PVN bán thiếu khí cho EVN: Lo lợi ích cục bộ
Nỗi lo thiếu khí để phát điện của EVN đã được giải tỏa khi PVN đã cam kết cung ứng đủ. Tuy nhiên, sau vụ việc này vẫn là những băn khoăn về lợi ích cục bộ.
Ngoài điện, còn nhiều đối tác khác
Sau lời nhắc nhở của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) bán khí đi đâu mà khai thác 9 tỷ m3, chỉ bán cho điện 5,7 tỷ m3, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp giữa hai bên để điều phối vụ việc này.
Kết luận của cuộc họp này, Bộ trưởng đã yêu cầu, PVN sẽ phải lo đủ khí cho điện với mức tối đa là 6,5 tỷ m3 khí. Đây cũng là mức sản lượng khí theo đúng nhu cầu đề xuất của EVN nhằm đảm bảo đủ điện cho năm 2012.
Chia sẻ với PV Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - VietNamNet, ông Đỗ Khang Ninh, Chủ tịch Tổng công ty Khí cho biết, đi kèm với cam kết trên, cuộc họp còn có thỏa thuận về việc huy động sử dụng khí từ các mỏ. Nguồn khí từ mỏ PM3 Cà Mau phía Tây sẽ được ưu tiên huy động trước. Khi nào khí bên Tây sử dụng hết thì mới huy động cung ứng khí bên Đông (mỏ Nam Côn Sơn và mỏ Bạch Hổ) cho điện.
Giá khí bán cho điện của 2 nguồn này chênh nhau tới 2-3 USD/triệu BTU, trong đó, khí bên Tây đắt hơn với mức giá khoảng 7 USD/triệu BTU, trong khi khí phía Đông rẻ hơn, với giá chỉ từ 4-5 USD/triệu BTU. Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tăng cường sử dụng khí ở khu vực phía Đông Nam Bộ với công suất đã tăng gấp đôi so với mức mà Tổng công ty khí cam kết đầu năm.
Vì sao, PVN lại không đồng ý ngay với đề nghị được đáp ứng 6,5- 6,6 tỷ m3 của EVN, để đến mức EVN phải than phiền với nỗi lo phát sinh hàng nghìn tỷ đồng tiền dầu?
Ông Đỗ Khang Ninh lý giải: 5,7 tỷ m3 khí cho điện vào năm 2012 đúng là mức mà chúng tôi mong muốn ban đầu. Bởi vì ngoài cung cấp khí cho EVN, chúng tôi đã ký hợp đồng dài hạn cung ứng khí cho các đối tác khác cũng là các nhà máy điện, đạm.
Nếu huy động khí quá nhiều cho EVN, đến lúc không đảm bảo khí cho các đối tác khác, chúng tôi sẽ bị phạt hợp đồng vì thiếu khí, ông Ninh cho biết.
Không chỉ lo ngại về việc cân đối nguồn khí giữa EVN và các hộ tiêu thụ khác, vị Tổng Giám đốc Tổng Công ty Khí còn lo ngại vấn đề an toàn mỏ khí. Nếu khai thác với tốc độ quá nhanh, sử dụng nhiều ở thời kỳ này thì mỏ sẽ mau chóng cạn kiệt, bị phá mỏ, tràn nước.... Vì thế, mức 5,7 tỷ cho điện là mức mà PVN tính toán để phù hợp với chế độ khai thác mỏ.
Tuy nhiên, ông Đỗ Khang Ninh khẳng định, sau cuộc họp, việc trục trặc khí cho điện như vậy đã được giải quyết xong. Chúng tôi sẽ đảm bảo cố gắng đáp ứng đủ khí cho EVN.
Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng xác nhận: "Lý do hạn chế cung ứng khí theo các báo cáo trước đây của PVN là vì đảm bảo các yêu cầu kinh tế kỹ thuật của mỏ, nay đã được giải quyết xong".
Mâu thuẫn của độc quyền
Đây không phải là lần đầu tiên có những sự mâu thuẫn giữa hai Tập đoàn PVN và EVN về vấn đề cung ứng khí cho điện. Và cứ mỗi khi có "chuyện", Bộ Công Thương lại phải vào cuộc như một trọng tài, cùng với sự chỉ đạo, yêu cầu cụ thể mạnh mẽ của Chính phủ thì mới chốt được.
Hiện nay, nhiệt điện khí chiếm tới 40% tổng sản lượng điện quốc gia. EVN là nhà độc quyền trong khâu mua bán điện và thống lĩnh thị trường phát điện. Còn PVN là nhà khai thác và phân phối khí độc quyền, với sự hiện diện là Tổng công ty khí.
Cả hai vị độc quyền này đều sở hữu một số các nhà máy điện khí, cùng đó, PVN còn sở hữu những hộ tiêu thụ khí lớn khác như nhà máy Đạm Phú Mỹ...
Cách đây vài năm, đã có câu chuyện PVN ưu tiên cung ứng khí cho các nhà máy đạm, điện của mình trước rồi kế đến mới là các nhà máy điện của EVN. Phải chăng, câu chuyện hạn chế cung ứng khí cho điện như trên cũng là bởi, PVN phải lo ưu tiên khí cho các đơn vị thuộc mình?
Một lý do khác nữa là hiện nay, giá khí bán cho điện theo cơ chế đàm phán có sự điều tiết của Nhà nước nên rẻ hơn rất nhiều so với giá khí bán cho các nhà máy công nghiệp. Theo một vị chuyên gia trong ngành này, nếu PVN bán khí cho các nhà máy công nghiệp có thể còn có mức giá lên tới 10USD/triệu BTU, lãi gấp đôi.
Khi đặt câu hỏi về hai vấn đề trên, ông Đỗ Khang Ninh đã thẳng thắn cho biết: "Câu chuyện này hoàn toàn không dính dáng tới giá cả. Giá khí cho điện và đạm là ngang nhau. Giá khí bán cho hộ khác có cao hơn nhưng số các hộ này không nhiều".
Nhưng khi nhắc chuyện ưu tiên huy động khí, ông Ninh bày tỏ: "Trước cuộc họp này, chúng tôi gặp phải tình trạng EVN ưu tiên huy động điện các nhà máy điện của mình trước rồi mới huy động điện các nhà máy của PVN sau! Chính vì thế, sau cuộc họp, Bộ trưởng đã giao Cục Điều tiết điện lực lập qui trình điều tiết khí - điện!"
Được biết trước đó, theo phản ánh của Công ty Điện lực dầu khí, tính trong 7 tháng đầu năm, EVN đã giảm mua của đơn vị tới 423 triệu Kwh. Sản lượng điện EVN huy động từ các nhà máy điện của PVN chỉ đạt khoảng 90% của kế hoạch đã thống nhất. Việc này đã khiến cho Công ty Điện lực dầu khí lại phải giảm sản lượng huy động khí dẫn tới phá hỏng các cam kết về mua khí.
Câu chuyện trên cho thấy, mâu thuẫn "ngầm" giữa hai Tập đoàn này đã xuất hiện từ nhiều năm nay và càng ngày càng sâu đậm hơn mà vẫn chưa có hướng giải quyết lâu dài.
Rõ ràng, khi mà PVN cũng tham gia làm nhiệt điện, rồi xây các nhà máy sản xuất đạm, nhu cầu khí cho chính các đơn vị "con" của PVN ngày càng lớn. Nguồn khí ngày càng cạn kiệt, giá bán khí cho EVN lại không có lời lãi nhiều thì với vị trí là nhà độc quyền khí, PVN sẽ lo cung ứng cho người ngoài trước, mới lo cho người nhà sau.
Bên cạnh đó, các nhà máy điện, đạm của PVN nếu thiếu khí thì cũng sẽ ảnh hưởng sản xuất kinh doanh, hiệu quả kinh tế cho nên PVN phải lo cho thân mình trước là điều dễ hiểu.
Đó là chuyện đã và đang diễn ra.
Còn chuyện sắp tới là khi thị trường phát điện vận hành, EVN sẽ theo nguyên tắc ưu tiên huy động nhà máy điện chào giá rẻ trước. Theo đó, giá thành nhiệt điện của EVN rẻ hơn giá thành nhiệt điện khí của PVN thì phép logic có thể thấy rõ là EVN sẽ lại ưu tiên dùng điện của người nhà trước, thay vì người ngoài.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của PVN hay Tổng Công ty Khí vẫn là lãi hàng ngàn tỷ đồn nhưng với EVN, đang đứng trước khoản lỗ hơn 31.000 tỷ đồng. Nếu đổ dầu chạy phát điện với chi phí 18.000 tỷ đồng, EVN sẽ không có nguồn nào bù đắp nổi. Theo nguyên tắc phân bổ chi phí mới đây Bộ Công Thương nêu, các khoản lỗ do kinh doanh điện sẽ lại phân bổ vào giá điện sắp tới. Rốt cục, người dân sẽ phải chịu thiệt thòi nhất.
Xét cho cùng, Tổng công ty Khí hay Tập đoàn PVN đều là đơn vị doanh nghiệp Nhà nước, lợi nhuận có được dựa trên lợi thế khai thác tài nguyên quốc gia nên việc chia sẻ khó khăn, cùng gánh tránh nhiệm đảm bảo khí cho điện, cung ứng đủ điện cho quốc gia với EVN là điều cần phải làm.
Khi quyền lợi của hai ngành chồng chéo và xung đột nhau, Bộ Công Thương quản lý hai ngành điện, khí và năng lượng nói chung, đáng lẽ phải phát huy mạnh với vai trò là cơ quan điều phối năng lượng hiệu quả để có những quyết định mạnh mẽ trên lợi ích chung của xã hội. Tiếc rằng cho đến nay, vấn đề khí cho điện vẫn chưa có một ban điều tiết độc lập được thành lập, đề án nhập khí mới ở giai đoạn báo cáo khả thi và dường như chưa được quan tâm sát sao như câu chuyện cung ứng than cho điện.
Phạm Huyền
Diễn đàn kinh tế VN
|