Dân Mỹ đổ xô ra nước ngoài tìm việc
Mỹ luôn là miền đất hứa đối với hầu hết cư dân trên toàn thế giới. Nhưng có một nghịch lý là hiện này người Mỹ đang tìm đường ra nước ngoài để sinh sống và làm việc.
|
Hiện nay có khoảng 6,3 triệu người Mỹ đang học tập và làm việc tại nước ngoài, mức cao nhất từ trước tới nay. |
Theo khảo sát của Gallup người dân tại 135 quốc gia, đối với họ, Mỹ là điểm đến lý tưởng để định cư. Tuy nhiên, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức gần 9%, giá cả leo thang, suy thoái kinh tế khiến các hộ gia đình phải thắt lưng buộc bụng, Mỹ đang dần trở nên kém hấp dẫn. Những doanh nhân trẻ của Mỹ cho rằng họ sẽ có nhiều cơ hội làm ăn hơn ở những nước như Brazil, Nga, Trung Quốc hay khu vực Mỹ Latinh.
Theo thống kê của Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện nay có khoảng 6,3 triệu người Mỹ đang học tập và làm việc tại nước ngoài, mức cao nhất từ trước tới nay.
Còn theo khảo sát của America Wave, trong vòng 2 năm qua, số người Mỹ trong độ tuổi 25 – 34 có kế hoạch di cư ra nước ngoài đã tăng gấp 5 lần, từ 1% lên 5,1%.
“Con số này nằm ngoài dự đoán của chúng tôi”, nhà sáng lập Bob Adams của America Wave cho biết, “Họ rời Mỹ để tìm kiếm việc làm tại các nước có triển vọng kinh tế tươi sáng hơn. Điều này cho thấy họ hoàn toàn mất niềm tin vào kinh tế Mỹ”.
Cũng theo kết quả khảo sát trên, những người Mỹ trong độ tuổi 18-24 thậm chí còn mong mỏi được di cư ra nước ngoài hơn, với 40% muốn định cư ở nước ngoài, tăng 15% so với năm 2009. “Giờ đây, có vẻ như đối với doanh nhân Mỹ, nếu muốn đạt được điều gì đó thì nhất định phải rời khỏi Mỹ, thoát khỏi môi trường kinh doanh ảm đạm. Họ như những người mất phương hướng và tìm đến những nơi hứa hẹn đem lại cho họ tương lai tươi sáng hơn”, Adams nhận xét.
Anh Matt Landau, 29 tuổi, tốt nghiệp Đại học Richmond cho biết đối với anh, “một nền kinh tế tốt hơn sẽ đem lại cuộc sống tốt hơn”. Đây cũng là tâm lý chung của hầu hết người trẻ Mỹ hiện nay. Trong khi bạn bè của anh đang cố hết sức để khỏi bị sa thải khỏi các công ty tài chính của Phố Wall, thì anh lập một blog đầu tư du lịch và mở một khách sạn nhỏ trong tại thành phố Panama (thủ đô của cộng hòa Panama). Giờ đây anh rất yêu thích cuộc sống tại Panama sau 6 năm định cư. “Tôi đã quá mệt mỏi với cuộc sống ngộp thở tại Mỹ. Và tôi không hối hận đã rời Mỹ đến đây”.
Hay như Derek Capo, sau khi rời Mỹ đến Trung Quốc, giờ đây anh cảm thấy rất hài lòng với cuộc sống của mình. Từng là chuyên gia phân tích tại Everest Capital, và có cuộc sống khá giả tại thành phố Miami (bang Florida), tuy nhiên, nản lòng trước tình hình bong bóng nhà đất, chứng khoán bất ổn và không muốn theo học lấy bằng MBA trong bối cảnh khủng hoảng này (điều mà nhiều người Mỹ vẫn làm), năm 2007, anh đã quyết định rời Mỹ. Giờ đây, Capo là chủ của công ty Next Step China, công ty chuyên cũng cấp các chương trình học tiếng Trung, sắp xếp cơ hội việc làm cho người nước ngoài đến Trung Quốc giảng dạy, và cho các thực tập viên và sinh viên tại Trung Quốc.
Ngọc Trang (Theo CNBC)
DÂN TRÍ
|