EVN, xét từ góc độ doanh nghiệp nhà nước
Mấy tuần nay dư luận lại xôn xao về tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), bắt nguồn từ những thông tin về giá điện rục rịch tăng, về mức lương bình quân năm 2009 tới 7,3 triệu đồng/tháng nhưng lãnh đạo tập đoàn vẫn than “khó sống”. Chuyện này dẫn sang chuyện khác, mọi tật bệnh của EVN lại một lần nữa được phô bày và vẫn là những căn bệnh mãn tính.
Báo chí đã thông tin đầy đủ kèm những bình luận khá chuẩn xác về những yếu kém của EVN. Song, nếu chỉ xét EVN như một doanh nghiệp nói chung, mà không nhấn mạnh cái mác “Nhà nước” của nó, thì ý kiến vẫn là phiến diện. Nguyên nhân yếu kém của EVN có phần do lãnh đạo doanh nghiệp, có phần phải tìm trong cơ chế quản lý của Nhà nước.
Hiểu đúng nghĩa đen thì điện lực chính là động lực. Nền kinh tế hiện đang thiếu điện nghiêm trọng, có nghĩa là đang thiếu động lực. Nguyên nhân đã rõ: công suất phát điện (gồm cả chuyển tải) luôn không theo kịp nhu cầu của nền kinh tế và đời sống. Tình trạng này có phần trách nhiệm của EVN, cũng có phần của Nhà nước, bởi một mình EVN không thể làm được.
Kinh tế thị trường tạo ra hai nguồn đầu tư. Một là đầu tư của các đơn vị ngoài nhà nước, gồm cả đầu tư nước ngoài. Muốn thu hút nguồn này, Nhà nước phải có những chính sách hấp dẫn để thu hút đầu tư vào điện lực. Nguồn này hiện chưa khai thác được bao nhiêu, chứng tỏ chính sách chưa đủ hiệu lực. Hai là đầu tư của kinh tế nhà nước. Một khi đã coi kinh tế nhà nước là chủ đạo và EVN thuộc kinh tế nhà nước, thì phải giao cho nó nhiệm vụ và phương tiện tương ứng ở bất cứ khâu nào, nếu dân doanh (gồm cả nước ngoài) không đủ sức làm hoặc không muốn làm. Để làm được điều này, Nhà nước phải sử dụng quyền của chủ sở hữu để tái phân phối vốn trong nội bộ kinh tế nhà nước, tập trung vốn cho phát triển điện lực. Nhà nước hiện vẫn chưa làm được điều này.
Các tập đoàn kinh tế nhà nước dường như đang trong trạng thái của các “sứ quân”. Trong khi EVN bị phê phán đầu tư ra ngoài ngành, thì lại có tập đoàn đầu tư ngược vào điện lực. Trớ trêu là cuối cùng hai bên vẫn phải ngồi với nhau để thương thảo về giá mua bán điện, tuy cả hai đều có cùng một chủ là Nhà nước!
Nêu những tình tiết trên để thấy, không phải Nhà nước không có khả năng đáp ứng nhu cầu đầu tư của EVN(*), mà là do cơ chế tái phân phối vốn trong nội bộ kinh tế nhà nước chưa hình thành. Nhà nước chưa sử dụng tập trung quyền của người chủ sở hữu tối cao, bởi thế mà ngành “động lực” cứ lẽo đẽo chạy theo các ngành khác.
Điều EVN bị phàn nàn nhiều nhất là liên tục đòi tăng giá điện. Về mặt này, có thể chê trách EVN, do quản lý kinh doanh kém, giá thành cao không hợp lý. Nhưng hiện nay vẫn chưa có kết luận khách quan nào về giá thành và giá bán điện hợp lý. Các nhà nghiên cứu độc lập càng không có thông tin đủ để kết luận về giá thành điện hiện nay. Nhưng thực tế là EVN đang lỗ lớn, dù chỉ tính trong phạm vi kinh doanh điện. Dự án bù lỗ không thể không đặt ra. Nhưng trước khi bù lỗ thì phải giảm giá thành. Nếu giá thành cao do yếu kém không thể khắc phục của lãnh đạo EVN, thì phải thay lãnh đạo. Bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải làm như vậy, bởi không có chủ sở hữu nào chấp nhận tình trạng đồng vốn hụt đi mỗi ngày. Nhưng nếu giá thành cao không phải do năng lực lãnh đạo, thì phải bù lỗ bằng một trong hai biện pháp dưới đây, hoặc kết hợp cả hai: trợ giá và tăng giá điện.
Lâu nay các nhà hoạch định chính sách hầu như không quan tâm tới biện pháp trợ giá cho điện, mà cứ để cho EVN tự chèo chống. Cho nên lỗ năm sau chồng lên lỗ năm trước, và cứ lũy kế, biến thành nợ. Nợ không trả được thì cũng cứ tính gộp lại. Chủ nợ cũng là doanh nghiệp nhà nước mà! Cần thấy rằng biện pháp trợ giá đã từng được áp dụng ở nhiều nước trong những trường hợp cần duy trì những hoạt động quốc kế dân sinh không thể thiếu. Trợ giá xe buýt ở ta là một thí dụ.
Tuy nhiên, hướng cơ bản vẫn là nâng giá để tạo ra một mặt bằng giá tự nhiên của kinh tế thị trường. Giá điện ở nước ta đã bị ép thấp nhiều năm, cho nên việc nâng giá để khắc phục lỗ không hề đơn giản, mà phải đi từng bước trong một lộ trình được tính toán thận trọng. Tinh thần này thực tế đã thể hiện trong chủ trương của Chính phủ về việc từng bước chuyển giá một số mặt hàng quan trọng như điện, xăng dầu, than… sang cơ chế thị trường.
Cần thấy rằng giá là thuộc phạm trù phân phối. Trên một mặt bằng giá đều hình thành một mặt bằng thu nhập. Cho nên mỗi khi giá thay đổi, tương quan thu nhập giữa các ngành, các tầng lớp đều thay đổi theo. Vì vậy, đề án tăng giá điện phải dựa trên cơ sở giải bài toán chuyển dịch thu nhập liên ngành này và phải bảo đảm lộ trình tăng giá nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước để tránh những xáo trộn không mong muốn.
Những điều nêu trên cho thấy việc tăng giá điện không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là vấn đề xã hội. Cho nên để điều chỉnh giá điện, cần giải bài toán điều chỉnh thu nhập liên ngành.
Lê Văn Tứ
TBKTSG
|