Thứ Bảy, 14/01/2012 14:29

Ngã ba đường của Vinashin

Vẫn khó khăn về nguồn tiền để chi trả lương cũng như các khoản phúc lợi cho người lao động là một trong những điểm của báo cáo về tình hình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp vừa được tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) gửi lên Chính phủ. Theo tin của VnExpress, Vinashin đề nghị tiếp tục được vay thêm tiền để trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thôi việc cho công nhân. Không những thế, như báo chí cho biết, Vinashin đang đối diện với nguy cơ thiếu việc làm.

“Ta về ta tắm ao ta”

Từ nhiều tháng nay, Vinashin được vay tiền với lãi suất 0% tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam (NHPTVN) để trả lương người lao động. Sự ưu đãi này kéo dài đến tận cuối năm ngoái. Trên thực tế tập đoàn có nguồn thu không nhỏ từ việc giao các tàu đã hoàn thành cho khách hàng. Năm 2011 Vinashin bàn giao, hạ thủy tổng cộng 74 con tàu trọng tải to nhỏ các loại. Đấy là một con số lớn mà suốt nhiều năm trước thời điểm được ấn định để tái cơ cấu, tập đoàn không đạt được. Vậy tại sao Vinashin vẫn khó khăn về nguồn tiền trả lương công nhân? Ở đây, liệu có thể hiểu rằng nguồn thu từ bàn giao tàu không đủ để bù đắp chi phí đóng tàu?

Không dừng lại ở đấy, năm nay số hợp đồng đóng tàu mà Vinashin còn lại trong tay không còn dồi dào như năm trước. Thông thường, các doanh nghiệp đều có hợp đồng gối đầu cho những năm sau. Nhiều khả năng Vinashin đã không ký được hợp đồng cho năm 2012 và cả những năm kế tiếp do ngành đóng tàu và vận tải biển trên thế giới đang trong cơn khủng hoảng kéo dài. Báo Lao Động trích dẫn lời ông Nguyễn Ngọc Sự, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin, nhấn mạnh tập đoàn sẽ đề xuất với Chính phủ kế hoạch thép hóa đội tàu đánh cá của ngư dân. Nếu đề xuất này được chấp thuận, Vinashin sẽ chuyển về sân nhà. Đang từ thị trường quốc tế, chuyển về thị trường trong nước, tập đoàn dường như đang thực hiện chiến lược “ta về ta tắm ao ta”.

Thay đổi chiến lược để vượt qua thử thách có lẽ không có gì mới đối với giới kinh doanh. Vấn đề là ở chỗ ngư dân lấy tiền ở đâu để đặt hàng Vinashin đóng tàu? Từ trước đến nay, kể cả trong giai đoạn hiện đại hóa đội tàu đánh bắt xa bờ, ngư dân trông chờ phần lớn vào vốn vay ngân hàng. Trước khi cổ phần hóa, các ngân hàng quốc doanh có khoản tài trợ tín dụng cho đánh bắt xa bờ với thời hạn dài và được gia hạn nợ. Không có nhiều ngân hàng cổ phần tham gia cho ngư dân vay do rủi ro được nhận định là cao. Hoạt động đánh bắt hải sản phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, mà biển Việt Nam năm nào cũng có bão to gió lớn.

Hiện nay, ba trong số bốn ngân hàng quốc doanh đã chuyển thành cổ phần. Liệu những ngân hàng này còn muốn cho ngư dân vay để đặt hàng Vinashin? Còn nếu không, hỗ trợ vốn cho ngư dân sẽ phải nhờ cậy vào nguồn vốn của ngân hàng chính sách với các điều kiện ưu đãi. NHPTVN trực thuộc Bộ Tài chính, vốn do ngân sách cấp. Giả sử NHPTVN cho ngư dân vay để “thép hóa” đội tàu, cũng có nghĩa là ngân sách gián tiếp cung ứng vốn cho hoạt động của Vinashin.

Thực ra chiến lược trở lại sân nhà đã được Vinashin khởi động từ đầu tháng 10-2011 bằng việc ký hợp đồng với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), theo đó Vinalines mua 20 chiếc tàu của Vinashin gồm 7 loại. Website của Vinashin ngày 14-12-2011 đưa tin “phần lớn những tàu này (Vinalines mua) đang trong giai đoạn hoàn thiện để bàn giao, nhưng chủ tàu nước ngoài đã xin hủy hợp đồng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu”. Một lần nữa, câu hỏi tiền đâu được đặt ra? Vinalines tìm nguồn nào, hoặc vay ở đâu để mua những con tàu của Vinashin? Năm 2010 Vinalines đã lỗ 650 tỉ đồng và chưa có gì đảm bảo tới đây tổng công ty sẽ có nhiều lợi nhuận trong điều kiện giá cước thuê tàu vẫn đang sụt giảm như hiện nay. Một số công ty vận tải biển hiện không dám nhận tàu mới, vì cho dù có khách hàng, doanh thu cũng không đủ trả lãi vay ngân hàng.

Chủ nợ tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro

Năm 2010 Ngân hàng Nhà nước công bố dư nợ cho Vinashin vay của các ngân hàng và công ty tài chính trong nước là 26.000 tỉ đồng. Từ đó đến nay chỉ có Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVF) thông báo đòi được hơn 1.000 tỉ đồng nợ của Vinashin. Một số ngân hàng mua trái phiếu do Vinashin phát hành 3-5 năm trước cho biết họ nhận được lãi, còn gốc thì hoặc bắt buộc gia hạn, hoặc chưa đến hạn.

Gần đây nhất, đơn vị công khai dư nợ cho Vinashin vay là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV). Vinashin hiện còn nợ BIDV 6.600 tỉ đồng, trong đó 1.600 tỉ sẽ được chuyển cho Vinalines. Sau khi chuyển số nợ còn 5.000 tỉ đồng (trong số này dư nợ cho vay là 2.000 tỉ đồng, còn lại là bảo lãnh cho vay theo chỉ định). BIDV trích 1.500 tỉ đồng dự phòng rủi ro cho khoản vay trên trong năm ngoái và trích tiếp 3.000 tỉ đồng vào năm nay.

Ngân hàng Công thương Vietinbank cũng là một chủ nợ của Vinashin. Năm 2010 “Vietinbank trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản vay của Vinashin và một số đơn vị thành viên là 845,1 tỉ đồng” (nguồn: CTG Báo cáo tài chính hợp nhất quí 4-2010, trang 40).

Năm 2011 Vinashin đã trả được bao nhiêu nợ? Có lẽ không nhiều như các chủ nợ mong đợi. Khoản nợ nước ngoài 600 triệu đô la Mỹ vẫn còn đấy. Các chủ nợ trong nước tiếp tục trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản mà Vinashin vay. Nên nhớ nếu không phải trích dự phòng rủi ro, lợi nhuận của các chủ nợ có thể tăng lên và số thuế thu nhập doanh nghiệp nộp sẽ nhiều hơn, tức ngân sách có khả năng thu được nhiều hơn. Trong khi đó, để duy trì hoạt động cho Vinashin, Nhà nước vẫn phải gián tiếp can thiệp bằng các chính sách ưu đãi như cho vay lãi suất 0%. Cái giá để tái cơ cấu Vinashin đang ngày một lớn.

Lưu Hảo

TBKTSG

Các tin tức khác

>   Vinapco lo mất trắng gần 24 tỷ đồng với nhạc sỹ Hà Dũng (14/01/2012)

>   Giấc mơ rồng của doanh nghiệp (14/01/2012)

>   Khi doanh nhân nhỏ lệ (14/01/2012)

>   Bóp cổ “thượng đế” ! (14/01/2012)

>   Hải Dương tạo điều kiện cho DN Nhật Bản vào đầu tư (13/01/2012)

>   Doanh nghiệp nhập khẩu gặp khó về thủ tục (13/01/2012)

>   Đặc sản xuất ngoại (13/01/2012)

>   Tăng năng lực chính sách thương mại DN nhỏ và vừa (13/01/2012)

>   Bộ trưởng Huệ: "May mà giá xăng dầu không tăng” (13/01/2012)

>   Công ty dịch vụ hậu cần Thái mở rộng đầu tư tại VN (13/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật