Thứ Hai, 16/01/2012 06:20

Tăng giá trị trong chuỗi dệt may thế giới

Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang có kế hoạch tăng giá trị thiết kế trong các sản phẩm may xuất khẩu của Việt Nam lên 20%.

Đa dạng hóa và nâng cấp sản phẩm dệt may, đầu tư khâu thiết kế để xuất khẩu sản phẩm dạng OBM (gắn thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam) là mục tiêu hướng đến trong năm nay của ngành dệt may Việt Nam.

Ưu tiên đầu tư các chuyền may xuất khẩu

Ưu tiên trước hết trong phát triển của ngành dệt may giai đoạn này là tập trung phát triển và tăng cường cho ngành may xuất khẩu để tận dụng cơ hội thị trường.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, các doanh nghiệp trong năm 2012 cần tích cực thay đổi phương thức sản xuất kinh doanh từ gia công sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm theo mẫu thiết kế của nước ngoài và khách hàng do nước ngoài chỉ định (FOB), hướng tới mục tiêu bán sản phẩm bao gồm cả thiết kế (ODM) khoảng 20% vào năm 2020; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho ngành may trong các hoạt động thiết kế thời trang, hỗ trợ nguồn cung ứng nguyên phụ liệu cho sản xuất kinh doanh. Trong hướng này, Vinatex đang gấp rút triển khai đầu tư 300 chuyền may tại khu vực phía Nam.

Thực tế khó khăn vừa qua do nguyên liệu trong nước chưa chủ động được, giá nguyên liệu thế giới tăng giảm thất thường, một số doanh nghiệp gia công thuần túy lại ít gặp rủi ro nhất, do vậy Hiệp hội Dệt may Việt Nam chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp phát huy cả 3 hình thức là may gia công (CMT), FOB; bán các bộ sưu tập, các sản phẩm hàng hóa do mình thiết kế, chủ động chào giá mang lại giá trị cao nhất (ODM).

Về tổng thể, nếu chỉ may gia công thì tỉ suất lợi nhuận thấp nhất, chỉ chiếm khoảng 10%-15% giá thành. Do vậy, hiệp hội khuyến cáo các doanh nghiệp nên tập trung nâng cấp để chuyển dần sang làm hàng FOB và thậm chí nhanh chóng chuyển sang làm hàng ODM.

Đầu tư xuất khẩu sản phẩm Việt

Một mục tiêu đang được lãnh đạo ngành dệt may thúc đẩy và tập trung nhiều nguồn lực để đầu tư là từng bước xuất khẩu được các sản phẩm dạng OBM nhằm mang lại hiệu quả cao nhất. Mắt xích này đặc biệt quan trọng trong chuỗi giá trị gia tăng của ngành dệt may trên toàn thế giới mà phải có nhiều nội lực mới đột phá được.

Các nghiên cứu cho thấy trong chuỗi dệt may toàn cầu, chính các nhà buôn (trader) và các nhà cung cấp là các trung gian đóng vai trò then chốt và nắm giữ phần lớn giá trị mặc dù họ không hề sở hữu nhà máy nào. Ông Vũ Đức Giang cho biết sẽ đầu tư hai trung tâm thiết kế và kinh doanh thời trang ở Hà Nội và TPHCM nhằm đưa điều này sớm đi vào hiện thực.

Hiện nay, giá trị thiết kế trong các sản phẩm may xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 5%. Vinatex đang có kế hoạch tăng lên 20%, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm thời trang trong khu vực.

Năm 2011, dệt may là ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, chiếm đến 16,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Năm 2012, ngành dệt may vẫn đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 15 tỉ USD, tăng từ 10% - 12% so với năm 2011. Mỹ, EU, Nhật Bản vẫn được kỳ vọng là các thị trường chính, chiếm 80% tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu.

Ưu tiên phát triển nguyên, phụ liệu

Năm qua, nhập khẩu bông và vải vẫn chiếm tỉ trọng cao với 1,1 tỉ USD cho bông và 6,6 tỉ USD cho vải các loại, chiếm 70% kim ngạch nhập khẩu. Chỉ riêng lãi vay lưu động, trong năm 2011, Vinatex đã phải tăng 800 tỉ đồng so với năm 2010 do lãi suất tăng. Do vậy, đầu tư phát triển nguyên, phụ liệu là một ưu tiên hàng đầu.

Ông Trần Quang Nghị, Tổng Giám đốc Vinatex, cho biết Vinatex đang triển khai nhiều giải pháp phân bổ hợp lý nguồn lực đầu tư để hình thành các cụm sản xuất bông trên quy mô công nghiệp, đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Nhiều cụm công nghiệp các nhà máy dệt, nhuộm và hoàn tất cũng được xác định để bảo đảm cho ngành công nghiệp phụ trợ phát triển, giải quyết lao động tại chỗ nhằm giảm chi phí và hướng tới phát triển bền vững.

Hoa Minh

Người lao động

Các tin tức khác

>   Thâm hụt thương mại của Mỹ tăng cao tới 10,4% (16/01/2012)

>   EVN dự kiến tổn thất điện năm 2012 không giảm (15/01/2012)

>   Khó bán vốn nhà nước ở doanh nghiệp (15/01/2012)

>   Còn nhiều kẽ hở trong việc phân phối xăng dầu (14/01/2012)

>   Ngã ba đường của Vinashin (14/01/2012)

>   Vinapco lo mất trắng gần 24 tỷ đồng với nhạc sỹ Hà Dũng (14/01/2012)

>   Giấc mơ rồng của doanh nghiệp (14/01/2012)

>   Khi doanh nhân nhỏ lệ (14/01/2012)

>   Bóp cổ “thượng đế” ! (14/01/2012)

>   Hải Dương tạo điều kiện cho DN Nhật Bản vào đầu tư (13/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật