Thứ Tư, 14/12/2011 10:25

Trung Quốc liên tục đổ tiền vào “sân sau” của Mỹ

Hôm qua (13/12), Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cho biết, Trung Quốc vừa thông qua một khoản tín dụng trị giá 4 tỷ USD cho nước này, tập trung vào dự án xây dựng hai triệu nhà ở cho người dân trong 7 năm tới.

Trung Quốc hiện là nhà cung cấp tài chính số một cho Venezuela. Theo thống kê, Bắc Kinh đã thông qua các khoản tín dụng lên đến 32 tỷ USD cho Caracas và toàn bộ sẽ được thanh toán bằng dầu mỏ.

Tổng thống Venezuela Hugo Chavez cho biết hồi cuối tháng 11 vừa qua rằng, kim ngạch thương mại song phương của Trung Quốc và Venezuela năm 2011 ước tính đạt 17 tỷ USD và được kỳ vọng đạt mức 20 tỷ USD năm 2012.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 5 Ủy ban Hỗn hợp song phương Trung Quốc-Venezuela diễn ra cũng trong cuối tháng 11, hai bên đã ký tới 9 thỏa thuận hợp tác trên các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, khoa học-kỹ thuật, công nghiệp, vũ trụ…

Nổi bật là thỏa thuận khoản vay hơn 6 tỷ USD Trung Quốc dành cho Venezuela để đầu tư vào các dự án dầu khí. Trong đó, 4 tỷ dành cho các dự án chung của công ty liên doanh Trung Quốc-Venezuela Sinovensa đang thăm dò dầu khí tại Dải Orinoco.

Khoản đầu tư này sẽ giúp dự án nâng mức sản xuất 118.000 thùng/ngày lên 1,1 triệu thùng/ngày trong năm 2014.

Hơn 2 tỷ USD còn lại đầu tư cho các hoạt động sản xuất, lọc dầu, vận tải và máy móc thiết bị, cùng với dự án xây dựng 3 nhà máy điện với tổng công suất 500MW. Venezuela sẽ hoàn nợ dần bằng cách cung 400.000 thùng dầu/ngày cho Trung Quốc.

Trên thực tế, Trung Quốc từ lâu đã đầu tư vào khu vực Mỹ Latin và đặc biệt là Venezuela. Khu vực này từng được xem là “sân sau” của Mỹ, nhưng vài năm gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đã ồ ạt nhảy vào thị trường hấp dẫn này, đặc biệt là lĩnh vực dầu khí.

Năm 2010, tổng đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào khu vực hơn 15 tỉ USD, tập trung phần lớn vào dầu khí Brazil, Peru. Brazil là nước thu hút nhiều nhà đầu tư Trung Quốc nhất và Bắc Kinh đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất với nước này.

Năm 2011, theo Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribbean (CEPAL), phần lớn trong tổng đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ Latin cũng sẽ tập trung vào các quốc gia có nguồn dầu khí lớn như Brazil, Argentina hay Peru…

Nhìn chung, trong gần mười năm qua Trung Quốc đã bỏ ra không ít tiền bạc để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giếng dầu, nâng cấp nhà máy lọc dầu và sản xuất gas ở Mỹ Latin. Bù lại, Trung Quốc đã nhận được hàng trăm nghìn thùng dầu mỗi ngày từ đây.

Sự có mặt ngày một lớn mạnh dần của Trung Quốc ở khu vực Mỹ Latin được giới chuyên gia mô tả là Mỹ đang dần mất bò trong chuồng của mình, và nếu Mỹ không lo vây chuồng lại kịp thời thì sớm muộn gì thị trường này sẽ về tay Trung Quốc.

Trong một báo cáo của Ủy ban Kinh tế Mỹ Latin và Caribbean (CEPAL), Tổng thư ký Alicia Barcena từng viết, “nguồn vốn từ Trung Quốc đổ vào khu vực Mỹ Latin ngày càng tăng, chủ yếu là khai thác mỏ, năng lượng và ngành công nghiệp xe hơi”.

Theo thống kê hồi giữa năm của CEPAL, Trung Quốc đã bỏ vào khu vực “sân sau” của Mỹ hàng chục tỷ USD, trong đó hơn 92% vào khai khoáng và 8% vào cơ sở hạ tầng. Tính đến nay, Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ và Hà Lan về tổng đầu tư vào khu vực này.

Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn thể hiện ý định quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ ở đây. Từ năm 2009, Argentina đã ký kết thỏa thuận trao đổi tiền tệ trị giá 10,76 tỷ USD bằng Nhân dân tệ, còn Brazil sẵn sàng dùng Nhân dân tệ trong thương mại với Trung Quốc.

Năm 2011, Peru đã trở thành nước đầu tiên ở châu Mỹ Latin mở tài khoản thanh toán thương mại bù trừ bằng đồng nhân dân tệ.

Đầu năm nay, ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc tuyên bố sẽ cùng ngân hàng Phát triển liên châu Mỹ (Inter-American Development Bank) thành lập quỹ sử dụng đồng nhân dân tệ để đầu tư trong khu vực và quỹ này trị giá đến 1 tỷ USD.

Mặc dù các thỏa thuận hợp tác giữa Trung Quốc và khu vực Mỹ Latin là theo hướng đôi bên cùng có lợi, theo dạng tiền đổi dầu hay tiền đổi hàng. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, mặt trái có thể là Mỹ Latin phải lệ thuộc vào hàng hóa từ Trung Quốc.

Cho tới nay, Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu nguyên liệu thô và xuất đi hàng đã chế biến. Về lâu dài, Mỹ Latin có nguy cơ phụ thuộc vào thành phẩm của Trung Quốc, và họ khó trở thành khu vực xuất khẩu sản phẩm chế biến giá trị gia tăng như mong đợi.

Theo ông Mauricio Cardenas, Giám đốc chương trình Mỹ Latin của Viện Brookings, cách thức nhập khẩu của Trung Quốc “chủ yếu là mỗi nước một sản phẩm”, chẳng hạn như mua đậu nành của Argentina, nhập khẩu đồng của Chile và thép của Brazil…

Tập đoàn Nomura chuyên phân tích, quản lý dịch vụ tài chính, ngân hàng và đầu tư từng cảnh báo về những rủi ro trong việc phát triển kinh tế phụ thuộc quá mức vào việc xuất khẩu nguyên liệu sang Trung Quốc.

Ngoài ra, việc Trung Quốc rất cần nguồn nguyên nhiên liệu để phục vụ nhu cầu tăng trưởng ngày một tăng cao, nên rất có khả năng trong vài năm nữa, khu vực Mỹ Latin có nguy cơ đối mặt với tình trạng bị cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Hồng Ngọc

tbktvn

Các tin tức khác

>   Dân Mỹ đổ xô ra nước ngoài tìm việc (11/12/2011)

>   Hàn Quốc giảm thuế giao dịch bất động sản (09/12/2011)

>   Mỹ yêu cầu WTO giải quyết tranh chấp với Trung Quốc (09/12/2011)

>   IATA: Năm 2012, hàng không sẽ khó khăn (08/12/2011)

>   Trung Quốc bi quan về xuất khẩu năm 2012 (07/12/2011)

>   Kinh doanh hàng không lỗ nhiều hơn lãi (06/12/2011)

>   Qatar và Shell xây dựng tổ hợp hóa dầu 6,4 tỷ USD (05/12/2011)

>   Cuộc chiến Airbus và Boeing vẫn chưa thể ngã ngũ (05/12/2011)

>   Trung Quốc tiếp tục siết bất động sản (05/12/2011)

>   "Cần sự cân bằng mới trong thương mại quốc tế" (04/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật