Thứ Sáu, 30/12/2011 06:15

Nguồn lực lớn từ kiều hối

Tổng kiều hối gửi về nước liên tục gia tăng trong những năm gần đây và dự kiến sẽ còn tăng vào các năm tới.

Kiều hối - không chỉ là tiền

Lượng kiều hối bao gồm 2 khoản tiền chủ yếu gửi từ nước ngoài về Việt Nam, đó là tiền từ Việt kiều và  tiền do người lao động làm việc ở trên 40 nước và lãnh thổ gửi về cho gia đình và người thân ở trong nước.

Có một số điểm đáng chú ý liên quan đến kiều hối.

Thứ nhất, tính từ năm 1993, lượng kiều hối gửi về Việt Nam bắt đầu có số lượng đáng kể, song phải từ năm 1999 đến nay mới đạt quy mô khá và tăng liên tục. Năm 2011, cho dù nền kinh tế thế giới chưa ra khỏi cơn suy thoái, nhưng lượng kiều hối về Việt Nam vẫn đạt 9 tỷ USD, lớn nhất từ trước tới nay. Như vậy, Việt Nam hiện đứng thứ 8 trong số các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới có lượng kiều hối lớn.

Thứ hai, tính từ năm 1993 đến nay, tổng cộng lượng kiều hối gửi về Việt Nam đã lên tới 63,5 tỷ USD. Đó là lượng ngoại tệ khá lớn khi so sánh với các nguồn ngoại tệ khác.

Cụ thể, từ năm 1993 đến nay, lượng kiều hối so với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân hàng năm bằng 6,9%, trong đó năm 2007 đạt mức cao nhất là 9,4%.

Từ năm 1993 đến nay, lượng kiều hối gửi về Việt Nam so với lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện trong thời gian tương ứng đạt 72%, trong đó có những năm lượng kiều hối còn lớn hơn vốn FDI thực hiện. Chẳng hạn, như năm 2003, kiều hối là 2,657 tỷ USD, so với 2,650 tỷ USD vốn FDI thực hiện, bằng 100,3%;  năm 2004 là 3,2 tỷ USD so với 2,853 tỷ USD, bằng 112,2%; năm 2005 là 3,8 tỷ  USD so với 3,309 tỷ USD, bằng 114,8% và năm 2006 là 5,2 tỷ USD so với 4,1 triệu USD, bằng 126,8%.

Cùng trong thời gian trên, lượng kiều hối gửi về Việt Nam so với lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) giải ngân cao gấp 2 lần, trong đó có 7 năm còn lớn hơn hệ số trên, cao nhất là 3,6 lần vào năm 2008, 3,1 lần vào năm 2007, 2,9 lần vào năm 2006; 2,4 - 2,5 lần vào các năm 2009, 2010 và 2011.

Thứ ba, lượng kiều hối gửi về Việt Nam lớn và tăng lên đã góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam, tăng dự trữ ngoại tệ, giảm áp lực tăng tỷ giá. Nhờ có lượng ngoại tệ từ nước ngoài gửi về mà nhiều gia đình, nhất là ở khu vực nông thôn đã cải thiện được điều kiện sinh hoạt, mở lối làm ăn mới…

Thứ tư, lượng kiều hối gửi về Việt Nam, vừa là một nguồn lực quý, vừa thể hiện tình cảm của kiều bào, của lao động làm việc ở nước ngoài đối với người thân, đất nước và thông qua đó góp phần tăng cường quan hệ giữa trong nước và ngoài nước.

Sẽ tiếp tục gia tăng

Lượng kiều hối có quy mô lớn và gia tăng chuyển về Việt Nam do nhiều nguyên nhân. Ở đây, xin nêu một số nguyên nhân chủ yếu.

Việt Nam có trên 3 triệu kiều bào ở nước ngoài,  phần đông ở các nước phát triển, có thu nhập bình quân đầu người cao, có một bộ phận nhờ có chí hướng, cần cù, có trí tuệ làm ăn phát đạt và nặng lòng với người thân, với quê hương, đất nước.

Việt Nam cũng có trên 400.000 lao động làm việc ở 40 nước và vùng lãnh thổ. Theo tính toán sơ bộ, tổng số tiền mà số lao động này trong một vài năm gần đây gửi về lên đến trên dưới 1,8 tỷ USD/năm (bình quân 1 lao động gửi về trên dưới 4.500 USD/năm).

Có nguyên nhân quan trọng là sự đổi mới của đất nước và sự thông thoáng, cởi mở của chính sách đối với kiều hối. Sự cởi mở, thông thoáng này được thể hiện trên nhiều điểm, trong đó có một số điểm đáng lưu ý. Nhà nước cho phép nhận ngoại tệ tiền mặt hoặc mở tài khoản ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại; phí chuyển tiền được quy định ở mức khá thấp, chỉ bằng 0,05% tổng số tiền chuyển về; không hạn chế số ngoại tệ chuyển về; người nhận kiều hối không phải chịu thuế thu nhập...

Có nguyên nhân do các ngân hàng thương mại, bưu điện, công ty dịch vụ kiều hối phát triển nhanh chóng, hoạt động hiệu quả, tạo thuận tiện cho người nhận kiều hối. Trong đó, nổi lên một số đơn vị có doanh số lớn, như Vietcombank, Công ty Kiều hối của Ngân hàng TMCP Đông Á, Công ty Kiều hối Sacomrex thuộc Sacombank... Các ngân hàng có mạng lưới chi trả kiều hối rộng khắp; thủ tục đơn giản, khuyến mãi hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng chuyển và nhận kiều hối, thời gian nhanh, có thể nhận tại nhà…

Có nguyên nhân do “cánh kéo” tỷ giá và chênh lệch lãi suất giữa nội tệ và ngoại tệ. “Cánh kéo tỷ giá” là chênh lệch giữa tỷ giá hối đoái thực tế và tỷ giá sức mua tương đương, mặc dù đã giảm xuống so với những năm trước, nhưng vẫn còn rất lớn, ước tính vào khoảng 3 lần - tức là 1 USD tại Việt Nam có sức mua cao gấp 3 lần ở Mỹ. Lãi suất gửi tiết kiệm của nội tệ hiện cao gấp nhiều lần so với lãi suất huy động ngoại tệ; nếu cộng với sự biến động tỷ giá, chênh lệch vẫn còn rất hấp dẫn đối với việc gửi ngoại tệ về nước để đổi ra tiền đồng gửi tiết kiệm.

Vấn đề quan trọng hiện nay trong việc thu hút kiều hối là, khuyến khích người nhận kiều hối bán ngoại tệ cho ngân hàng thương mại lấy tiền đồng gửi tiết kiệm; hoặc đầu tư trực tiếp vào sản xuất - kinh doanh để tránh tình trạng đô la hoá ở Việt Nam.

Đào Ngọc Lâm

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Thống đốc: Tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm về tổn thất (29/12/2011)

>   Giá USD ổn định - một thành công của chính sách điều hành tỷ giá (29/12/2011)

>   Treo thưởng Vespa, iPad cho nhân viên huy động vốn (29/12/2011)

>   Cuối 2015, tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán thấp hơn 11% (29/12/2011)

>   Nhà băng Việt: Quota, 'kẽ hở' và sự minh bạch (29/12/2011)

>   Ngân hàng 2012: Khác biệt hay là chết! (29/12/2011)

>   Thị trường tài chính: Góc khuất những con số (28/12/2011)

>   Lãi suất huy động vàng lên 4,35% một năm (28/12/2011)

>   SCB đủ điều kiện cung ứng dịch vụ ngoại hối (28/12/2011)

>   Nhận diện Tập đoàn Tài chính - ngân hàng  (28/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật