Thưởng Tết, ai thấp ai cao?
Năm nay qua khảo sát của Tiền Phong , mức thưởng Tết nhìn chung giảm, thậm chí không có thưởng, điển hình như bất động sản, chứng khoán, xăng dầu. Tuy nhiên, một số ngành như ngân hàng, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi có thưởng khá.
|
Ngân hàng là một trong những ngành dự báo có mức thưởng cao nhất. |
Kẻ khóc, người cười
Năm nay, tính đến hết tháng 11, xuất khẩu dệt may dẫn đầu về giá trị xuất khẩu, với 12,8 tỷ USD nên nhiều DN trong lĩnh vực này được mùa. Ông Bùi Viết Quang - Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần may Sông Hồng (Nam Định) cho biết, dù chịu tác động mạnh bởi tỷ giá, lạm phát, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh của Cty vẫn tốt. Doanh thu toàn Cty ước đạt 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 100 tỷ đồng.
Mặc dù chưa biết cụ thể lợi nhuận sau thuế nhưng lãnh đạo Cty vẫn quyết định sẽ trả cổ tức cho cổ đông là 30%. Đồng thời, HĐQT cũng quyết định sẽ thưởng Tết cho toàn bộ 6.000 cán bộ công nhân viên mỗi người ít nhất 2 tháng lương 13 và 14. Nếu gộp thêm các khoản tiền thưởng khác, trung bình chung mỗi CBCNV sẽ nhận được khoản tiền thưởng Tết là 10 triệu đồng/người.
Trong khi đó, theo một lãnh đạo Cty Dệt 19-5, vì năm nay lãi suất ngân hàng cao, hàng hóa ế ẩm, sản phẩm làm ra phải chất kho nên cố gắng lắm cũng chỉ lo trả lương tháng thứ 9 và 10 (hiện vẫn đang nợ lương) cho công nhân chứ đến thời điểm này chưa nghĩ đến chuyện thưởng Tết.
Thực phẩm, thức ăn chăn nuôi khá
Kinh doanh trong bối cảnh nước nổi, bèo nổi. Năm nay, lĩnh vực thức ăn chăn nuôi tăng giá tới 7 lần, nên nhiều DN làm ăn phát đạt. Ông Nguyễn Khắc Thảo - Phó Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam (DBC), DN chuyên kinh doanh về thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, con giống, cho biết, doanh thu của Cty tốt nên kế hoạch thưởng Tết Nhâm Thìn cho CBCNV dù chưa công bố nhưng chắc chắn tối thiểu cũng sẽ bằng năm ngoái.
Theo ông Thảo, mức thưởng Tết loại A có thể thưởng 17-18 triệu đồng/người; loại B 7-8 triệu đồng/người; loại C 4 triệu đồng/người.
Còn ông Văn Đức Mười - Tổng giám đốc Cty Kỹ nghệ súc sản Vissan cho biết: “Hiện, Cty đã quyết định anh em sẽ có thêm tháng lương thứ 13. Ngoài ra, dịp Tết Âm lịch sẽ có thêm một khoản tiền thưởng cao hơn năm ngoái là 5 triệu đồng/người”.
6.000 CBCNV của Cty Cổ phần may Sông Hồng (Nam Định) được thưởng Tết trung bình 10 triệu đồng/người. Ảnh: Phong Cầm.
Bất động sản, chứng khoán, xăng dầu héo
Một năm khó khăn thực sự với các DN kinh doanh bất động sản và chứng khoán. Bởi cả hai thị trường đều lặng sóng, nên hiện tại hai từ “thưởng Tết” khá xa lạ với các công ty chứng khoán. Đại diện một số công ty như Kim Long (KLS), SSI cũng chỉ tiết lộ chung chung sẽ có thưởng. Còn thưởng bao nhiêu thì khó nói.
Lãnh đạo một công ty chứng khoán yếu thanh khoản và lỗ dài thì thừa nhận lo thưởng Tết cho con số dăm chục nhân viên sẽ là vấn đề đau đầu khi thời điểm này, sức hồi phục của thị trường vẫn chưa hề có dấu hiệu xanh trở lại.
Trong khi đó, theo ông Vũ Cương Quyết - Tổng giám đốc Cty Đất Xanh miền Bắc, năm nay, do thị trường BĐS khó khăn nên việc tiền thưởng Tết cho nhân viên sẽ chịu ảnh hưởng nhiều do kết quả sản xuất kinh doanh không tốt. Nếu như năm ngoái, ngoài số tiền thưởng lương tháng 13, Tập đoàn Đất Xanh còn có khoản tiền thưởng riêng cho các cá nhân, đơn vị xuất sắc thì năm nay khó thực hiện được.
Ông Đặng Vinh Sang - Tổng giám đốc Saigon Petro than thở, tính đến thời điểm này, doanh nghiệp đang bị lỗ hơn 100 tỷ đồng. Trong kinh doanh xăng dầu, lượng tiêu thụ của cả năm cũng giảm tới 85% so với năm ngoái nên quỹ lương của doanh nghiệp bị giảm rất lớn. Thông thường các năm, từ đầu năm đến tháng 8, tháng 9, doanh nghiệp sử dụng một phần quỹ tiền lương để trả cho NLĐ; đến kết thúc năm, nếu lợi nhuận cao, sẽ dồn vào chia thưởng cho anh em.
“Tình hình kinh doanh năm ngoái thuận lợi nên từ tháng 8 đến tháng 12 chúng tôi cũng phát được thêm cho anh em một tháng lương. Còn với tình hình kinh doanh năm nay, dự kiến quỹ lương - thưởng Tết cho CBCNV thấp hơn năm ngoái khoảng 20%. Có năm hoạt động tốt chúng tôi có quỹ lương thưởng chia đều cho nhân viên tới 18 tháng. Còn năm nay thì đói” - Ông Sang nói.
Khó có mức thưởng cao, đột biến
Chia sẻ với PV Tiền Phong về lương, thưởng Tết, ông Phạm Văn Thanh - Trưởng phòng Lao động chính sách tiền lương (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, Sở đã có văn bản yêu cầu các DN trên địa bàn thành phố tổng hợp, báo cáo tiền lương năm 2011 và thưởng Tết Nhâm Thìn trước ngày 20-12. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có báo cáo lên thì số lương - thưởng Tết đó chưa hẳn đã đúng với thực tế tại DN. Mọi thứ chỉ là tương đối và khó có DN nào tại Hà Nội cũng như TPHCM có mức thưởng cao, đột biến như Tết năm ngoái.
Ông Thanh nhận định năm nay thưởng Tết chắc chắn sẽ thấp hơn năm ngoái. Nguyên nhân, vì lãi suất vay ngân hàng quá cao, gây ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Hà Nội đang có khoảng 110.000 lao động làm việc trong các KCN. Nếu Tết các DN thưởng thấp hoặc cố tình không thưởng hay cắt giảm các khoản trợ cấp do tăng lương tối thiểu (từ 1-10-2011), chắc chắn sang các tháng đầu năm 2012, sẽ xảy ra tình trạng công nhân bỏ việc, nhảy việc, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động SXKD của DN”, ông Thanh khuyến cáo.
Ông Nguyễn Văn Thủy - Phó Ban Chính sách Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng cho rằng, theo văn bản Bộ LĐ-TB&XH dự kiến năm nay sẽ có 9 ngày nghỉ Tết. Do đó, Tết Nguyên đán rất gần với Tết Dương lịch nên không loại trừ có DN sẽ vin vào việc chưa đánh giá được kế hoạch năm có hoàn thành kịp hay không để tính tiền thưởng cho NLĐ. Đặc biệt, trong bối cảnh có nhiều DN FDI chuyển giá, báo lỗ triền miên thì việc chăm lo Tết cho NLĐ sẽ bị ảnh hưởng.
Cùng chung nhận định thưởng Tết năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái, bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Lao động tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) phân tích, cái khó nhất để nhận biết đó là thưởng hay chỉ là khoản tiền lương trích lại của NLĐ trong cả năm.
Nếu tiền thưởng nằm trong quỹ lương thì doanh nghiệp vẫn được quyết toán và gọi đó là thưởng; còn tiền thưởng nằm ngoài quỹ lương, được trích ra từ lợi nhuận trong khi doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ thì chắc chắn doanh nghiệp đó không có thưởng Tết. “Anh làm ăn thua lỗ thì lấy đâu ra nguồn để thưởng Tết” - bà Minh nói.
Khối ngân hàng vẫn thưởng khá
Khi hỏi về lương, thưởng dịp Tết Nhâm Thìn, giám đốc một chi nhánh của Ngân hàng Vietinbank cho biết, vẫn cố gắng để thưởng Tết cho anh em một tháng lương. Theo Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có lợi nhuận vượt chỉ tiêu, việc thưởng Tết năm nay vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, ông này cũng thừa nhận với áp lực chia cổ tức ở mức cao cho cổ đông (hơn 10%) thì phần thưởng của nhân viên ngân hàng cũng không thể ở mức cao chót vót.
Trưởng phòng giao dịch một ngân hàng quốc doanh lớn cho biết chưa nghe thông tin gì về phân phối thưởng năm nay nhưng “khả năng cũng được vài ba chục triệu mỗi người”- Ông này cho biết.
DNNN lỗ không có thưởng Tết
Đề cập đến vấn đề thua lỗ của Petrolimex và EVN liệu có được thưởng Tết, Vụ trưởng Vụ Lao động tiền lương Bộ LĐTB&XH Tống Thị Minh cho rằng, cần phải căn cứ vào quy chế phân phối lương của DN. Nếu tiền thưởng được trích ra từ lợi nhuận mang lại thì chắc chắn hai DN đó sẽ không có nguồn vì làm ăn thua lỗ. Đã thua lỗ thì không có nguồn để thưởng Tết. |
Nhóm PV
Tiền Phong
|