Thứ Ba, 10/01/2012 21:45

Rủi ro hệ thống ngân hàng tăng nhanh

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Võ Trí Thành khẳng định điều này tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam.

Chiều 10/1, tại Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Dự báo kinh tế 2012 – 2015, nhằm tạo diễn đàn trao đổi đa chiều về tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam, dự báo tình hình kinh tế năm 2012 và những năm tiếp theo.

Theo các chuyên gia, năm 2012, kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức do chịu tác động từ biến động kinh tế thế giới; lạm phát mặc dù đã giảm từ quý IV của năm 2011, nhưng vẫn ở mức cao; xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng; thâm hụt thương mại và ngân sách nặng nề; hệ thống ngân hàng đối mặt với tình trạng khó thanh khoản.

Tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát trong năm 2012 phụ thuộc lớn vào công tác điều hành chính sách kinh tế vĩ mô. Các chuyên gia đưa ra 2 kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012. Ở kịch bản tốt, tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng từ 6-6,3%/năm; Kịch bản trung bình, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 5,6-5,9%/năm. Lạm phát trong năm 2012 có thể giảm xuống thấp từ 8-10%. Trong năm 2013, có thể lạm phát sẽ đưa xuống còn 6-7%.

Tuy nhiên, việc giảm lãi suất vẫn đứng trước nhiều thách thức vì hiện nay, các ngân hàng thiếu thanh khoản nên không có tiền cho vay; nợ xấu còn rất lớn và không thể giải quyết trong một vài tháng, theo đó nguồn vốn quay trở lại ngân hàng rất ít, chi phí cho vay tăng lên. Điều này cũng có nghĩa là doanh nghiệp trong năm 2012 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi lãi suất chưa thể giảm xuống mức thấp như kỳ vọng.

Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: “Hạ lạm phát đến mức nào là đủ để cho nền kinh tế ổn định và phục hồi. Hiện nay tình trạng doanh nghiệp rất yếu, nếu không có khả năng tiếp cận vốn sớm thì sự sụp đổ của nhiều doanh nghiệp diễn ra. Nếu hạ lạm phát xuống 9% như mục tiêu của Quốc hội, lãi suất có thể vẫn còn đến 14-15% thì liệu bao nhiêu doanh nghiệp cầm cự được? Đây là vấn đề then chốt vì gắn với câu chuyện thanh khoản, thanh khoản yếu thì lãi suất rất khó hạ”.

Theo một số chuyên gia kinh tế, nhiệm vụ trọng tâm nhất và cần thực hiện ngay trong quý I/2012 là ổn định thanh khoản của hệ thống ngân hàng thông qua các công cụ như: tái cấp vốn trực tiếp từ ngân hàng, điều hoà vốn từ ngân hàng thừa sang ngân hàng thiếu vốn, khi có điều kiện thích hợp (lạm phát giảm mạnh và được kiểm soát tốt) thì có thể bỏ trần lãi suất huy động và giảm lãi suất tín dụng (biện pháp này có thể thực hiện từ đầu quý II/2012). Chính sách tiền tệ cần được thực hiện chặt chẽ, thận trọng, linh hoạt, có định hướng tập trung vào những ngành ưu tiên.

Ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Kinh tế Việt Nam vẫn còn thách thức, rủi ro hệ thống ngân hàng tăng lên nhanh chóng. Trong bối cảnh lạm phát cao, tăng trưởng trì trệ, sản xuất đình đốn, đây là thời điểm khó khăn để lựa chọn chính sách. Ổn định vĩ mô đòi hỏi sự uyển chuyển linh hoạt trong điều hành để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Bên chính sách tiền tệ thì uyển chuyển về đối tượng, cung ứng tín dụng. Bên ngân sách cần uyển chuyển về thuế, phân bổ nguồn lực. Bên cạnh đó, điều hành lãi suất cần xử lý về thanh khoản”.

Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, giai đoạn 2012 – 2015, mục tiêu cơ bản đặt ra là ổn định kinh tế vĩ mô, cùng với đó là đổi mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn này ước đạt từ 6,5- 7%/năm; lạm phát có thể dưới 10% trong năm 2012 và tiến tới giảm xuống còn khoảng 7% trong năm 2015./.

Minh Hà

vov

Các tin tức khác

>   Căng thẳng thanh khoản: Lãi suất huy động có thể bị đẩy lên cao (10/01/2012)

>   Tuần cuối 2011: Lãi suất liên ngân hàng giảm đến 7.5% (10/01/2012)

>   Chủ tịch Agribank: “Chúng tôi không che giấu nợ xấu” (10/01/2012)

>   Thị trường ngoại hối của TPHCM ổn định (10/01/2012)

>   Ngân hàng Nhà nước đang làm gì? (10/01/2012)

>   Lãi suất “đi mắc núi, ở lại mắc sông” (10/01/2012)

>   Sẽ có quy định đối với dịch vụ trung gian thanh toán (09/01/2012)

>   Vietinbank trả lương cao nhất ngành ngân hàng (09/01/2012)

>   Sở hữu chéo đang làm khổ tái cơ cấu ngân hàng (09/01/2012)

>   Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa: 'Có ngân hàng huy động lãi suất 21%' (09/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật