Thứ Tư, 11/01/2012 14:23

Ngân hàng bảo vệ tiền như thế nào?

Số lượng bảo vệ tùy thuộc quy mô điểm giao dịch, tất cả các chi nhánh sau giờ giao dịch đều không giữ bất cứ tài sản quý nào.

* Hà Nội: Cầm dao và mìn giả xông vào Maritime Bank

Ngày 10/1/2011, tại một phòng giao dịch của Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank) đã xảy ra vụ cướp có vũ khí. Sau vụ việc này, vấn đề an ninh ngân hàng lại trở thành chủ đề nóng bỏng. Ông Trần Thanh Nam (ảnh), Phó tổng giám đốc Maritime Bank (MSB) trao đổi với báo chí.

Ông nghĩ sao khi có những ý kiến cho rằng Maritime Bank quá may mắn khi gặp phải một tên cướp “thiếu chuyên nghiệp”?

Trên thực tế, đây là một vụ cướp có vũ khí. Trong hoàn cảnh một đối tượng dùng dao và một hộp điều khiển có nút bấm uy hiếp, với một người bình thường, không phải là một người có nghiệp vụ hay làm trong lĩnh vực an ninh thì rất khó để đánh giá tên cướp có chuyên nghiệp hay không, cũng có nghĩa là khó mà lường trước hậu quả sự việc nếu manh động.

Tôi cho rằng, CBNV đã thực hiện đúng các kỹ năng đã được rèn luyện. Cụ thể, khi chưa thể khẳng định hộp điều khiển kíp nổ mìn là thật hay giả thì nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất đặt ra cho các CBNV Maritime Bank lúc đó không phải là chống chọi lại tên cướp mà là tìm cách đảm bảo an toàn: an toàn tính mạng mình, cho đồng nghiệp, cho khách hàng và an toàn cho tài sản của Ngân hàng.

Vì thế, một trong hai CB đã kéo dài thời gian và thu hút sự chú ý của tên cướp bằng hành động lấy tiền trong lúc đó nhân viên còn lại cố gắng tiến gần tới nút báo động đồng thời đánh động lực lượng bảo vệ ở tầng dưới.

Thời điểm vụ cướp xảy ra, nhân viên bảo vệ được trang bị như thế nào?

Bảo vệ không phải lực lượng vũ trang của Nhà nước nên không được trang bị vũ khí nóng nhưng họ có những công cụ mà nghiệp vụ cho phép ví dụ bộ đàm hay dùi cui và quan trọng nhất là họ có những kỹ năng nghiệp vụ được đào tạo.

Vậy thông thường ở một điểm giao dịch thường có mấy bảo vệ như vậy?

Số lượng bảo vệ tùy thuộc quy mô điểm giao dịch và phụ thuộc cả vào thời điểm giao dịch. Ví dụ những thời điểm có xe tiền đến thì không chỉ lực lượng bảo vệ được bổ sung mà Maritime Bank còn ký kết hợp tác với Cục Cảnh sát bảo vệ để bảo vệ tất cả các xe tiền và kho tiền của Ngân hàng.

Thời điểm mà bọn cướp thường lợi dụng là những khoảng thời gian vắng người. Vậy, buổi trưa, khi hầu hết các ngân hàng đều ngừng giao dịch có phải là một kẽ hở an ninh?

Bất cứ lĩnh vực hoạt động nào cũng có rủi ro vấn đề là quản lý rủi ro như thế nào? Trên thực tế, Maritime Bank giao dịch thông trưa nhằm tạo sự thuận tiện tối đa cho khách hàng. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận định rằng lực lượng bảo vệ an ninh cho ngân hàng không phải là khách hàng hay sự có mặt của khách hàng mà là do bảo vệ của ngân hàng, do nhân viên có được đào tạo bài bản và phản ứng hợp lý trong các tình huống hay không, do hệ thống công cụ, máy móc hỗ trợ bảo đảm an ninh…

Ví dụ trong trường hợp vừa rồi, mặc dù đúng vào thời điểm vắng khách nhưng với cách xử lý của các CBNV và hệ thống báo động cũng đã hoạt động đúng chức năng của nó thì vấn đề an ninh vẫn được đảm bảo.

Vậy thời điểm buổi đêm, thời điểm đặc biệt nhạy cảm và yêu cầu an ninh cao thì ngân hàng có sự chuẩn bị như thế nào?

Về hệ thống an ninh, Maritime Bank đã trang bị các biện pháp an toàn và gần đây liên tục được tăng cường như hệ thống cảm biến nhiệt, cảm biến hồng ngoại, hệ thống camera, hệ thống báo động… hoạt động 24/24h.

Đặc biệt, Maritime Bank là ngân hàng đầu tiên ở Việt Nam thực hiện chế độ kho quỹ tập trung, tập trung hóa triệt để tiền mặt sau giờ giao dịch. Tất cả các chi nhánh sau giờ giao dịch đều không giữ bất cứ tài sản quý nào.

Chúng tôi tập trung các tài sản đó về một nơi an toàn hơn rất nhiều lần và đầu tư nguồn lực, công nghệ, con người đồng thời phối hợp với các cơ quan hữu quan để bảo đảm an ninh tuyệt đối cho điểm tập trung đó. Vì thế, tất cả các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng sẽ không còn rủi ro mất mát về tiền bạc, tài sản ngay cả vào thời điểm ban đêm.

Khó khăn về mặt bảo đảm an ninh của các ngân hàng, theo ông là gì?

Do đặc thù của ngành nghề là liên quan đến tiền nên vấn đề an ninh đóng vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, gần đây chúng ta cũng chứng kiến, các đối tượng xấu ngày càng manh động hơn, liều lĩnh hơn. Đó là những khó khăn khách quan.

Tất nhiên trước những khó khăn đó thì tôi tin rằng mỗi ngân hàng, mỗi đơn vị kinh doanh đều tự trang bị cho mình những phương tiện cần thiết để đảm bảo an toàn cho các hoạt động của mình. Bên cạnh đó, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan cũng sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn đó.

Sự phối hợp của ngân hàng đối với các cơ quan hữu quan trong vấn đề bảo đảm an ninh như thế nào?

Về ngành dọc thì Ngân hàng Nhà nước đã có những quy định rất rõ ràng về việc đảm bảo an toàn và chúng tôi luôn tuân thủ nghiêm ngặt, thậm chí còn đi xa hơn những quy định đó.

Về phía các cơ quan công an thì Maritime Bank đã có sự phối hợp rất chặt chẽ, hiệu quả. Ví dụ gần đây nhất là chúng tôi đã hợp tác rất tốt với cơ quan công an, cụ thể là Cục Cảnh sát bảo vệ để thực hiện chương trình kho quỹ tập trung trong công tác bảo vệ các xe tiền và kho tiền của Ngân hàng.

Trong tương lai gần, tôi mong rằng hệ thống ngân hàng và các đơn vị kinh doanh đặc thù sẽ có sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan công an ví dụ có thể kết nối hệ thống báo động tới cơ quan công an gần nhất để có thể phản ứng nhanh nhất có thể.

Ông đánh giá như thế nào về các biện pháp an ninh của hệ thống ngân hàng trong tình trạng xảy ra nhiều vụ việc đáng lo ngại thời gian gần đây?

Tôi cho rằng, hiện nay, việc trang bị biện pháp an ninh của các ngân hàng đều tương đối tốt. Riêng về Maritime Bank, tôi cũng nhấn mạnh thêm là chúng tôi đã đầu tư rất lớn cho công tác này, có thể nói là ở mức độ tối đa cho phép vào các biện pháp quản trị rủi ro nói chung.  Bên cạnh đó, chúng tôi cũng rất chú trọng tới vấn đề đào tạo nghiệp vụ và các kỹ năng mềm cho CBNV.

Theo chương trình đào tạo của Ngân hàng, trong trường hợp không may xảy ra thì chỉ thị của Ngân hàng là đảm bảo về tính mạng của con người hay về tài sản ngân hàng?

Tôi cho rằng, trong tuyệt đối mọi trường hợp, chúng ta đều ưu tiên tính mạng con người. Tất nhiên, chúng tôi cũng đặt mức độ quan trọng của sự an toàn tài sản rất cao bởi tài sản của chúng tôi cũng chính là tài sản của cổ đông, của khách hàng.

Anh Việt

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   "Ngành ngân hàng đang có những chuyển biến mạnh mẽ" (11/01/2012)

>   NHNN chấn chỉnh “lách” trần lãi suất huy động (11/01/2012)

>   Năm 2011, TPHCM chỉ tăng trưởng tín dụng 6,3% (11/01/2012)

>   Ngân hàng Nhà nước cũng phải được tái cấu trúc? (11/01/2012)

>   Hoạt động ngân hàng tại TPHCM: Mạnh ai nấy làm! (11/01/2012)

>   Tái diễn nạn vượt trần lãi suất (10/01/2012)

>   Rủi ro hệ thống ngân hàng tăng nhanh (10/01/2012)

>   Căng thẳng thanh khoản: Lãi suất huy động có thể bị đẩy lên cao (10/01/2012)

>   Tuần cuối 2011: Lãi suất liên ngân hàng giảm đến 7.5% (10/01/2012)

>   Chủ tịch Agribank: “Chúng tôi không che giấu nợ xấu” (10/01/2012)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật