Sẽ có quy định đối với dịch vụ trung gian thanh toán
Lần đầu tiên quy định đối với các tổ chức trung gian thanh toán, hiện nay là các doanh nghiệp cung cấp ví điện tử, tài khoản ảo để mua bán trên mạng, gồm cả các tài khoản của người chơi game online… được đưa vào văn bản pháp luật.
Đây là nội dung của dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (thay thế Nghị định 64/2001 về thanh toán qua các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán) dự kiến được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trình Chính phủ ban hành đầu năm 2012.
Theo tiến sĩ Dương Hồng Phương, Vụ phó Vụ Thanh toán - NHNN, dịch vụ trung gian thanh toán là loại hình dịch vụ hỗ trợ hoạt động thanh toán rất mới, xuất hiện và phát triển khá nhanh cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và viễn thông.
Do chưa có quy định về khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này nên cho đến nay NHNN chỉ dừng ở việc cấp phép thí điểm cho 9 tổ chức triển khai thực hiện dịch vụ ví điện tử (ước đạt 650.000 ví vào cuối năm 2011).
“Hoạt động trung gian thanh toán là hoạt động ứng dụng công nghệ cao, hiện đại đi kèm không ít rủi ro nên cần phải được giám sát chặt chẽ để giảm thiểu rủi ro. Dự thảo với các quy định mới sẽ tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức không phải là ngân hàng được hoạt động hỗ trợ thanh toán”, theo bà Phương.
Bà Phương cũng cho rằng, đây là các loại hình dịch vụ ứng dụng công nghệ cao mang tính phức tạp, luôn đi kèm rủi ro, do vậy dự thảo nghị định đã đưa ra các quy định khá chặt chẽ về các điều kiện cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán nhằm đảm bảo an toàn, phòng tránh rủi ro liên quan.
NHNN bước đầu đã phân loại thành 3 loại hình dịch vụ trung gian thanh toán, bao gồm các dịch vụ: cung ứng hạ tầng thanh toán điện tử, hỗ trợ dịch vụ thanh toán và các dịch vụ khác theo dự thảo Thông tư hướng dẫn về hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán của các tổ chức không phải ngân hàng, dự kiến được NHNN ban hành trong quí 2-2012.
Một điểm quan trọng trong dự thảo nghị định trên, là bổ sung các quy định về giám sát các hệ thống thanh toán, bao gồm các nguyên tắc cũng như tiêu chí, phạm vi giám sát các hệ thống thanh toán quốc gia (hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng). Bởi thực tế, Luật NHNN 2010 quy định trong nhiệm vụ, quyền hạn của NHNN có việc tổ chức, quản lý, vận hành và giám sát hệ thống thanh toán quốc gia vì đây là hệ thống thanh toán xương sống của nền kinh tế Việt Nam nhằm đảm bảo cho hệ thống tài chính quốc gia và giúp cho hoạt động ngân hàng được ổn định, an toàn và hiệu quả.
Tuy nhiên, cho đến nay hệ thống thanh toán quốc gia mới chỉ phục vụ thanh toán đồng nội tệ, chưa đáp ứng được nhu cầu thanh toán ngoại tệ của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán. Các khoản thanh quyết toán chứng khoán, thanh toán ngoại tệ vẫn được xử lý qua các ngân hàng thương mại. Đồng thời hệ thống thanh toán quốc gia mới chính thức triển khai mở rộng trên toàn quốc, chưa qua các thử nghiệm thực tế về khả năng sẵn sàng thay thế của hệ thống dự phòng cũng như việc đảm bảo hoạt động liên tục khi xảy ra thảm họa.
Hiện nay, bên cạnh việc tham gia là thành viên các hệ thống thanh toán do NHNN quản lý và vận hành, đa số các tổ chức tín dụng đều tham gia thiết lập kênh thanh toán điện tử song phương với một hoặc một số ngân hàng quy mô lớn, có đầu tư và phát triển mạnh về cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động thanh toán. Trong thực tế, đây là kênh thanh toán được các tổ chức tín dụng lựa chọn chủ yếu để xử lý các giao dịch thanh toán sau thời điểm đóng cổng thanh toán của hệ thống thanh toán quốc gia.
Trong đó đáng chú ý là hệ thống VCB-Money của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam hiện còn cho phép thực hiện các giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ (trong khi NHNN chưa có hệ thống thanh toán ngoại tệ liên ngân hàng). Cho đến nay, các hệ thống thanh toán điện tử song phương đều do các tổ chức tín dụng tự phát xây dựng và triển khai hoạt động; chưa có sự theo dõi giám sát của NHNN nên chưa có phân tích tổng hợp để đánh giá mức độ tuân thủ các quy định hiện hành của pháp luật, cũng như tính an toàn và hiệu quả của các hệ thống này.
Ngoài ra, các giao dịch tự động nhỏ lẻ (chủ yếu là các giao dịch thẻ) vẫn được xử lý qua các hệ thống chuyển mạch thẻ do các liên minh thẻ cũng đã hình thành một cách tự phát là BanknetVN, Smartlink và VNBC. Thanh toán bù trừ chứng khoán hiện nay do Ngân hàng Đầu tư và Phát triển thực hiện.
Ngoài ra, phạm vi dự thảo có bổ sung thêm đối tượng cung ứng dịch vụ thanh toán là các tổ chức khác không phải tổ chức tín dụng thực hiện một số dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán. Ví dụ các dịch vụ chuyển tiền, dịch vụ thu hộ, chi hộ… không nhất thiết qua tài khoản thanh toán của khách hàng và do các tổ chức không phải tổ chức tín dụng thực hiện.
Quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán theo dự thảo mới cũng sẽ bắt buộc tài khoản thanh toán chỉ được sử dụng cho mục đích thanh toán. NHNN cho biết, thực tế hiện nay có không ít các trường hợp sử dụng tài khoản thanh toán cho nhiều mục đích ngoài thanh toán nhằm hưởng lãi suất cao hơn so với lãi suất tiền gửi không kỳ hạn trên tài khoản thanh toán để cho vay lẫn nhau bù đắp thiếu hụt thanh khoản.
Trường Nam
TBKTSG
|