Mạnh tay với mua bán ngoại tệ trái phép
Mạnh tay xử phạt các hành vi mua bán ngoại tệ trái phép nhưng nguồn cung không đủ, nghịch lý này đang đẩy nhiều người dân trước rủi ro khi có nhu cầu ngoại tệ chính đáng.
Mập mờ hành vi
UBND TP.HCM vừa có quyết định xử phạt hành chính bà Lê Thị Lan - chủ cửa hàng kinh doanh vàng Mỹ Hồng - Mỹ Dung (365A Tô Ngọc Vân, KP.2, P.Linh Đông, Q.Thủ Đức, TP.HCM) số tiền 400 triệu đồng về hành vi hoạt động ngoại hối mà không được cấp giấy phép. Đây là mức phạt cao nhất từ trước đến nay trên địa bàn TP đối với hành vi này. Nhưng so với việc Bộ Công an tịch thu toàn bộ 500.000 USD và 10,63 tỉ đồng trong vụ bắt quả tang mua bán ngoại tệ trái phép tại TP.HCM thì mức phạt trên chẳng thấm tháp gì. Ngoài việc tịch thu tang vật nói trên, cơ quan chức năng còn quyết định xử phạt hành chính người mua bán ngoại tệ trái phép mỗi bên 75 triệu đồng.
Kiểm tra việc niêm yết, thanh toán bằng ngoại tệ
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết: “Mặc dù đã có phổ biến về không được niêm yết, thanh toán bằng ngoại tệ nhưng nhiều đơn vị hiện nay vẫn làm. Sắp tới, các đoàn kiểm tra sẽ thực hiện kiểm tra các công ty bất động sản, trường học... về vấn đề này”. |
Tuy nhiên, từ 2 vụ xử phạt này, dư luận đang đặt câu hỏi về ranh giới xác định xử phạt giữa 2 hành vi “mua bán ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật” và “hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép”. Theo quy định, hành vi “mua bán ngoại tệ trái phép” sẽ bị tịch thu tang vật, xử phạt hành chính từ 50 - 100 triệu đồng. Còn hành vi “hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép” chỉ bị xử phạt từ 300 - 500 triệu đồng, không tịch thu tang vật. Mức xử phạt có độ chênh lớn nhưng ranh giới giữa 2 hành vi này khá mơ hồ. Đặt trường hợp công an phát hiện một người mang 1.000 USD đến bán cho tiệm vàng không được phép đổi ngoại tệ. Nếu xác định hành vi của người mua (tiệm vàng) là “hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép” thì bị xử phạt từ 300 - 500 triệu đồng. Còn nếu xác định là hành vi mua ngoại tệ trái pháp luật thì ngoài việc tịch thu số tiền đồng là tang vật hơn 21 triệu đồng và bị xử phạt hành chính từ 50 - 100 triệu đồng, thấp hơn mức phạt trên rất nhiều. Nhưng nếu số tiền bị phát hiện lên đến hàng trăm ngàn USD, thì mức phạt lại “đảo chiều”. Rõ ràng, "quy" về hành vi nào để xử phạt trong trường hợp trên đều đúng, trong khi mức phạt thì chênh lệch lớn. Điều này rất dễ dẫn đến tiêu cực trong việc xử lý, xử phạt. Vì vậy, theo một chuyên gia tài chính, cần có quy định rõ hơn đối với 2 hành vi này để dễ xác định hành vi cũng như hạn chế tiêu cực.
Mạnh tay nhưng yếu cung
Chỉ trong tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cũng đã thực hiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đại lý đổi ngoại tệ của một tổ chức kinh tế do thời gian qua đại lý này hoạt động không hiệu quả (không đáp ứng được số ngoại tệ tối thiểu phải bán cho tổ chức tín dụng ủy nhiệm theo quy định trong hợp đồng đại lý đổi ngoại tệ). Đây là giấy phép thứ 4 bị NHNN thu hồi từ đầu năm tới nay. Ngoài ra, NHNN chi nhánh TP.HCM cũng tiến hành kiểm tra 30 đại lý, trong đó kiểm tra đột xuất 6 đại lý đổi ngoại tệ là tổ chức kinh doanh vàng và đã đình chỉ hoạt động từ 3 - 6 tháng hai đại lý do vi phạm quy chế đại lý đổi ngoại tệ.
|
Người dân khi có nhu cầu đến mua ngoại tệ tại ngân hàng không dễ |
Từ đầu năm 2011 đến nay, Công an TP.HCM cũng phát hiện tổng cộng 55 vụ mua bán ngoại tệ trái phép, xử phạt gần 3,5 tỉ đồng. Ngoài ra, Chi cục QLTT TP.HCM cũng phát hiện 63 vụ niêm yết giá cả hàng hóa dịch vụ bằng ngoại tệ và đã xử phạt hành chính 61 vụ với số tiền phạt hơn 1,5 tỉ đồng.
Cuối năm là dịp các cơ quan có thẩm quyền ráo riết và mạnh tay trong việc kiểm tra, xử lý hoạt động mua bán ngoại tệ trái phép. Tuy nhiên, hiệu quả của việc này chưa cao, lý do chủ yếu là nguồn cung ngoại tệ cho các nhu cầu chính đáng không được đáp ứng đầy đủ. Đây cũng là nguyên nhân khiến thị trường ngoại tệ tự do tồn tại và phát triển mạnh mẽ lâu nay. Nhiều người có con du học, chữa bệnh hay đi du lịch nước ngoài không thể mua ngoại tệ ở ngân hàng nên đành phải ra... tiệm vàng. Vì vậy, việc mạnh tay xử lý giao dịch ngoại tệ trái phép khiến họ hoang mang.
Theo giới chuyên gia, muốn dẹp giao dịch ngoại tệ trái phép, phải đảm bảo được nguồn cung ngoại tệ cho các nhu cầu chính đáng. Phải có quy định bắt buộc ngân hàng bán ngoại tệ cho các nhu cầu này. Còn mạnh tay xử lý trong khi cung thiếu thì chẳng khác nào nhà nước "ép" dân ra thị trường tự do mua ngoại tệ để gặp rủi ro nếu bị phát hiện.
Thanh Xuân
THANH NIÊN
|