Thống đốc và gánh nặng 'ném chuột không được vỡ bình'
Hơn lúc nào hết, người điều hành chính sách tiền tệ quốc gia hiện đang phải lãnh một sứ mệnh hết sức lớn lao.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình dường như là người giữ trách nhiệm nặng nề nhất trong quá trình thực hiện chương trình tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ, tập trung vào ba trụ cột là đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại. Khác với người đồng cấp ở Bộ Kế hoạch và Đầu tư với nhiệm vụ tái cơ cấu đầu tư công; hay ở Bộ Tài chính là với doanh nghiệp nhà nước - hai lĩnh vực tài chính hoàn toàn của Nhà nước - Thống đốc Bình sẽ phải can thiệp vào hệ thống huyết mạch của nền kinh tế, nơi thị phần của doanh nghiệp nhà nước đã bị khu vực tư nhân vượt qua. Hiện tại, hệ thống ngân hàng thương mại quốc doanh chỉ còn nắm giữ 48% thị phần, trong khi 52% còn lại thuộc về các ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh. Với cơ cấu như vậy, Thống đốc Bình sẽ "can thiệp" thế nào? Đó câu hỏi khó, như chính ông từng thừa nhận: "Một bên là nhà nước, một bên là thị trường, là nhóm lợi ích. Bây giờ lực lượng kinh tế tư nhân rất lớn. Vậy cái không phải của mình, mà mình đòi hỏi tái cơ cấu là vô cùng khó khăn".
Ba ngân hàng Sài Gòn, Đệ Nhất và Việt Nam Tín Nghĩa đã được hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đã "buộc" phải tiến hành IPO trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở trong giai đoạn cực kỳ khó khăn. Bên cạnh đó, NHNN đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các ngân hàng thương mại, hay ban hành các văn bản mới về các tiêu chuẩn quản trị mới. Những động thái đó cho thấy những dấu hiệu đầu tiên của một chương trình làm lành mạnh hóa lại hệ thống này đã bắt đầu. Cho dù đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại chưa hoàn thành, song những nét chính của nó đã được chính Thống đốc phác thảo. Nguyên tắc cơ bản của nó, theo Thống đốc Bình, là "ném chuột không được vỡ bình", có nghĩa không một ngân hàng thương mại nào được phép phá sản. Trong năm 2012, NHNN sẽ dứt khoát xử lý các ngân hàng yếu kém. Năm tiếp theo, các ngân hàng thương mại phải "tự nguyện" sáp nhập để tăng quy mô và chất lượng. Đến 2015, dự kiến 12-15 ngân hàng thương mại sẽ chi phối tới 80% thị phần. Vào giai đoạn này, hi vọng sẽ có 1-2 ngân hàng có vốn khoảng 50 tỉ đô la Mỹ, đạt tầm cỡ khu vực. Trên thực tế, chương trình tái cơ cấu ngân hàng sẽ còn kéo dài trong cả thập kỷ.
Nhưng với giới nghiên cứu, sẽ cần thêm rất nhiều biện pháp khác để Ngân hàng Nhà nước triển khai đề án này. Thiếu minh bạch thông tin là một trong những điểm yếu kém nhất hiện nay. Ông Sameer Goyal, điều phối viên khu vực tài chính và tư nhân của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nói: "Tính minh bạch và công bố thông tin là rất quan trọng khi tái cấu trúc, nhưng hiện nay lại rất hạn chế".
Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, nợ xấu của toàn hệ thống khoảng 74 ngàn tỷ đồng, chiếm trên 19% vốn chủ sở hữu toàn ngành, trong đó nợ có nguy cơ mất vốn và nợ không có khả năng thu hồi (nhóm 4 và 5) đã chiếm khoảng 10% vốn chủ sở hữu của các tổ chức tín dụng tính đến cuối tháng 6 năm nay. Trong khi đó, một nguồn tin từ cơ quan chức năng lại cho biết, các tổ chức tín dụng báo cáo đến cuối tháng 10 vừa qua nợ xấu của toàn hệ thống là 85.300 tỷ đồng, chiếm 3,39% tổng dư nợ cho nền kinh tế. Tuy nhiên, con số này không mấy khi được công bố. Rõ ràng, những số liệu nợ xấu nêu trên chưa phản ánh đúng thực chất rủi ro tín dụng của các tổ chức tín dụng do tiêu chuẩn phân loại nợ hiện nay của Việt Nam còn bất cập, và các tổ chức tín dụng thường không phân loại nợ đúng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Liên quan đến nợ xấu, gần đây tổ chức định mức tín nhiệm quốc tế Fitch nhận định mức nợ xấu theo báo cáo của các tổ chức tín dụng thấp hơn mức thực tế. Đó là chưa kể sự thiếu tường minh trong các báo cáo tài chính, đặc biệt là tình hình dư nợ bất động sản thực tế có thể cao hơn so với báo cáo, do các tổ chức tín dụng đã cho vay dưới hình thức trái phiếu doanh nghiệp, đảo nợ thông qua ủy thác đầu tư... Trước thực trạng thị trường bất động sản đóng băng, nợ xấu từ khu vực này được đánh giá có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tính đến nay, dư nợ của hệ thống ngân hàng bằng 116% GDP, trong khi tổng tài sản bằng khoảng 2,5 lần GDP của Việt Nam. Lộ trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã dần lộ diện, song sẽ còn rất nhiều việc phải làm, mà minh bạch thông tin chỉ là một ví dụ. Trách nhiệm của Thống đốc sẽ là rất nặng nề và không chỉ kéo dài đến hết nhiệm kỳ này.
Vũ Minh
diễn đàn doanh nghiệp
|