Chênh lệch thu nhập: rủi ro lớn nhất trên toàn cầu
Trong bản cáo cáo tựa đề “Rủi ro toàn cầu năm 2012” công bố vào ngày 11-1, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) nhận định chênh lệnh thu nhập và mất cân đối tài chính gia tăng trong 10 năm tới là hai rủi ro lớn nhất đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, các rủi ro lớn khác gồm khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng, tấn công mạng, thiếu nguồn nước, biến động giá năng lượng và hàng hóa.
Bản báo cáo được đưa ra trước thềm hội nghị hàng năm của WEF tổ chức ở Davos,Thụy Sĩ, vào ngày 25-1. Báo cáo xác định 50 rủi ro toàn cầu trên các lĩnh vực kinh tế, môi trường, xã hội, công nghệ, địa chính trị.
Xoáy vào các rủi ro kinh tế xã hội
Báo cáo của WEF dựa trên kết quả khảo sát ý kiến 469 chuyên gia hàng đầu thế giới. Năm nay, các chuyên gia xoáy vào lo ngại về các rủi ro kinh tế xã hội chứ không nhấn mạnh đến các rủi ro môi trường như năm trước. WEF cảnh báo chủ nghĩa quốc gia, chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa bảo hộ sẽ nóng lên trên toàn cầu vì mất cân đối tài chính kéo dài và chênh lệch thu nhập quá lớn khi thế giới đang điều chỉnh để đối mặt với những hiện trạng kinh tế mới.
Giám đốc của WEF Lee Howell cho biết lần đầu tiên trong nhiều thế hệ, nhiều người không còn tin rằng con cái họ lớn lên sẽ được thụ hưởng mức sống tốt hơn so với thế hệ của họ. Báo cáo cũng chỉ ra các rủi ro khu vực ở các nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bao gồm khối các nền kinh tế mới nổi BRIC ( Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc). Báo cáo viết: “Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở các nền kinh tế mới nổi đã hun đúc sự kỳ vọng vội vã rằng triều dâng sẽ nâng tất cả thuyền nhưng các cam kết xã hội có thể chưa được củng cố đủ nhanh để điều chỉnh những mất cân đối kinh tế và bất công xã hội có thể”. Khả năng các nền kinh tế chớp lấy cơ hội bằng lực lượng lao động giá rẻ không bảo đảm cho sự tăng trưởng bền vững.
Ở các nước phương Tây phát triển, dân số trẻ gia tăng nhưng cơ hội việc làm lại ít, số người về hưu tăng cao và khoảng cách ngày càng nới rộng giữa người giàu và người nghèo đang châm ngòi cho sự oán hận, bất mãn và gieo những hạt giống của viễn ảnh đầy khó khăn và vô vọng. WEF kêu gọi khu vực kinh tế tư nhân và nhà nước phối hợp để ngăn ngừa vòng luẩn quẩn khi kinh tế khó khăn làm tan vỡ ảo mộng và gây tổn hại đến cam kết xã hội giữa nhà nước và công dân. Bản báo cáo nhận định thất bại trong việc giải quyết vấn đề nợ công được xem là rủi ro kinh tế mang tính hệ thống quan trọng nhất.
Mặt trái của công nghệ kết nối
WEF cho rằng các chính sách và định chế được tạo ra trong thế kỷ 20 có thể không còn thích hợp cho thế giới phức tạp và ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. Giám đốc bộ phận quản lý rủi ro của công ty tái bảo hiểm Swiss Re (Thụy Sĩ) David Cole nói: “Chúng ta phải tránh sử dụng những giải pháp của hôm qua để đối phó với những rủi ro của hôm nay. Hậu quả của sóng thần ở Nhật Bản là một minh chứng cho thấy các chính sách và định chế xưa cũ không còn khả năng bảo vệ con người trong một thế giới phức tạp và phụ thuộc lẫn nhau”.
WEF cảnh báo mặt trái của sự kết nối (internet) khi các cộng đồng xã hội dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công mạng mà các cá nhân, tổ chức, quốc gia có ác ý gây ra. Công nghệ mới và mạng xã hội giúp thúc đẩy cuộc cách mạng Mùa Xuân Ả-rập nhưng đồng thời cũng là công cụ tiếp tay cho các cuộc bạo loạn đốt xe, cướp bóc, phá phách ở London (Anh) trong mùa hè năm 2011.
Bản cáo báo đưa ra ba kết luận: Các nhà hoạch định chính sách cần nắm rõ hơn cách thức các động lực có thể cải thiện sự phối hợp toàn cầu và đối phó các rủi ro; niềm tin hay thiếu niềm tin của công chúng ở các lãnh đạo là nhân tố chủ chốt quyết định mức độ rủi ro; công chúng cần sự trao đổi, chia sẻ thông tin tốt và minh bạch hơn các rủi ro mà họ đối mặt.
Chánh Tài
tbktsg
|