Tái diễn nạn vượt trần lãi suất
“Ngân hàng (NH) bạn cho xe đón lõng khách hàng rút cả bao tiền từ NH tôi rồi chở đi, chỉ vì lãi suất huy động vốn của NH bạn trên 14%/năm”. Giám đốc một chi nhánh NH quốc doanh than phiền như thế với báo giới bên lề hội nghị triển khai nhiệm vụ NH năm 2012 tại TPHCM, diễn ra vào sáng 10-1.
Chi trả chênh lệch tận nhà
Bà Trương Thị Thúy Nga, Giám đốc NH Ngoại Thương Chi nhánh TPHCM (VCB HCM), cho biết vốn của VCB HCM cũng có dấu hiệu ra đi bởi lãi suất huy động vốn thực tế của nhiều NH khác lên tới 15,5% - 17%/năm. “Chúng tôi không lôi kéo khách hàng nhưng nếu vốn tiếp tục chuyển dịch đến NH khác, VCB HCM buộc phải có giải pháp giữ chân khách hàng và báo cáo với NH Nhà nước”- bà Nga nói.
Ông Đào Hồng Châu, Phó Tổng Giám đốc NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), cũng cho biết nạn lãi suất huy động vượt trần 14%/năm đang tái diễn tại nhiều NH. Trong khi đó, phó tổng giám đốc của một NH lớn ở TPHCM cũng cho biết người nhà của mình đã gửi tiền tại hai NH nhỏ với lãi suất 18%/năm.
Còn các NH quốc doanh thì đang giữ vốn bằng cách tặng quà có giá trị lớn cho người gửi. Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ NH trên địa bàn TP Hà Nội, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT NH Đông Nam Á, cũng bức xúc trước việc lãi suất huy động lên tới 17%- 20%/năm. Thậm chí, nhân viên của nhiều NH đến tận nhà khách hàng để trả phần lãi suất chênh lệch nhằm né cơ quan chức năng.
Theo đại diện Sở Công Thương TPHCM, không có quốc gia nào có mức lãi cao và kéo dài như Việt Nam. Lãi suất đầu vào lên tới 17% - 18%/năm, dẫn đến lãi suất cho vay lên trên 20%/năm khiến doanh nghiệp không dám vay, NH sẽ không có đầu ra. Do đó, NH Nhà nước cần kiên quyết kỷ luật NH vi phạm trần lãi suất.
Vốn chỗ thừa, chỗ thiếu
Theo NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM, do nợ xấu gia tăng, khách hàng không trả được nợ, dư nợ cho vay phi sản xuất ở mức cao, huy động vốn có xu hướng giảm nên một số NH thương mại rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản (mất cân đối nguồn vốn ra vào). Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều NH cho biết thời điểm giáp Tết, doanh nghiệp thường rút tiền để chi lương, thưởng cho người lao động, khách cá nhân cũng rút tiền để chi tiêu.
Trong khi đó, không ít NH lại không huy động được vốn từ dân cư, đồng thời không vay được tiền từ NH bạn nên buộc phải phá rào trần lãi suất 14%/năm để bù đắp thanh khoản, từ đó có hiện tượng chuyển dịch tiền từ NH này đến NH khác.
Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề cốt lõi của lãi suất xuất phát từ những bất ổn trên thị trường liên NH. Thực tế cho thấy thời gian gần đây một số NH vay tiền NH bạn rồi cho cá nhân, doanh nghiệp vay lại nhưng không thu hồi được vốn dẫn đến không trả được nợ cho NH bạn. Trong khi đó, các NH nhỏ tập trung vốn để chi trả cho khách hàng vào thời điểm cuối năm nên xin khất thời gian trả nợ NH lớn. Vì thế, các NH lớn không cho NH nhỏ vay vốn khiến tiền chỗ thừa, chỗ thiếu.
Giám sát chặt thanh khoản
Tại hội nghị, Phó Thống đốc NH Nhà nước Trần Minh Tuấn thừa nhận hiện tượng NH tái diễn vượt rào lãi suất, đồng thời yêu cầu các NH thực hiện đúng quy định trần lãi suất huy động vốn, cung cấp chứng cứ để NH Nhà nước có cơ sở xử lý NH xé rào lãi suất. Từ nay đến Tết Nguyên đán, Thanh tra NH Nhà nước Chi nhánh TPHCM cần giám sát chặt chẽ các NH đang khó khăn về thanh khoản để có biện pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm đủ tiền chi trả cho khách hàng. |
Thy Thơ
người lao động
|