Đầu tư chứng khoán năm 2011: Những ”thất bại” nguy hiểm cần được ôn lại
(Vietstock) – Những kinh nghiệm ”thất bại” bổ ích này sẽ giúp nhà đầu tư tự tin hơn khi phải đối diện với năm 2012 được dự đoán tiếp tục biến động khá phức tạp và khó lường.
Mạnh dạn cắt lỗ và chiến lược phòng ngừa rủi ro
Chưa có năm nào mà bài học cắt lỗ lại được nhắc đến với một tần suất cao như năm nay.
Giới đầu tư chứng khoán Việt dường như rất ít khi xác định ngưỡng cut loss trước khi mua cổ phiếu. Ngược lại, khi đã mua cổ phiếu, điều mà nhà đầu tư thường nghĩ đến đầu tiên là giá sẽ lên cao đến mức nào.
Năm 2011 thực sự là năm hạn đối với nhà đầu tư dạng này, khi mà những đợt giảm giá kéo dài và nặng nề xuất hiện liên tục.
Có nhà đầu tư than rằng: ”Kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán là thứ rút mãi chẳng bao giờ hết vì chẳng có cái dại nào giống cái dại nào”.
Thiết nghĩ đây cũng là điều hợp lý khi nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng chưa có tiền lệ trong lịch sử.
Dưới đây là một ví dụ điển hình trên VN-Index về việc cắt lỗ trong năm 2011.
Khi VN-Index chạm vùng 375 – 380 điểm vào đầu tháng 12/2011 thì việc bắt đáy tỏ ra rất hợp lý khi mà vùng này liên tục trụ vững trong 2 đợt thoái lùi mạnh trước đó.
Tuy nhiên, khi VN-Index xuyên thủng vùng này và đồng thời phá vỡ luôn cả internal trendline vào trung tuần tháng 12/2011 thì việc cắt lỗ là một quyết định sáng suốt; bởi sau đó chỉ số đã rơi vào chu kỳ điều chỉnh mạnh kéo dài gần 3 tuần.
Việc phòng ngừa rủi ro, cụ thể là một chiến lược cắt lỗ hợp lý khi những dự đoán trước khi mua bị đảo lộn là hết sức cần thiết.
”Đầu tư dài hạn” liệu có còn hiệu quả?
Một trong những đặc điểm đáng chú ý của thị trường mới nổi là thị trường chứng khoán nói riêng, thị trường tài chính nói chung biến động nhiều hơn và khó dự đoán hơn.
Điều này cũng góp phần giải thích tại sao việc đầu tư dài hạn ở Việt Nam trong nhiều năm qua không đem lại hiệu quả cao như các thị trường phát triển.
Mặt khác, khái niệm ”đầu tư dài hạn” ở Việt Nam đôi khi là sự biện hộ cho tình trạng ”kẹp hàng dài ngày”.
Trên thực tế, giới đầu tư thường hy vọng giá tăng trở lại về gần mức mua để bán và cắt lỗ, mà không còn đủ tâm lý để chấp nhận thực tại.
Nếu chấp nhận lỗ, thì sau khi thoát ra sẽ có cơ hội kiếm lời ở cổ phiếu khác, do cầm tiền mặt đứng ngoài thì dễ nhận định sáng suốt hơn. Còn nếu tiếp tục ”đầu tư dài hạn” thì khi giá tiếp tục xuống, nhà đầu tư sẽ lỗ nhiều hơn và nảy sinh tâm lý chán nản, phó mặc cho thị trường.
Nói tóm lại, nếu không tìm thấy các dấu hiệu tăng giá ở cổ phiếu đang bị kẹt thì nên mạnh dạn cắt lỗ và chuyển sang cổ phiếu khác, để phòng tránh trường hợp tình trạng thua lỗ ngày càng trầm trọng hơn.
Bình quân giá xuống là hết sức nguy hiểm
Chiến lược bình quân giá xuống thường chỉ được áp dụng đối với nhà đầu tư tổ chức có nguồn lực tài chính mạnh và số lượng cổ phiếu dự tính mua lớn nên cần thời gian giải ngân tương đối dài.
Vì khối lượng trong giai đoạn thị trường tạo đáy thường khá thấp nên nhà đầu tư dạng này phải chấp nhận mua trước một lượng đáng kể trong các phiên thrust down của thị trường, rồi sau đó mới bình quân giá xuống khi thị trường tạo đáy.
Tuy nhiên, cách làm này đối với nhà đầu tư cá nhân lại tiềm ẩn rủi ro lớn, vì đối tượng này có tiềm lực tài chính yếu hơn và thời gian giải ngân cũng thường ngắn hơn.
Thực tế chứng minh không chỉ trong năm 2011 mà cả những năm trước, chiến lược bình quân giá xuống ít khi phát huy tác dụng.
Một chiến lược đem lại hiệu quả khá tốt là ”Bottom-fishing để bình quân giá lên”. Nghĩa là canh bắt đáy một lượng vừa phải (30% - 40%) của danh mục khi cổ phiếu chạm các vùng hỗ trợ mạnh. Nếu sau đó cổ phiếu phục hồi trở lại thì tiếp tục bình quân giá lên. Còn nếu thủng đáy thì nên cắt lỗ nhanh chóng để phòng ngừa rủi ro.
Chiến lược trên giúp cho chúng ta có thể hạn chế được thua lỗ trong những đợt bắt đáy thất bại, nhưng vẫn đảm bảo mức sinh lời cao nếu như thị trường tăng trưởng.
Phân biệt giữa tín hiệu cảnh báo (warning) và tín hiệu mua bán (buy/sell signal)
Nhiều nhà đầu tư hay nhầm lẫn giữa tín hiệu cảnh báo (warning) và tín hiệu mua bán (buy/sell signal). Có thể lấy hai ví dụ đơn giản sau để minh họa cho điều này.
Phân kỳ có thể coi là một dạng tín hiệu cảnh báo (warning) điển hình. Chỉ báo Ultimate Oscillator trong năm 2011 đã có 4 lần cho tín hiệu phân kỳ giá lên (bullish divergence) trên VS 100 trong năm 2011, nhưng chỉ có 1 lần vào tháng 08/2011 là thành công; còn những lần còn lại giá đều đi ngang rồi giảm mạnh. Điều này cho thấy không phải cứ có phân kỳ là giá sẽ đi theo hướng mà phân kỳ chỉ ra.
Mặt khác, đối với các chỉ báo dạng tín hiệu mua bán (buy/sell signal) thì sau một tín hiệu mua sẽ có một tín hiệu bán xen kẽ (quan sát đường SMA 50 vẽ chung với VS 100). Đối với phân kỳ thì không phải lúc nào cũng vậy.
Sau một phân kỳ giá lên thì không có phân kỳ giá xuống hay một tín hiệu nào để nhà đầu tư có thể biết rằng mình đã sai và cắt lỗ.
Vì vậy, nên dùng phân kỳ nói riêng và các dạng tín hiệu cảnh báo (warning) nói chung để chuẩn bị vào trạng thái mua bán chứ không phải để mua bán.
Thực tế trên VS 100 trong năm 2011 cho thấy, hệ thống giao dịch dựa vào SMA 50 chỉ cho tín hiệu mua (buy signal) đúng 1 lần vào tháng 08/2011 khi đường giá cắt lên trên SMA 50 và tín hiệu này là chính xác. Điều đó cho thấy các tín hiệu mua bán (buy/sell signal) có độ tin cậy cao hơn là các tín hiệu cảnh báo (warning).
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2011 đã đem đến cho chúng ta khá nhiều trải nghiệm thú vị. Hy vọng những kinh nghiệm ”thất bại” bổ ích này sẽ giúp nhà đầu tư tự tin hơn khi phải đối diện với năm 2012 được dự đoán tiếp tục biến động khá phức tạp và khó lường.
Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
|