Thống đốc NHNN: Kiên quyết xử lý TCTD rủi ro, mất an toàn
Sau khi được Thường trực Chính phủ cho ý kiến, đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015 đã trình Bộ Chính trị xem xét. Hôm qua, 4-1-2012, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã có bài viết khẳng định quan điểm sẽ tái cấu trúc hệ thống NH bằng các hình thức, biện pháp và lộ trình thích hợp.
Cơ cấu toàn diện tài chính các TCTD
Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, mục tiêu tái cơ cấu hệ thống các TCTD lần này nhằm hướng đến năm 2020 phát triển được hệ thống các TCTD đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình, có khả năng cạnh tranh lớn hơn dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị NH tiên tiến phù hợp thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
|
Trong quá trình tái cấu trúc hệ thống NH, quyền lợi người gửi tiền được bảo đảm. |
Trong giai đoạn 2011-2015, sẽ tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động NH.
Phấn đấu đến cuối năm 2015 hình thành được ít nhất 1-2 NHTM có quy mô và trình độ tương đương các NH trong khu vực. Theo đó, các TCTD Việt Nam sẽ được cơ cấu lại toàn diện về tài chính, hoạt động, quản trị và sở hữu bằng các hình thức, biện pháp, lộ trình thích hợp.
Chính phủ kiên quyết không để xảy ra đổ vỡ và mất an toàn hoạt động NH ngoài tầm kiểm soát trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: “Trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam, yếu tố then chốt quyết định thành công của kế hoạch cơ cấu lại hệ thống các TCTD là sự lựa chọn khôn ngoan các giải pháp triển khai, huy động được sự tham gia của khu vực tư nhân, duy trì được lòng tin của nhân dân, tất nhiên phải bảo đảm vai trò chủ đạo, kiểm soát của Chính phủ trong toàn bộ tiến trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD”.
Để thực hiện được các mục tiêu, định hướng này, NHNN đã nghiên cứu và đề xuất gói giải pháp đồng bộ cơ cấu lại các TCTD. Cụ thể là khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại NH theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.
Để bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, “một số TCTD có mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn cao sẽ được áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt theo quy định của pháp luật”.
Luật NHNN và Luật Các TCTD đã có những quy định cụ thể hơn về các biện pháp, quyền lực của NHNN, nghĩa vụ của TCTD trong cơ cấu lại, xử lý TCTD yếu kém. Cơ cấu lại TCTD cũng là cơ hội thuận lợi để các TCTD tăng nhanh hơn về quy mô và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Phân loại TCTD để tạo điều kiện hoặc hỗ trợ
Bên cạnh đó, các TCTD sẽ được đánh giá, phân loại 3 nhóm: lành mạnh, thiếu thanh khoản tạm thời và yếu kém. Các TCTD lành mạnh được tạo điều kiện phát triển về quy mô và năng lực cạnh tranh trong nước, quốc tế. Các TCTD yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hệ thống cần được ưu tiên tái cơ cấu để hoạt động theo đúng các chuẩn mực, quy định của pháp luật.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, TCTD yếu kém không thể phục hồi phải được “kiên quyết đưa ra khỏi thị trường một cách có trật tự” để bảo đảm kỷ luật thị trường và sự lành mạnh, an toàn của hệ thống các TCTD. TCTD tạm thời thiếu thanh khoản sẽ được NHNN hỗ trợ để phục hồi, đồng thời chấn chỉnh, củng cố để hoạt động lành mạnh, an toàn hơn.
Trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đặc biệt là xử lý những TCTD yếu kém, các NHTM nhà nước và NHTM cổ phần lành mạnh sẽ là lực lượng chủ lực tham gia tích cực với sự hỗ trợ thích hợp của Chính phủ và NHNN về cơ chế, chính sách, nguồn lực để thực hiện.
Một giải pháp khác được đặt ra là thực hiện lành mạnh hóa tài chính với trọng tâm xử lý nợ xấu, bảo đảm mức độ đủ vốn theo quy định của pháp luật và thay đổi cấu trúc của bảng cân đối kế toán theo hướng lành mạnh, bền vững hơn.
Đồng thời, củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính và giảm các lĩnh vực kinh doanh nhiều rủi ro, kém hiệu quả của TCTD. Tập trung tín dụng NH vào các ngành, lĩnh vực thuộc 3 khâu đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2020 và phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, sản xuất - chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Hàm Yên
SÀI GÒN ĐẦU TƯ TÀI CHÍNH
|