Thứ Tư, 11/01/2012 15:28

Ngân hàng khan tiền đồng dịp cuối năm

Tung nhiều chương trình khuyến mại lớn nhưng huy động từ dân cư vẫn khó khăn, nhiều nhà băng phải tìm mọi cách giữ chân khách hàng cũ hoặc trì hoãn việc đáo hạn tiền gửi.

Nhu cầu tiền đồng tăng mạnh nhưng nguồn cung không dồi dào đã khiến các ngân hàng chạy đua nước rút hút tiền đồng vào dịp Tết với nhiều chương trình khuyến mãi. Maritime Bank đưa ra chương trình rút thăm trúng ngay 100%, giải thưởng mỗi tuần và giải thưởng cuối chương trình có tổng giá trị hơn 4 tỷ đồng được áp dụng từ ngày 3/1 đến hết ngày 31/3/2012.

Từ ngày 3/1 đến 21/1, Eximbank cũng áp dụng chương trình dự thưởng “Ngàn giải thưởng, vạn niềm vui” hoặc “Vui xuân đón Tết cùng Eximbank”. Các giải thưởng có tổng giá trị lên đến 3 tỷ đồng, bên cạnh việc đổi miễn phí tờ 2 USD cho cá nhân gửi tiền từ 30 triệu đồng hoặc 1.500 USD trở lên, kỳ hạn trên 1 tháng. Ngoài ra, các nhà băng khác như SCB hợp nhất, HDBank, Phương Nam, DongA Bank...cũng ào ạt tung khuyến mãi để thu hút khách gửi tiền.

Nhiều nhà băng khan tiền đồng dịp cuối năm. 

Theo phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP HCM, từ tháng 12/2011 đến nay, tổng lượng tiền huy động từ dân cư tại ngân hàng ông không tăng lên bao nhiêu. "Dù chúng tôi đã tung ra nhiều chương trình dự thưởng hấp dẫn, huy động từ cá nhân vẫn dẫm chân tại chỗ, thậm chí giảm. Trong khi đó, huy động từ khu vực doanh nghiệp, tổ chức thường giảm vào dịp Tết vì bị rút nhiều vào thời điểm này để đầu tư sản xuất cho quý mới", ông nói.

Một giao dịch viên của một ngân hàng trên đường 3/2, quận 10 cũng chia sẻ, từ nhiều ngày nay, hầu hết nhân lực của nhà băng đều được huy động tối đa để tìm cách giữ tiền gửi từ người dân. "Khi có khách hàng nào đến xin rút tiền về, nhân viên phải ra sức thuyết phục và tìm mọi cách để níu giữ họ ở lại với ngân hàng", chị nói.

Chị Dung, nhà Bình Tân cho biết, tuần trước chị tới một ngân hàng trên đường Tỉnh lộ 10, Bình Tân để rút số tiền một tỷ đồng đến hạn. Tuy nhiên, khi tới nơi, chị được cô nhân viên giao dịch ở đây thuyết phục... quá tha thiết. Cô này khuyên chị nên gửi lại để được tham gia chương trình rút thăm trúng thưởng lên tới cả kg vàng SJC, lại được nhà băng tặng các quà lưu niệm giá trị... Cuối cùng, chị mủi lòng và quyết định gửi lại.

Trong khi đó, nhiều nhà băng còn sử dụng chiêu trì hoãn trả tiền cho các khâu chuyển khoản. Phản ánh với VnExpress.net , anh Nam, giám đốc một công ty thực phẩm tại quận 10, TP HCM cho biết, khách hàng từ Hà Nội chuyển khoản cho công ty 10 tỷ đồng qua một ngân hàng cổ phần có trụ sở trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3. Thế nhưng, khi anh đến rút tiền thì nhân viên ở đây cho biết, khoản tiền chuyển có vài trục trặc nhỏ nên... chưa đến, và hẹn anh hôm sau quay lại.

Lần thứ hai anh đến, nhà băng cử cô giám đốc khối dịch vụ khách hàng ra tiếp và hứa với anh sáng mai nhân viên sẽ mang tiền tới tận nhà. Sau nhiều lần hứa hẹn, cuối cùng đúng một tuần sau anh mới nhận được khoản tiền trên.

Ngoài ra, ngân hàng cũng tìm đến thị trường liên ngân hàng để cứu thanh khoản. Các khoản giao dịch liên ngân hàng tính đến 28/12 chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn ngắn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần. Trong đó, các giao dịch qua đêm chiếm tỷ trọng lớn nhất, với doanh số của các giao dịch này bằng tiền đồng đạt xấp xỉ 100.738 tỷ đồng, tương đương 39% tổng doanh số. Các giao dịch bằng USD tập trung chủ yếu vào kỳ hạn qua đêm và 1 tuần với tổng doanh số của 2 kỳ hạn này quy đổi ra tiền đồng đạt 54.609 tỷ đồng, tương đương 46% tổng doanh số.

Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trường đại học Ngân hàng TP HCM cho rằng, việc ngân hàng khó hút vốn từ dân cư có thể do đây là thời điểm người dân cần tiền mặt để chi tiêu cho dịp Tết. Ngoài ra, nhiều người vẫn kỳ vọng lãi suất cao hơn nên không gửi, hoặc khi lãi suất bị cào bằng như hiện nay 14% thì khách hàng cá nhân lại mang tiền đến các 'ông lớn' để gửi.

Khó vay liên ngân hàng thời hạn dài, cộng thêm việc huy động vốn từ dân cư không dễ dàng, là những nguyên nhân đẩy một số ngân hàng hiện nay tiếp tục vượt trần lãi suất huy động. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa trong buổi tọa đàm do Ủy ban Giám sát tài chính tổ chức sáng 9/1 cũng cho biết lãi suất huy động trong những ngày gần đây đã được một số ngân hàng đẩy lên mức 19-20% một năm, cao hơn nhiều so với trần 14% mà Ngân hàng Nhà nước đang yêu cầu tuân thủ. Cá biệt, khi trao đổi với chủ tịch hội đồng quản trị của một nhà băng, ông Nghĩa nhận được tin lãi suất tiền gửi vào ngân hàng này có lúc lên tới 21%.

Thanh Lê

vnepxress

Các tin tức khác

>   Ngân hàng bảo vệ tiền như thế nào? (11/01/2012)

>   "Ngành ngân hàng đang có những chuyển biến mạnh mẽ" (11/01/2012)

>   NHNN chấn chỉnh “lách” trần lãi suất huy động (11/01/2012)

>   Năm 2011, TPHCM chỉ tăng trưởng tín dụng 6,3% (11/01/2012)

>   Ngân hàng Nhà nước cũng phải được tái cấu trúc? (11/01/2012)

>   Hoạt động ngân hàng tại TPHCM: Mạnh ai nấy làm! (11/01/2012)

>   Tái diễn nạn vượt trần lãi suất (10/01/2012)

>   Rủi ro hệ thống ngân hàng tăng nhanh (10/01/2012)

>   Căng thẳng thanh khoản: Lãi suất huy động có thể bị đẩy lên cao (10/01/2012)

>   Tuần cuối 2011: Lãi suất liên ngân hàng giảm đến 7.5% (10/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật