Thứ Sáu, 06/01/2012 09:51

TS Nguyễn Trí Hiếu: Năm 2012, ngân hàng Việt có thể chỉ còn 2/3

Hoạt động hợp nhất, mua bán và sáp nhập nhiều khả năng tiếp tục diễn ra và số lượng các NHTM nội địa có thể rút xuống khoảng 2/3 so với hiện nay.

Trước thềm năm mới, hầu như những người quan tâm đến kinh tế - tài chính cũng có cùng một câu hỏi: liệu sang năm 2012, ngành tài chính ngân hàng có khá hơn không? Câu hỏi này ẩn chứa nhận định về những khó khăn trong lĩnh vực kinh tế - tài chính trong năm qua và kỳ vọng vào viễn cảnh tốt hơn trong năm mới.

Năm 2012, Quốc hội và Chính phủ tiếp tục xem việc kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu ưu tiên, với lạm phát ở mức dưới 10% và tăng trưởng GDP khoảng 6%. Trong hai mục tiêu trên, việc tăng trưởng GDP ở mức 5 - 6% được nhiều người xem là khả thi.

Mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức một con số thì lại là một thử thách rất lớn đối với Chính phủ khi giảm xuống một nửa từ mức gần 19% của năm 2011, trong khi giữ mức tăng trưởng GDP bằng với năm 2011. Vậy cơ hội nào và thử thách nào đang chờ đợi trong năm mới trong việc theo đuổi những mục tiêu kinh tế này?

Những cơ hội

Năm 2011 đã tạo ra những tiền đề thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu kinh tế cho năm 2012. Chính sách tiền tệ thắt chặt của năm 2011 được kéo dài sang năm mới. Việc kiểm soát tăng trưởng tín dụng và phương tiện thanh toán tiếp tục được thực hiện, nhưng dưới mức độ khác và phương thức khác. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 15 - 17%, NHNN sẽ phân loại các NHTM theo bốn nhóm: (A) lành mạnh, (B) trung bình, (C) dưới trung bình, (D) các ngân hàng yếu kếm và sẽ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng tùy theo việc xếp loại các ngân hàng. Cùng với kế hoạch tăng trưởng tín dụng, NHNN tiếp tục chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn phục vụ lĩnh vực sản xuất.

Với những thành công trong việc kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ, NHNN vẫn sẽ kiểm soát lĩnh vực cho vay này để thực hiện chủ trương giảm tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế. Cùng với việc điều hành tỷ giá linh hoạt, NHNN cũng sẽ có nhiều cơ hội để kiểm soát thị trường vàng, với các biện pháp thị trường và những biện pháp xử lý hành chính các hành vi vi phạm.

Và những thách thức

Bên cạnh những cơ hội đang chờ đón, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đương đầu với những vấn đề khó khăn và phức tạp có thể xảy ra trong năm 2012. Trước hết, nền kinh tế Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính tại khối đồng tiền chung châu Âu.

Những biến động chính trị tại Trung Đông và châu Phi có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Hệ quả là làm giảm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Thị trường vàng trên thế giới cũng sẽ tác động mạnh vào thị trường vàng trong nước và tiếp tục gây ra những bất ổn trên thị trường vàng, ngoại tệ.

Với chỉ số lạm phát vẫn còn cao, ngay cả khi giảm xuống mức một con số và USD duy trì vai trò độc tôn trên thị trường tài chính thế giới, thì tỷ giá USD/VND vẫn có khả năng vượt mức 23.000 VND/USD.

Hệ thống các NHTM Việt Nam được dự báo có những thay đổi và biến động đáng kể. Tiến trình tái cấu trúc ngành ngân hàng sẽ được đẩy mạnh trong năm 2012. Việc hợp nhất hay sáp nhập của các ngân hàng được Chính phủ và NHNN khuyến khích, hỗ trợ để tiến đến một hệ thống ngân hàng lành mạnh, có khả năng phục vụ đại chúng và cạnh tranh với các ngân hàng trong khu vực.

Hiện tại, không ít ngân hàng bắt đầu tìm kiếm đối tác để hợp nhất hay sáp nhập. Ba ngân hàng vừa tiến hành hợp nhất là Ficombank, TinNghiaBankSCB. Hoạt động hợp nhất, mua bán và sáp nhập nhiều khả năng tiếp tục diễn ra và số lượng các NHTM nội địa có thể rút xuống khoảng 2/3 từ con số 37 NHTMCP đang hoạt động.

Tiến trình sáp nhập vừa là cơ hội, nhưng cũng là thử thách lớn với các ngân hàng, vì không phải sự hợp nhất nào cũng đưa đến một ngân hàng khỏe và bền vững hơn. Nếu sáp nhập đưa đến sự tổng hợp của những yếu kếm trước kia và chiến lược phát triển không thay đổi, thì việc sáp nhập theo nghĩa "rượu cũ bình mới" không giúp gì nhiều trong việc cải thiện hệ thống ngân hàng. Cũng thế, nếu việc sáp nhập chỉ bắt nguồn từ sự mất thanh khoản mà không phải vì mục tiêu chiến lược, thì việc sáp nhập cũng chỉ để phục vụ mục đích "sống còn".

Hiện tại, hệ thống ngân hàng Việt Nam đang đứng trước rủi ro nợ xấu. Ngoài những món nợ xấu của cá nhân và các doanh nghiệp, tình trạng nợ xấu đang lan tỏa sang khu vực thị trường liên ngân hàng. Gần đây, nhiều ngân hàng phá thông lệ cho nhau vay tín chấp và chuyển sang cho vay với tài sản thế chấp.

Một số ngân hàng đang chây ỳ trả nợ cho các ngân hàng bạn. Đồng thời, lãi suất liên ngân hàng bị đẩy lên mức cao 30%, thậm chí cao hơn (bao gồm lãi suất phạt quá hạn, thường là 150% trên lãi suất cho vay theo hợp đồng). Lãi suất cao như thế là một biểu hiện của sự mất thanh khoản của một số ngân hàng.

Trong khi đó, những món nợ quá hạn hay nợ xấu trên thị trường liên ngân hàng đang là một ẩn số và khó ai biết chính xác quy mô những loại nợ này trên hệ thống ngân hàng Việt Nam. Không như những loại nợ cho những thành phần kinh tế khác, nợ giữa các ngân hàng được xem là tiền gửi giữa các ngân hàng với nhau và vì thế không phải trích lập dự phòng rủi ro. Hơn thế nữa, các món nợ giữa các ngân hàng không được xếp loại (Nhóm 1-5) như những món nợ khác, có nghĩa là không có nợ xấu trên sổ sách.

Khi ngân hàng bạn không trả được nợ theo hạn, thì ngân hàng cho vay có thể gia hạn nhiều lần. Như vậy, nợ xấu biến thành nợ tốt. Không những sổ sách của các ngân hàng cho vay kiểu này được làm "đẹp" hơn so với thực tế, mà lợi nhuận cũng "đẹp" hơn, vì không phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Cho vay trên thị trường liên ngân hàng từ trước đến giờ vẫn được xem là hoạt động tín dụng rất ít rủi ro và hợp đồng cho vay (nếu có) không có những ràng buộc, cam kết chặt chẽ như những loại tín dụng khác, nên không chịu sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ thông thường của Ngân hàng Trung ương. Trong tình trạng hiện nay, khi một vài ngân hàng mất tính thanh khoản, thì hoạt động cho vay trên thị trường liên ngân hàng là những hoạt động tín dụng nhiều rủi ro.

Kết luận

Năm 2012 là năm đem đến nhiều cơ hội cho ngành tài chính - ngân hàng, cho toàn bộ hệ thống nói chung và cho từng ngân hàng nói riêng. Các ngân hàng sẽ được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và NHNN trong việc tái cấu trúc, giảm lãi suất, giảm thiểu chi phí vốn và có cơ hội hỗ trợ khách hàng của mình phát triển một cách hiệu quả hơn.

Nhưng năm 2012 cũng chính là năm hệ thống ngân hàng sẽ bộc lộ nhiều yếu kém và rủi ro có tính hệ thống, đặc biệt là nợ xấu, tính thanh khoản và sự lỏng lẻo trong việc cho vay trên thị trường liên ngân hàng.

Kỳ vọng 2012 sẽ khá hơn 2011 tùy thuộc vào việc các cơ quan quản lý và các thành phần kinh tế nhận thức như thế nào về những vấn đề tồn đọng của năm 2011 và cách giải quyết những vấn đề đó, cùng những sáng kiến để đưa hệ thống tài chính ngân hàng của Việt Nam vào một quỹ đạo mới và một tầm cao mới.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia ngân hàng, viết từ Los Angeles

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Tiền vẫn chưa vào ngân hàng (06/01/2012)

>   Ít tiền mới để đổi tiền lì xì tết (06/01/2012)

>   Không để người thân giữ vị trí chủ chốt ngân hàng (06/01/2012)

>   Vốn vay vẫn vất vả (05/01/2012)

>   Đẩy nhanh việc kéo giảm lãi suất (05/01/2012)

>   NHNN quy định về điều kiện cho vay ra nước ngoài của TCTD (05/01/2012)

>   Cần yêu cầu các NHTM đưa dần lãi suất huy động vàng về 0%/năm (05/01/2012)

>   Thống đốc NHNN: Kiên quyết xử lý TCTD rủi ro, mất an toàn (05/01/2012)

>   Bao giờ lãi suất giảm? (05/01/2012)

>   Tăng trưởng tín dụng ngân hàng 2012: Ai ở nhóm nào? (05/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật