Vận tải hàng không: Tăng trưởng cao vẫn phải tăng giá để bù lỗ
Lượng khách đi lại trên mỗi chuyến bay chiếm hơn 90% số ghế, thị trường tăng trưởng hai con số, nhưng các hãng hàng không nội địa vẫn kêu "lỗ", để tăng giá. Có thực sự các hãng bay đang lỗ?
Từ 1-1-2012 giá vé máy bay nội địa sẽ tăng với mức cao nhất là 20%. Trong cuộc họp báo ngày 8-12, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) và đại diện Vietnam Airline (VNA) cho rằng mức tăng này vẫn chưa thỏa mãn bởi vẫn lỗ. Trong khi theo thống kê, tăng trưởng với con số 14,6% của ngành hàng không từ đầu năm đến nay được cho là mức tăng cao nhất trong các loại hình vận tải.
Một chuyên gia kinh tế nói: Tăng trưởng hàng không nội địa là đáng kinh ngạc. Bảy tháng đầu năm nay, có khoảng 8 triệu lượt khách đi lại bằng đường hàng không, tăng khoảng 14,6% là mức tăng cao nhất trong các loại hình vận tải. Nhưng, kết quả kinh doanh của các hãng nội địa vẫn chỉ một từ: "Lỗ".
Kể từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ hai giá vé máy bay đường bay nội địa được điều chỉnh. Trước đó vào tháng 4, giá vé máy bay đã một lần được điều chỉnh.
Lượng khách đi lại trên mỗi chuyến bay chiếm hơn 90% số ghế, thị trường tăng trưởng hai con số, nhưng các hãng hàng không nội địa vẫn kêu "lỗ", để tăng giá. Có thực sự các hãng bay đang lỗ? Một chuyên gia vận tải hàng không cho biết, việc các hãng hàng không nội địa lỗ không khó xác định. Một chuyến bay có bao nhiêu ghế, các chi phí cũng dễ thấy, đặt trên một đường bay cụ thể sẽ hoạch toán ra lỗ, lãi thế nào? Sau đó tính gộp các đường bay sẽ có kết quả doanh thu chung.
Một lãnh đạo Cục HKVN cho biết, cuối tháng này, các hãng hàng không sẽ trình đề án tăng giá vé. Các đề án này sẽ phải báo cáo cụ thể các số liệu như chi phí, lợi nhuận kinh doanh...thế nào. Cơ quan chức năng của Cục sẽ đánh giá xem mức đề xuất tăng giá vé kiểm tra xem các mức chi phí, lợi nhuận có đúng thực tế hay không?
Theo lãnh đạo VNA thì trước mắt, trên 70% hành khách đi lại vào dịp tết sẽ bị ảnh hưởng bởi tăng giá. Còn về lâu dài giá vé biến động ra sao thì họ chưa thể khẳng định!
Trước câu hỏi, liệu việc tăng giá trần vé máy bay trong thời điểm nhạy cảm (gần tết Nguyên Đán) này có ảnh hưởng đến vấn đề bình ổn giá trong những tháng cuối năm, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục Trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài Chính) cho biết, việc điều chỉnh giá vé máy bay, tàu hỏa, ôtô chắc chắn sẽ có những tác động nhất định. Bộ Tài chính đã cùng các đơn vị kinh doanh tính toán để việc tăng giá ít gây bất lợi nhất và đến giờ thì bắt buộc phải tăng trong khuôn khổ.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục phó Cục HKVN cũng cho hay, việc tăng giá trần chỉ được thực hiện trong các khoảng thời gian cao điểm nhu cầu đi lại của hành khách tăng đột biến, chẳng hạn dịp tết, hè, bởi nhiều năm qua thị trường hàng không nội địa luôn bị tình trạng bay lệch đầu. Nếu được tăng giá vượt trần, hãng hàng không sẽ lấy phần vượt trội này bù vào khoản lỗ của chuyến bay vắng khách, từ đó mới có thể mạnh dạn tăng thêm chuyến.
Theo tính toán của Cục HKVN ở đường bay thông dụng 1000 - 1280km mức giá thành cần đạt được là 2.047.000 đồng/hành khách/lượt, nhưng mức thu bình quân chỉ đạt 1.830.000 đồng/hành khách/lượt nên hãng vẫn bị lỗ 217.000 đồng/vé. Ở các chặng khác sẽ có các mức lỗ khác nhau. Ông Thanh cũng cho biết thêm, mức tăng giá này vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu của doanh nghiệp. Nếu để các hãng thỏa mãn phải tăng tối đa 5.000 đồng/km/vé theo trần giá tối đa quy định của Bộ Tài chính, với khung mới, đường bay từ 500 km trở lên vẫn âm, chỉ đường bay 300 - 500 km dương 16%.
Còn theo ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc VNA, với mức giá trần cũ, theo một thống kê của hãng này hồi tháng 5-2011, giá áp dụng trên toàn đường bay nội địa bằng 77% giá trần, Jetstar Pacific Airlines (JPA) khoảng 59%. Giá trần dựa trên giá thành, tính đúng tính đủ không mang lại ý nghĩa gì nữa. Kinh doanh nội địa vẫn từ lỗ đến lỗ. Vì lí do chỉ có một lượng khách rất ít của JPA mua giá trần, VNA là 40%. Chừng nào còn giá trần cũ, chừng đó giá rất khó ổn định, ông Minh nói và tiếp tục khẳng định đẩy giá trần lên, có những người sẵn sàng trả giá cao để đi máy bay, từ đó mới có cơ hội cho người thu nhập thấp đi được và các hãng có lãi?!
Chiếm thị phần khoảng 80% nên sau khi VNA thông báo tăng giá vé máy bay, các hãng hàng không còn lại tại Việt Nam đều buộc phải tính toán lại các kế hoạch của mình. Điều đó cũng sẽ khiến người tiêu dùng cảm thấy lo lắng mặc dù đến thời điểm này, các hãng hàng không khác khẳng định chưa tăng giá. Cụ thể, hai hãng hàng không giá rẻ là JSA và VietjetAir cho biết chưa tăng giá vé vào thời điểm hiện tại thay vào đó sẽ tính toán để đưa ra phương án cụ thể trong thời gian tới. Tin từ JSA, hiện hãng có nhiều mức giá vé từ thấp đến cao, việc mức trần được nâng lên sẽ mở rộng thêm biên độ giá, trong đó số lượng vé giá rẻ cũng sẽ được tăng lên. Còn đối với hãng hàng không mới gia nhập VietjetAir chưa đưa ra việc tăng giá bởi phương châm của hãng là mang đến cho khách hàng dịch vụ tốt nhất với giá vé thấp nhất.
Có thể nói, thông tin VNA tăng giá khiến nhiều người tiêu dùng ngỡ ngàng, nhất là trong những ngày giáp tết, khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao. Liệu vai trò bỉnh ổn giá trong những thời điểm giáp tết của doanh nghiệp đã bị bỏ qua?
Xuân Thanh
Pháp luật Xã hội
|