Khóa tín dụng phải đúng lúc
Để ngăn chặn lạm phát, trong 2 năm qua, Ngân hàng (NH) Nhà nước đã từng bước có nhiều biện pháp hạn chế tín dụng. Những tháng gần đây, nhiều NH thương mại đã hạn chế cho vay với khách hàng mới, không cho vay thêm đối với khách hàng cũ, chỉ giải ngân cho vay trong hạn mức đối với các khách hàng quen thuộc...
Thông thường, mọi năm, trong những ngày gần Tết, các doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh thường phải cầu viện đến NH để giải quyết các vấn đề của dịp Tết.
Ngày Tết, theo phong tục của Việt Nam và đã trở thành ý thức của xã hội, mọi người và mọi hoạt động đều phải được “tất toán sòng phẳng”. Các DN sản xuất kinh doanh phải lo trang trải biết bao nhiêu việc như lương cho người lao động, tiền thưởng Tết, tiền thanh toán các khoản nợ nần.
Trong khi đó, những ngày này cũng là thời điểm khởi đầu của năm dương lịch, các DN phải tung tiền vốn để thực thi các hợp đồng kinh tế. Nguồn tài chính của các DN phải nằm rải ra trên nguyên liệu, sản phẩm dở dang, hàng hóa…, nhất là các đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu vì đây là thời điểm đầu mùa của các ngành hàng xuất khẩu...
Thế mà tín dụng lại khóa chặt. Các DN phải chạy vạy vào đâu để có tiền trang trải, nhất là phải lo trả lương, thưởng cho công nhân? Đa số DN vừa và nhỏ trong năm qua vốn đã rất khó khăn, trong hoàn cảnh này càng khốn khó hơn.
Chủ trương khóa tín dụng cần phải được áp dụng linh hoạt theo từng thời điểm và linh hoạt cho từng đối tượng. Trong những ngày này, các NH cần xem xét lại các khách hàng của mình, DN nào đang hoạt động sản xuất kinh doanh khả thi, có nhu cầu thì có thể cho vay bổ sung với thời hạn ngắn hạn 3 tháng hoặc 6 tháng. Mức độ giải ngân tùy theo nhu cầu thực tế của mỗi DN như cho vay trả lương, thưởng Tết. NH Nhà nước cần phải bơm thêm vốn cho các NH thương mại để thực hiện việc này. Có như thế, các DN mới bớt khốn khó khi năm hết, Tết đến; đời sống người lao động được bảo đảm và mối quan hệ giữa NH với DN cũng sẽ tốt hơn…
Đường Nghiêu
Người lao động
|