Eurozone lún sâu trong vòng xoáy khủng hoảng
Một số chuyên gia thì cho rằng thông báo hạ bậc xếp hạng của Standard&Poors đúng là một tin không vui với châu Âu, song họ cho rằng đây chưa phải là thảm họa.
Những quốc gia châu Âu đang phải vật lộn nhằm chống chọi với cuộc khủng hoảng nợ công đang lan rộng tại khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) lại vừa bị giáng một đòn mới, với việc một loạt nước bị hạ mức xếp hạng tín dụng do những biện pháp giải quyết khủng hoảng vừa qua chưa cho thấy tính hiệu quả. Động thái này báo hiệu châu Âu và nhất là Eurozone sẽ tiếp tục phải đối mặt với một năm 2012 đầy khó khăn chồng chất.
Nỗi ám ảnh Thứ Sáu ngày 13
Thứ Sáu, ngày 13-1 vừa qua thực sự là một "ngày đen tối" đối với Eurozone với việc Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's (S&P) bất ngờ hạ mức xếp hạng của một loạt nước trong khu vực, trong khi các cuộc đàm phán về xóa nợ cho Hy Lạp đang rơi vào ngõ cụt.
Dù được kỳ vọng vẫn có thể duy trì mức xếp hạng tín dụng hàng đầu AAA, song Pháp đã bị S&P đánh tụt một điểm xuống AA+. Italia bị hạ 2 điểm xuống còn BBB+, và Tây Ban Nha bị hạ 2 điểm xuống mức A. Bên cạnh đó, tương lai kinh tế của cả 3 quốc gia này còn bị đánh giá là "tiêu cực". Ngoài các nước trên, S&P cũng đã hạ mức xếp hạng tín dụng dài hạn của Cộng hòa Síp, Bồ Đào Nha, Áo, Malta, Slovakia và Slovenia. 7 nước còn lại gồm Bỉ, Phần Lan, Estonia, Đức, Ireland, Luxembourg và Hà Lan được giữ nguyên mức xếp hạng tín dụng. Riêng Hy Lạp đã nhiều lần bị hạ mức xếp hạng kể từ khi quốc gia này trở thành ngòi nổ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu hồi tháng 4 năm ngoái.
S&P cho biết quyết định hạ mức xếp hạng tín dụng đối với một loạt quốc gia châu Âu phản ánh quan điểm của tổ chức này rằng những sáng kiến chính sách mà các nhà hoạch định chính sách châu Âu áp dụng trong những tuần gần đây không đủ để giải quyết triệt để những căng thẳng mang tính hệ thống đang diễn ra trong Eurozone.
Ngay sau động thái trên của S&P, giới chức Liên minh châu Âu (EU) ngay lập tức đã phản ứng. Ủy viên EU phụ trách các vấn đề kinh tế Olli Rehn cho rằng S&P hành động không nhất quán vì Eurozone đang hành động kiên quyết trên mọi mặt trận để dập tắt cuộc khủng hoảng nợ công. Thủ tướng Luxembourg Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone tuyên bố khu vực này quyết tâm bảo vệ mức xếp hạng tín dụng của các nước thành viên.
Đối với giới chức Pháp, việc nền kinh tế bị đánh tụt hạng tín nhiệm vàng AAA của S&P không quá bất ngờ và họ cũng không coi đây là một "thảm họa". Paris khẳng định quyết định của Standard&Poor's sẽ không ảnh hưởng tới chính sách kinh tế của Pháp, và vì thế sẽ không áp dụng các biện pháp kinh tế khắc khổ mới. Đức đã lên tiếng ủng hộ Pháp khi cho rằng nền kinh tế Pháp đang đi đúng hướng. Nền kinh tế đầu tàu khu vực đồng tiền chung châu Âu khẳng định, quyết định của S&P càng thôi thúc các nước châu Âu nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm khôi phục lòng tin của thị trường. Đức cũng khẳng định sẽ làm việc với các đối tác trong khu vực nhằm khôi phục lòng tin của thị trường.
Trong khi đó, có không ít ý kiến chỉ trích quyết định của Standard&Poor's, cho rằng đây là động thái không phù hợp khi mà eurozone đang hành động quyết liệt để đối phó với khủng hoảng. Người dân tại những nước bị hạ bậc tín nhiệm cũng cho rằng các đánh giá của Standard&Poors càng lúc càng không đáng tin cậy. Một số chuyên gia thì cho rằng thông báo hạ bậc xếp hạng của Standard&Poors đúng là một tin không vui với châu Âu, song họ cho rằng đây chưa phải là thảm họa.
Trong khi đó tại Hy Lạp, nhóm các chủ ngân hàng tư nhân tuyên bố ngừng đàm phán với chính phủ nước này về chương trình giảm nợ cho Athens do không đạt đồng thuận về các điều kiện thực hiện. Theo truyền thông Hy Lạp, hai bên hiện bất đồng về mức lãi suất trái phiếu sẽ được phát hành để đổi lấy những khoản nợ đáo hạn. Thỏa thuận giảm nợ là điều kiện mà Aten phải đạt được với các chủ ngân hàng tư nhân để nhận được gói cứu trợ thứ hai từ EU và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Đây cũng là một trong những biện pháp giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào tháng 3 tới, khi quốc gia này phải thanh toán một lượng trái phiếu lớn đã đáo hạn.
Giới quan sát lo ngại bế tắc trong tiến trình đàm phán về giảm nợ tại Hy Lạp đang làm gia tăng nguy cơ quốc gia này có thể vỡ nợ hoàn toàn, đồng nghĩa đẩy Eurozone lún sâu hơn vào khủng hoảng nợ công. Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos cùng ngày thừa nhận nước này đang đối mặt với những nguy cơ kinh tế cấp bách nếu không đạt được thỏa thuận về giảm nợ với khu vực tư nhân và không nhận được gói cứu trợ thứ hai từ EU và IMF.
Những nguy cơ lớn
Trong bối cảnh nợ công và khủng hoảng ngân hàng tại khu vực châu Âu ngày càng gia tăng, phần lớn các nền kinh tế thuộc khu vực đồng euro hứng chịu sự suy giảm tăng trưởng rõ rệt, phủ bóng đen lên triển vọng kinh tế năm 2012. Theo các nhà phân tích, cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu đang đối mặt với 4 nguy cơ lớn: suy thoái kép, rối loạn vì bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm, khu vực đồng euro bị thu hẹp hoặc tan vỡ, và khủng hoảng ngân hàng nghiêm trọng.
Các cơ quan quốc tế hầu như đều có cái nhìn tiêu cực về triển vọng nền kinh tế châu Âu khi họ liên tiếp hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong năm 2012. Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng của khu vực từ 1,3% xuống chỉ còn khoảng từ -4% đến 1%, thậm chí có tổ chức còn dự báo châu Âu nhiều nhất cũng chỉ tăng trưởng dưới 1%.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đưa ra dự báo bi quan về tăng trưởng theo quý cho 3 tháng đầu năm 2012 ở khu vực đồng euro. Nhà kinh tế chủ chốt của OECD Pier Carlo Padoan cảnh báo rằng những vấn đề không mấy lạc quan mà khu vực đồng euro đang đối mặt như không có khả năng thanh toán bằng tiền mặt và tình trạng khan hiếm tín dụng nghiêm trọng có thể gây ảnh hưởng lan sang nền kinh tế toàn cầu, dẫn tới một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong năm 2012 và 2013.
Việc các nền kinh tế lớn của ở Eurozone bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm là biểu hiện rõ ràng của việc khủng hoảng nợ công tại khu vực này đang leo thang. Điều này khiến hoạt động tài chính của chính phủ các nước sẽ tốn kém hơn, kéo theo Quỹ Bình ổn Tài chính châu Âu sẽ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm và có khả năng các ngân hàng và doanh nghiệp cũng sẽ bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm. Nếu không khắc phục được tình trạng này, các quốc gia và các doanh nghiệp ở châu Âu sẽ rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn do không còn nguồn tài chính và các gói cứu trợ của chính phủ.
Những diễn biến mới nhất khiến cho nhiều người ngày càng hoài nghi khả năng thanh toán nợ của Hy Lạp. IMF đã gia tăng mức độ nghi ngờ khả năng Hy Lạp cắt giảm được các khoản nợ công trong dài hạn. Nếu điều này trở thành sự thật, khả năng Hy Lạp vỡ nợ và buộc phải ra khỏi Eurozone là điều sẽ trở thành sự thật. Giám đốc điều hành Ngân hàng Standard Chartered Peter Sands cho rằng nền kinh tế thế giới bước vào năm 2012 "với một viễn cảnh đầy khó khăn cho khu vực đồng euro... với ngày càng nhiều khả năng các nước rút khỏi khu vực này". Trong khi đó, Ngân hàng hàng đầu của Italia UniCredit thì cảnh báo rằng nếu khủng hoảng khu vực đồng euro xấu đi thì đồng euro có thể sẽ bị bỏ rơi.
Theo giới truyền thông, nước Anh đang soạn thảo các kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp khu vực đồng euro tan vỡ và một số ngân hàng châu Âu cũng đã bắt đầu chuẩn bị cho khả năng này.
Trước tình trạng cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn đang lan rộng, các ngân hàng thương mại ở châu Âu chắc chắn phải chịu tổn thất bởi họ đang nắm giữ khối lượng lớn các trái phiếu chính phủ. Các thống kê cho thấy có tới ít nhất 721 tỷ euro trái phiếu chính phủ do các ngân hàng thương mại nắm giữ (tương đương 929,3 tỷ USD) sẽ phải thanh toán trong năm 2012, trong đó 250 tỷ euro trái phiếu (322,8 tỷ USD) phải trả trong quý I.
Ngày 22-12-2011, ECB đã bơm một khoản kỷ lục 489,19 tỷ euro (641 tỷ USD) cho các ngân hàng khu vực đồng euro qua hoạt động tái cấp vốn 3 năm 1 lần lần đầu tiên của mình. Nỗ lực này đã gia tăng hi vọng rằng tình trạng eo hẹp tín dụng có thể được giải quyết và khoản tiền bổ sung sẽ được sử dụng để mua các trái phiếu của Italia và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, một tuần sau, do thiếu sự tin tưởng vào thị trường, các ngân hàng thương mại đã chuyển trả vốn nhàn rỗi của mình cho ECB, đẩy khoản tiền gửi qua đêm của họ ở ECB lên mức kỷ lục 452 tỷ euro (588 tỷ USD). Thêm vào đó, các lãnh đạo châu Âu tại một hội nghị thượng đỉnh đã thỏa thuận tăng cường các quy định đảm bảo vốn đối với các ngân hàng châu Âu. Để nâng tỷ lệ đảm bảo vốn của mình lên 9% vào tháng 7, các ngân hàng thương mại đã chọn cách bán tài sản và thắt chặt tín dụng.
Cứ như vậy, kinh tế châu Âu và hệ thống ngân hàng khu vực này sẽ bị trói buộc trong một vòng luẩn quẩn và có nguy cơ sẽ phải hứng chịu một cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng hơn, nếu không tìm được những giải pháp hợp lý.
Theo đánh giá của giới phân tích, cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay là biểu hiện rõ ràng của sự tích tụ vốn quá mức. Số tiền này cần phải hoặc "đốt sạch", hoặc trở thành tín dụng giá rẻ để phục vụ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng vẫn tiếp diễn, trong khi các chính phủ đã trả lại cho những kẻ đầu cơ số tiền bị mất, từ đó phục hồi sự gia tăng tình trạng đầu cơ. Những thủ phạm gây ra khủng hoảng không phải ra hầu tòa và tiền không bị đốt. Hơn nữa, các chủ ngân hàng đã nắm chính quyền và đây là một trong những nguyên nhân làm cho cuộc khủng hoảng dai dẳng hơn.
Minh Tâm
pháp luật và xã hội
|