Góc nhìn Nhà đầu tư
Căng thẳng thanh khoản: Lãi suất huy động có thể bị đẩy lên cao
(Vietstock) - Những tháng cuối năm, tình trạng thiếu thanh khoản trong ngân hàng lại xuất hiện. Những ngân hàng nhỏ, đặc biệt là ngân hàng đang trong giai đoạn khó khăn thì áp lực thanh khoản cuối năm đè nặng.
Lãi suất liên ngân hàng VND đang tăng
Cuối năm là thời điểm nền kinh tế thường rất "khát" tín dụng. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, trong tuần từ 17 - 23/12, lãi suất giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng bằng VND tăng đối với tất cả các kỳ hạn ngắn từ 1 tháng trở xuống và kỳ hạn trên 12 tháng, với mức tăng từ 0.12% (kỳ hạn 2 tuần) đến 1.66% (kỳ hạn 3 tuần).
Còn lãi suất bình quân qua đêm ở 14.49%/năm, tăng 0.3% so với tuần trước. Lãi suất kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần và 1 tháng dao động trong khoảng 14.01 – 14.75%/năm. Các số liệu trên cho thấy càng vào những ngày cuối năm thì thanh khoản của các ngân hàng càng căng thẳng.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà Nước đã có những động thái can thiệp, từ 26/12 cho tới 06/01/2012 NHNN đã bơm ròng 16,871 tỷ đồng trên thị trường mở (OMO) để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng.
|
Nguồn: Tổng hợp |
Nếu tính từ 5/12/2011 cho tới ngày 06/01/2012 thì NHNN đã bơm ròng 23,917 tỷ đồng thông qua OMO. Tiếp tục ngày 09/01 lượng tiền bơm ròng thêm 8,000 tỷ đồng với kỳ hạn 21 ngày, thay vì 14 ngày như thường lệ để phục vụ tết nguyên đán.
Nhưng điều này chưa thể hạ nhiệt thanh khoản khi mà một số ngân hàng vẫn liên tục tìm mọi cách lách trần lãi suất trong thời gian qua. Mới đây, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa còn cho biết ‘có ngân hàng còn huy động lãi suất lên tới mức 21%’.
Còn ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Ngân hàng BIDV Chi nhánh Hà Nội cho hay: “Trên thực tế, kỷ cương lãi suất huy động trên thị trường ngân hàng chỉ giữ được từ ngày 7/9 đến hết tháng 9/2011. Còn từ tháng 10/2011 đến nay, đặc biệt là tháng 12/2011, thị trường ngân hàng đang phải chịu đựng tình trạng mặc cả lãi suất, song không dễ phát hiện, không dễ tố cáo”.
Và điều hiển nhiên là khi huy động VND khó khăn, các ngân hàng đã chuyển sang huy đồng vàng hoặc ngoại tệ, làm cho hai thị trường này dậy sóng.
Lãi suất gửi vàng cũng nhảy vọt
Theo báo cáo mới công bố thì từ tháng 10/2011, lãi suất chứng chỉ huy động vàng liên tục tăng. Theo đó, từ mức dưới 1%/năm trong tháng 9/2011, hiện lãi suất này đã lên đến 4.35 – 4.55%/năm (tính cả lãi suất ưu đãi).
Đây là một hoạt động phòng ngừa rủi ro được lựa chọn khi cần thanh khoản, các ngân hàng có thể bán vàng hoặc dùng vàng để thế chấp vay tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng, thậm chí còn có thể hoán đổi vàng sang tiền đồng để bù đắp thanh khoản.
Tuy nhiên, giải pháp này có thể gây rủi ro cho các ngân hàng, bởi trong trường hợp giá vàng tăng, đến hạn trả vàng cho người gửi, ngân hàng có thể phải bù lỗ. Là một “cuộc chơi” khá rủi ro cho các ngân hàng không có một chiến lược dài hạn.
Tuy căng thẳng thanh khoản trong thời gian này chỉ mang tính chất chu kỳ nhưng khi các ngân hàng thực sự thiếu thanh khoản thì lãi suất có thể bị đẩy lên cao bằng cách này hoặc cách khác và hiện tượng lách trần lãi suất trong thời gian qua là một biểu hiện cụ thể.
Và một khi lãi suất không thể như quy định có thể sẽ tạo ra sự không lành mạnh trong toàn hệ thống và rủi ro sẽ tăng lên.
Lê Thế Tài
|