phần ô tô TMT và Cty 120 cùng một mẹ là Vinamotor. Và mới chỉ cách đây vài năm, lãnh đạo Cty 120 còn cho Cty TMT mượn mặt bằng để xe ô tô xuất xưởng. Không ai học được chữ ngờ…
Theo ông Thắng, lý do mà Cty ô tô TMT muốn lấy hơn 15 ha đất của Cty 120, vì năm 2009-2010, Cty này kỳ vọng sẽ ký kết được với tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp xe Hyundai độc quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, sau đó phía Hyundai Hàn Quốc không chọn Cty TMT mà chọn Hyundai Thành Công. “Nên có thể nói, tỉnh Hưng Yên thu hồi đất của một DN có dự án như chúng tôi, để giao cho một DN không còn dự án nào cả. Như thế, họ vì lợi ích của ai?”, ông Thắng nói.
Nhưng nếu việc thu hồi xong xuôi, một mét vuông đất sạch tại đây hiện có giá khoảng 1,2 triệu đồng. Quy ra, sau thu hồi, nếu người nhận dự án mới bán qua tay cũng được lời hàng chục tỷ đồng. Chỉ khốn khổ cho hơn 400 người lao động của Cty 120, rồi đây không biết sẽ phải đi đâu về đâu, đằng sau họ là cuộc sống của hơn 400 gia đình bị ảnh hưởng.
Nhật Anh
Tiền Phong
|