Thứ Năm, 05/01/2012 22:52

Vốn vay vẫn vất vả

Theo lãnh đạo của một ngân hàng (NH), sau nhiều biến cố xảy ra trong năm 2011, tâm lý gửi tiền của khách hàng đã phần nào thay đổi. Người dân sẽ không quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ NH tốt hay không, lãi suất cao hay thấp, mà chỉ quan tâm đến NH nào an toàn hơn. Với tiêu chí này, lợi thế thuộc về NH quốc doanh, NH thương mại cổ phần (TMCP) có vốn lớn và NH nước ngoài.

Tiền chảy chỗ trũng

Dù áp lực lãi suất đang có xu hướng giảm dần vào năm 2012, nhưng một số NH vẫn cho biết không gặp khó khăn nhiều trong việc tăng trưởng lợi nhuận năm nay.

Điều này đã được thể hiện khi cuối năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất huy động thực tế từ 19%/năm xuống 14%/năm trong thời gian khá dài, nhưng đến nay, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) vẫn còn khá cao.

Hơn nữa, theo giải thích của một số người, NH là trung gian tài chính nên lãi suất xuống hay lên không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kiếm lợi nhuận của NH.

Bởi với cơ chế lãi suất cho vay thỏa thuận, các NHTM đều giữ biên lợi nhuận đủ bù đắp chi phí huy động vốn và có lời. Đó là lý do vì sao năm 2011 nhiều NHTM tăng trưởng tín dụng thấp nhưng lợi nhuận vẫn rất cao.

Dẫu vậy vẫn phải thừa nhận không ít NHTM nhỏ sẽ không còn cửa kiếm lợi nhuận dễ dàng như trước đây, nhất là đối với những NHTM nhỏ gặp khó khăn về thanh khoản và đổ vốn quá nhiều vào các lĩnh vực phi sản xuất.

Vì thực tế, giữa năm 2011, NHNN đã có một đợt thanh tra, kiểm tra và giám sát rất chặt các hoạt động ủy thác đầu tư của các NH, đồng thời tiến hành thanh tra các công ty con của các NHTM. Dù rằng đến cuối năm 2011, NHNN vẫn chưa có một hành lang pháp lý để chặn các cửa “lách” tín dụng này, nhưng đây vẫn là rào cản lớn khiến NHTM nhỏ khó có thể “lách luật” như trước đây.

Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, cho rằng, năm 2012 vẫn còn khó khăn nhưng không có nghĩa NHTM nhỏ không có cơ hội kiếm lợi nhuận.

Cụ thể, nếu chênh lệch lãi suất giữa tiền gửi và cho vay không thay đổi thì tăng trưởng tín dụng cũng đã “đẻ” ra lời cho các NHTM. Còn những NH khôn ngoan hơn có thể kiếm thêm lợi nhuận bằng cho vay ngắn hạn trên thị trường liên NH và các dịch vụ kinh doanh ngoại hối.

Theo ông Nghĩa, thực tế năm qua có một chi nhánh NHTM quốc doanh ở Hà Nội có số lượng nhân viên chỉ 6-7 người, vốn chưa đến 100 tỷ đồng nhưng lợi nhuận năm 2011 tính đến tháng 11/2011 đã đạt 130 tỷ đồng, trong khi khách hàng lớn nhất của NH này vốn tự có 500 tỷ đồng nhưng năm 2011 chỉ lãi 1,3 tỷ đồng.

Nhưng để làm được như giả định nêu trên, theo TS. Nghĩa, trước tiên các NH buộc phải làm một lộ trình chung không thể tránh khỏi trong năm 2012 là tái cấu trúc.

Từng bước cơ cấu lại doanh nghiệp

Thừa nhận điều này, ông Nguyễn Đình Tùng, Phó tổng giám đốc Maritime Bank, cho biết, năm 2011, ngành NH gặp nhiều khó khăn. Đây không chỉ là thách thức mà còn giúp ngành NH rút ra nhiều bài học quý giá mà những người làm NH cần phải khắc phục để có những chiến lược kinh doanh phù hợp trong những năm sau.

