Cuối 2015, tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán thấp hơn 11%
Ngày 27/12, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015.
Theo đó, mục tiêu tổng quát của Đề án là đa dạng hóa dịch vụ thanh toán, phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thanh toán điện tử, chú trọng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong khu vực nông thôn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thanh toán của nền kinh tế, giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt về tập quán thanh toán trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng và hiệu quả quản lý nhà nước.
Về mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến cuối năm 2015, tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 11%; tăng mạnh số người dân được tiếp cận các dịch vụ thanh toán, nâng tỷ lệ người dân có tài khoản tại ngân hàng lên mức 35 – 40% dân số; thực hiện mục tiêu của Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2011-2015.
Bên cạnh đó, sẽ phát triển dịch vụ thanh toán thẻ, trọng tâm là phát triển thanh toán qua điểm chấp nhận thẻ. Đến năm 2015, toàn thị trường có khoảng 250.000 thiết bị chấp nhận thẻ được lắp đặt với số lượng giao dịch đạt khoảng 200 triệu giao dịch/năm; áp dụng một số hình thức thanh toán mới, phù hợp với điều kiện của khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Đề án cũng đã xác định ba nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn 2011-2015, đó là:
(i) Phát triển thanh toán điện tử với nhiều sản phẩm, dịch vụ mới, đa dạng, an toàn, thuận tiện; trong đó trọng tâm là phát triển thanh toán qua điểm chấp nhận thẻ để giảm thanh toán bằng tiền mặt, tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong bộ phận lớn dân cư.
(ii) Lựa chọn áp dụng một số mô hình thanh toán phù hợp với Việt Nam để xây dựng nền tảng, tạo bước phát triển hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực nông thôn, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.
(iii) Đồng thời, tăng cường quản lý thanh toán bằng tiền mặt, giảm sử dụng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán.
Để hoàn thành được các mục tiêu và nhiệm vụ trên, Đề án đã đưa ra 5 nhóm giải pháp sẽ được triển khai trong giai đoạn 2011-2015. Các nhóm giải pháp này bao gồm: Giải pháp về bổ sung, hoàn thiện đồng bộ khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách; giải pháp về nâng cao chất lượng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật; Giải pháp về đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ thanh toán, ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, hiện đại; Giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn trong toàn xã hội; và các giải pháp hỗ trợ.
Trong các giải pháp trên, đáng chú ý là các nội dung: Tập trung phát triển thanh toán thẻ qua điểm chấp nhận thẻ bằng các biện pháp đồng bộ để việc sử dụng thẻ thanh toán được thuận tiện và trở thành thói quen; phát triển và ứng dụng các sản phẩm thẻ phục vụ chi tiêu công vụ của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; Tiếp tục mở rộng việc trả lương qua tài khoản đối với những đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước phù hợp với khả năng cơ sở hạ tầng thanh toán; nâng cao hơn nữa chất lượng dịch vụ trả lương qua tài khoản và các dịch vụ đi kèm; vận động, khuyến khích cán bộ, công chức thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt thông qua tài khoản; Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển các loại thẻ đa dụng, đa năng (để thu phí cầu đường, mua xăng dầu, mua vé xe buýt, đi taxi, chi trả bảo hiểm xã hội…); phát triển các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thanh toán các loại cước, phí định kỳ (điện, nước, điện thoại...).
Theo đó, Các Bộ, ngành, địa phương liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện; báo cáo kết quả thực hiện gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (trước ngày 15/12 hàng năm) để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
sbv
|