Quản lý rủi ro hoạt động ngân hàng: Nhiều chiêu lách luật
Không đáp ứng được yêu cầu trong hồ sơ vay vốn, nhiều doanh nghiệp lại tìm đủ “chiêu trò” để có thể tiếp cận nguồn tiền từ phía ngân hàng. Các ngân hàng không thể né tránh nhiều khi phải chấp nhận những rủi ro này.
Rủi ro khó lường
Thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát đồng nghĩa với việc hạn chế nguồn vốn dành cho các doanh nghiệp. Không kể tới các doanh nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu trong hồ sơ vay vốn từ phía ngân hàng, các doanh nghiệp khác luôn cố gắng tìm mọi cách để có thể vay được vốn. Chi “lót tay” cho cán bộ tín dụng, thậm chí chấp nhận “chi đậm” cho quan chức trong ngân hàng không còn là hiện tượng hiếm gặp.
Trong năm 2011 vừa qua, đã có nhiều vụ việc được phơi bày qua đó có thể thấy một phần bức tranh trong việc cho vay vốn từ phía ngân hàng. Có doanh nghiệp khi vay 800 triệu đồng phải chấp nhận chi cho cò tới 40 triệu đồng và khoản tiền lót tay cho cán bộ ngân hàng tới 200 triệu đồng.
Theo các chuyên gia, việc các doanh nghiệp chấp nhận lót tay để có thể vay vốn một phần là do các ngân hàng cũng gặp khó khăn về thanh khoản, huy động vốn khó khăn mà nhu cầu vay lại lớn nên không đáp ứng đủ. Cùng với đó là do một số quy định của ngân hàng không có chuyện chiếu cố, không hạ sàn, hạ chuẩn nên các doanh nghiệp khó khăn vì thiếu tài sản thế chấp. Ngoài ra, bản thân ngân hàng thắt chặt để kiểm soát lạm phát nhằm khống chế tiền tung ra nên khiến doanh nghiệp đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận vốn khó khăn.
Khi nguồn vốn được cấp sai quy trình cũng là lúc các ngân hàng phải đối mặt với những rủi ro như nợ xấu, doanh nghiệp phá sản mất khả năng chi trả… Ông Nguyễn Đình Tùng - Phó Tổng giám đốc Maritime Bank nhận định: “Để có thể phát triển mạnh mẽ nhưng bền vững, đột phá mà vẫn đảm bảo an toàn quả thực là một bài toán khó mà các ngân hàng phải tìm cách giải quyết”.
Đối mặt
Các chuyên gia cũng cho rằng, quản lý rủi ro tín dụng không có nghĩa là né tránh rủi ro, mà là xác định một mức rủi ro có thể chấp nhận được. Quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng phản ánh hiệu quả hoạt động, là thước đo chính xác nhất cho sự phát triển của mỗi ngân hàng trong tương lai. Một ngân hàng quản lý rủi ro tốt nghĩa là ngân hàng đó ít bị ảnh hưởng bởi những tác động không lường trước.
Ông Hoàng Đình Thắng - Phó Chánh thanh tra - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết: “Trong hoạt động ngân hàng, phần lớn các tổn thất xuất phát từ nguyên nhân thiếu mức độ đầy đủ của quản lý rủi ro. Có sự chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của bộ phận kinh doanh và bộ phận kiểm soát rủi ro. Thiếu hụt các phương pháp và cơ chế nhận dạng, đo lường, theo dõi và kiểm soát rủi ro cũng như cơ chế báo cáo thiếu hiệu quả”.
Với sự tư vấn của GIZ (đại diện Bộ Hợp tác và phát triển kinh tế của Chính phủ Đức), Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng thuộc NHNN dự kiến thời gian tới sẽ ban hành Thông tư quy định về yêu cầu đối với hệ thống Quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Thông tư nhằm nâng cao khả năng dự báo rủi ro, bắt kịp với chuẩn mực quốc tế.
Là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam sẵn sàng tuân thủ ngay khi Thông tư của NHNN về Quản lý rủi ro có hiệu lực, đại diện Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam - Maritime Bank (MSB) cho biết, xác định việc tuân thủ các yêu cầu tối thiểu về quản lý rủi ro là cột mốc quan trọng trong hành trình quản trị rủi ro, sau 6 tháng triển khai Maritime Bank đã thực hiện thành công Dự án yêu cầu tối thiểu về quản lý rủi ro nhằm đáp ứng dự thảo thông tư của NHNN cũng như những thông lệ quốc tế phổ biến về quản lý rủi ro.
Anh Tú
An ninh thủ đô
|