Nếu tính đến cuối năm 2011, có không ít doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động do những khó khăn từ thanh khoản hoặc chi phí tài chính cao. Trong số các doanh nghiệp “khỏe” có nhiều doanh nghiệp đã chủ động cấu trúc lại nguồn vốn kinh doanh theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay NH giảm hoặc thu hẹp quy mô đầu tư.

Theo ông Tùng, điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tổng nhu cầu về tín dụng trong nền kinh tế. Hơn nữa, năm vừa qua, tình hình nợ xấu của hệ thống NHTM có xu hướng tăng so với những năm trước, nên các NHTM cũng sẽ xác lập các mục tiêu tăng trưởng dư nợ thận trọng.

Do vậy, nhiều NHTM trong năm 2012 sẽ rà soát, đánh giá và cơ cấu lại danh mục cho vay chọn lọc và an toàn hơn. Đặc biệt, tín dụng sẽ vẫn là lĩnh vực kiếm lợi nhuận chính của các NHTM trong thời gian tới. Hơn nữa, theo định hướng của NHNN, lãi suất cho vay giảm xuống sẽ là một yếu tố hỗ trợ cho việc tăng trưởng tín dụng an toàn.

Đồng quan điểm, ông Phạm Linh, Phó tổng giám đốc NH OCB, cũng chia sẻ, do tỷ lệ nợ xấu gia tăng nên nhiều NH đã bước đầu hạn chế cho vay, tái cơ cấu hoạt động tín dụng.

“Nếu muốn cho vay thì doanh nghiệp vay ít nhất cũng phải là kỳ hạn 3-6 tháng, nhưng với tình hình như hiện nay, người dân vẫn chuộng gửi kỳ hạn 1 tháng bởi chẳng có lý do gì để gửi kỳ hạn 2 tháng trở lên khi lãi suất 1 năm và 1 tháng đều bằng nhau”, ông Linh nói.

Thực ra, các NHTM cũng không mặn huy động vốn kỳ hạn dài vì sợ rủi ro lãi suất khi NHNN hạ trần lãi suất huy động trong năm 2012 xuống như đã đưa ra tín hiệu trước đó.

Tất cả những điều này cho thấy cơ cấu huy động của NH sẽ vẫn là ngắn hạn, chủ yếu 1-3 tháng, nên để hạn chế rủi ro về thanh khoản như năm 2011, các NHTM sẽ phải cẩn trọng hơn khi cho vay, thu hẹp ngay cả vốn lưu động (3-6 tháng), chứ chưa nói gì đến vốn tín dụng trung, dài hạn.

Chưa kể, trước thông tin lãi suất sẽ giảm trong năm 2012, người dân có tiền gửi tiết kiệm cũng đã chuyển qua mua vàng không ít. Nói như ông Phạm Ngọc Đệ, Phó tổng giám đốc VietABank, chương trình khuyến mãi mới đây của VietABank tổ chức cuối năm 2011 dù đã huy động được một lượng vốn đáng kể trong dân, nhưng trong đó chiếm 45% là khách hàng gửi tiết kiệm vàng.

Quỳnh Vũ

DOANH NHÂN SÀI GÒN

Các tin tức khác

>   Đẩy nhanh việc kéo giảm lãi suất (05/01/2012)

>   NHNN quy định về điều kiện cho vay ra nước ngoài của TCTD (05/01/2012)

>   Cần yêu cầu các NHTM đưa dần lãi suất huy động vàng về 0%/năm (05/01/2012)

>   Thống đốc NHNN: Kiên quyết xử lý TCTD rủi ro, mất an toàn (05/01/2012)

>   Bao giờ lãi suất giảm? (05/01/2012)

>   Tăng trưởng tín dụng ngân hàng 2012: Ai ở nhóm nào? (05/01/2012)

>   Chưa trị được bệnh tắc, nghẽn ATM (05/01/2012)

>   Các công ty cho thuê tài chính gặp khó (04/01/2012)

>   Tội vạ ngân hàng đầu tư (04/01/2012)

>   Tuần 14-21/12: Lãi suất liên ngân hàng hầu hết đều tăng (04/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật