Hành tinh Ponzi- Phần 1: Hiểm họa nợ đè nặng thế giới phương Tây
Mánh lới Ponzi là gì, cá nhân sập bẫy và cả một quốc gia sập bẫy do tham vọng tiêu xài vượt quá khả năng chi trả ra sao? Thế giới thể kỷ 21 vẫn chưa lường hết sự đổ vỡ từ vay và nợ. Ngân hàng là con nợ cho đến quốc gia là con nợ, ranh giới giữa nợ xấu và nợ tốt thật mong manh trong chiến lược phát triển....
Bài viết dài kỳ của Alexander Jung trên tạp chí Tấm gương (Spiegel) (Đức) tháng 1-2012 hệ thống lại hành trình nợ nần xuyên quốc gia kinh khủng như thế nào.
|
Nợ tính theo đầu người ở một số nước |
Khi Carlo Ponzi, một người rửa bát từ Parma, Ý di cư đến Mỹ năm 1903, anh ta chỉ có 2,5USD trong túi và một giấc mơ trở thành triệu phú đô-la. Hắn đã có thể thực hiện giấc mơ của mình, ít nhất là trong phút chốc.
Ponzi hứa với mọi người sẽ biến số tiền của họ sinh sôi nảy nở một cách kỳ diệu: tăng lên 50% chỉ trong sáu tuần. Với mái tóc rẽ ngôi thẳng thớm và một giọng nói cuốn hút, Ponzi đã đánh lừa các nhà đầu tư và kích động lòng tham của họ. Những nhà đầu tư đầu tiên đã thu về những món lời hậu hĩnh. Tuy nhiên, họ không hề biết rằng Ponzi chỉ đơn giản đã lấy tiền của các nhà đầu tư mới để trả lãi cho các nhà đầu tư cũ.
Mánh lới này được tiếp tục. 10 nhà đầu tư rồi 100 nhà đầu tư, 100 nhà đầu tư rồi 1.000 nhà đầu tư bị cuốn hút, cho đến khi trò này bị lật tẩy. Ponzi bị bỏ tù, và chết trong nghèo túng vào năm 1949. Nhưng tên tuổi của hắn vẫn lưu lại dấu ấn với mọi nhà tội phạm học ngày này, và với cả các nhà kinh tế học.
Các nhà kinh tế học sử dụng cụm từ “mánh lới Ponzi” để nói tới cơ chế nguy hiểm khi một người dùng nợ mới để trả nợ cũ. Việc trả nợ -- gồm cả các khoản vay và lãi – được hoãn lại trong tương lai xa, đang tạo ra một quá trình nợ tái nợ không có điểm dừng.
Đó là một cơ chế cổ điển hình chóp, hay hệ thống quả bóng tuyết được hàng nghìn kẻ lừa đảo thực hiện sau Ponzi. Người thực hiện vụ lừa đảo ngoạn mục nhất kiểu Ponzi là nhà đầu tư New York Bernard Madoff đã gây thiệt hại khoảng 20 tỷ USD vào năm 2008. Những quả bóng tuyết xoay tròn và ngày càng lớn hơn. Kết quả là quả bóng tuyết vỡ tan và kéo theo mọi thứ vỡ vụn.
Các nước phương Tây hành động không khác mấy so với kẻ lừa đảo Madoff. Trong năm 2011, các tin tức xấu và những sai lầm cũ hầu như tràn ngập các quốc gia này. Gần như người dân ở các nước châu Âu và Mỹ có mức sống vượt quá số tiền họ có, từ người tiêu dùng đến các chính trị gia, và cả toàn bộ đất nước. Các chính phủ đã trở thành những nô bộc của các thị trường vượt chuẩn.
Những quả bóng tuyết lớn hơn
Dựa vào cơ sở gần như hàng tuần, các bản báo cáo ngày càng nghiêm trọng và tổng số tiền nợ nần của các quốc gia ngày càng khiến công chúng sửng sốt. Nhiều người lo lắng rằng, khi năm 2012 bắt đầu, những quả bóng tuyết này không chỉ lớn hơn mà còn lăn dốc nhanh hơn nữa:
- Có những ngân hàng ở châu Âu sẽ phải trả một khoản nợ gồm cả gốc và lãi khoảng 725 tỷ euro trong năm 2012, bao gồm 280 tỷ euro phải trả trong quý đầu năm 2012.Với một thị trường tư nhân mà phần lớn các ngân hàng bị hạn chế, các ngân hàng phải dựa vào Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) để trả các khoản nợ. Hiện ECB đang cho các ngân hàng này mượn một lượng tiền mặt theo nhu cầu của họ với tỷ lệ lãi suất tối thiểu.
- Có những nước như Italy với số nợ ở mức “cắt cổ” buộc phải trả vào đầu năm mới. Khoảng 160 tỷ euro nợ sẽ đến hạn trong bốn tháng đầu năm; tổng số nợ phải trả trong cả năm lên tới khoảng 300 tỷ euro. Chính phủ nước này đang gặp khó khăn trong việc tìm người mua các trái phiếu của mình.
- Có một ECB, về cơ bản ngân hàng này đang tạo ra hàng tỷ euro từ con số 0. Dựa trên cơ sở hàng tuần, ngân hàng này nhận được những trái phiếu của các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha và Italy, mà không ai muốn mua lại và, trong quá trình này, ECB đang biến thành một nhà tài chính bất đắc dĩ cho các quốc gia nói trên. Khoản viện trợ tài chính này đã lên tới con số 211 tỷ euro.
- Có một Uỷ ban châu Âu, đứng đầu là Chủ tịch José Manuel Barroso, ủng hộ cho việc sử dụng cái gọi là trái phiếu châu Âu. Những trái phiếu này, được các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu phát hành chung, sẽ gộp chung tất cả các khoản nợ của các quốc gia lại.
- Có một Quỹ giải cứu khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trị giá 440 tỷ euro, trong đó 150 tỷ euro đã cam kết cho Hy Lạp, Ireland và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng bởi vì số tiền này vẫn chưa đủ, các bộ trưởng tài chính trong Eurozone đã phải quyết định tăng cường quỹ này, một khoản như vô hại với các nhà cho vay bổ sung, do đó đang tăng gấp nhiều lần khối lượng tín dụng.
- Và sau đó, có một nước Mỹ chỉ duy trì được khả năng thanh toán bởi Quốc hội đã nâng mức trần nợ công. Chính phủ Mỹ đã nợ các nhà cho vay khoảng 15 nghìn tỷ USD.
Nói theo cách khác, có vô số quả bóng tuyết đã bắt đầu lăn tròn và ngày càng phình to sau mỗi vòng chuyển động. Một số khía cạnh của hệ thống kinh tế ở các quốc gia công nghiệp khá tương tự với một hệ thống Ponzi khổng lồ. Sự khác biệt là phiên bản này hoàn toàn hợp pháp.
Sống dựa vào tín dụng
Những khoản nợ cũ được trả với những khoản nợ mới, với những người đi vay xem nhẹ việc trả nợ. Việc này thực tế diễn ra trong một thời gian dài, rất dài. Không phải chỉ khi sự bùng nổ của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007 và các gói cứu trợ đắt đỏ thái quá của các ngân hàng và các nền kinh tế mà nhiều người ta nhận ra rằng toàn bộ thế giới này đang sống dựa vào tín dụng.
Các chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) đã kết luận trong một nghiên cứu gần đây “Khoản nợ đang tăng đến quá các điểm mà chúng ta chưa hề thấy, ngoại trừ trong hai cuộc chiến tranh Thế giới”. “Những vấn đề nợ đang thách thức với các nền kinh tế lớn tồi tệ hơn chúng ta nghĩ”.
Vấn đề này thậm chí đúng với cả một nước Đức vốn dường như vẫn vững chãi. Trong quý 3 năm 2011, nợ công của Đức đã lên tới 2.028 nghìn tỷ euro, tăng 10,8 tỷ euro quá mức nợ của ba tháng trước. Nợ công của Đức tăng khoảng 120 triệu euro/ngày, hay hơn 80.000 euro/ phút tính đến giữa tháng 7 và tháng 9-2011.
Góp phần khiến các vấn đề tồi tệ hơn, việc gia tăng này đã diễn ra trong một quý có các khoản thuế phong phú và suy giảm đáng kể tình trạng thất nghiệp. Nhưng các khoản nợ tăng lên hoàn toàn độc lập với các thời điểm xảy ra dù là tốt hay xấu.
Sự chấm dứt của một hệ thống
Điều tương tự đang xảy ra ở hầu hết các nơi khác.
Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ này, dù không phải là một giai đoạn yếu kém về kinh tế, mức độ nợ của các nước tăng gấp đôi. Cho đến cuối năm 2011, ước tính tổng nợ là 55 nghìn tỷ USD.
Mỹ dẫn đầu với khoản nợ công 15 nghìn tỷ USD, tiếp theo là Nhật Bản với khoảng 13 nghìn tỷ USD. Con số nợ 2 nghìn tỷ euro của Đức nếu so sánh thì gần như quá tầm thường. Hiện nay, ba cơ quan xếp hạng tín nhiệm lớn chỉ dành mức đánh giá tín nhiệm tín dụng cao nhất cho 14 nước trên thế giới.
Thực tế rằng các quốc gia vốn đang tiếp tục chi nhiều hơn những gì họ có không thể vận hành tốt trong một thời gian dài. Từ “tín dụng” bắt nguồn từ từ “credere” trong tiếng Latinh, nghĩa là “tin tưởng”. Hệ thống này sẽ chỉ hoạt động khi người cho vay tin tưởng vào người đi mượn. Một khi lòng tin về khả năng trả nợ của những người đi vay bị phá hủy, thì không ai muốn mua các trái phiếu của họ.
Khi điều này xảy ra, hệ thống này sẽ chấm dứt.
Điều này hoàn toàn là điều đã xảy ra với cơ chế Carlo Ponzi. Và nay, toàn bộ các nước đang gánh chịu những hậu quả tương tự.
Hy Lạp thực sự bị vỡ nợ. Italy và Tây Ban Nha bị buộc phải đưa ra các tỷ lệ lãi suất cao hơn để tìm kiếm những khách hàng mua trái phiếu chính phủ. Và Pháp thì trong nguy cơ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất. Cuộc khủng hoảng nợ công đã tiến sâu vào trung tâm châu Âu.
Trong khi đó, một lần nữa cuộc khủng hoảng này lại bùng phát ở nước Mỹ, với việc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa tiếp tục đổ lỗi cho nhau về các khoản nợ của quốc gia. Thay vì nhận trách nhiệm và củng cố ngân sách, Tổng thống Barack Obama lại muốn quy kết cách tiếp cận giải quyết khủng hoảng của châu Âu.
Họ, lần lượt, từ chối bất kỳ sự can thiệp nào, đặc biệt là từ Mỹ, nước mà họ đổ lỗi là căn nguyên của cuộc khủng hoảng.
Trong bối cảnh này, Thế giới già nua và Thế giới mới đang không ngừng đá quả bóng trách nhiệm cho nhau, trong khi niềm tin vào chính trị và khả năng ngăn chặn đổ vỡ đang teo dần ở cả hai bờ Đại Tây Dương.
Có cách nào để ngăn chặn vụ lở tuyết hay ít nhất là giảm thiểu lực phá hủy hay không?
Tại sao các quốc gia có thuế phải mượn tiền ở nơi đầu tiên xảy ra khủng hoảng?
(Còn nữa)
ALEXANDER JUNG (THU TRANG dịch từ tạp chí Spiegel (Đức))
NHÂN DÂN
|