Nhà băng Việt: Quota, 'kẽ hở' và sự minh bạch
Năm 2012, NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo 4 nhóm tổ chức tín dụng. Liệu có xảy ra tình trạng "chạy" quota như các ngành khác?
Tăng trưởng tín dụng thấp: Thành công hay thất bại?
Với mức tăng trưởng 12% trong năm nay, tín dụng đã đánh dấu một mốc "đặc biệt" trong suốt 15 - 20 năm qua. Vì trung bình trong giai đoạn 10 năm (2000 - 2011) tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đạt 29,4%/năm; 5 năm trở lại đây con số này là 33,5%/năm. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, đó là sự hy sinh là "thắt lưng buộc bụng" của ngành ngân hàng trong năm qua.
Song thực tế là trong khi một số ít ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) có tỷ lệ tín dụng tăng quá mức trần 20% thì nhiều NHTM lớn, dù đã rất cố gắng, lại không thể hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch này. Năm nay các NHTM nhà nước, nhưng có mức tăng trưởng tín dụng khá thấp, chỉ hơn 10%. Khối các NHTMCP lớn chiếm khoảng 35% thị phần, tăng trưởng ở mức gần 9%. Còn lại là khối các NHTMCP nhỏ, chiếm gần 14% thị phần. Không khó để giải thích điều này.
Thứ nhất, những NHTM vượt chỉ tiêu 20% là những ngân hàng nhỏ, rất nhỏ, ngân hàng mới. Họ phải tăng vốn điều lệ theo yêu cầu của NHNN. Nếu không đẩy tăng trưởng tín dụng lên, họ lấy gì trả lợi tức cho cổ đông? Tuy nhiên, mức tăng 20% hay thậm chí 100% của những ngân hàng này cũng chẳng ăn thua gì so với mức tăng dù nhỏ bé của những NHTM lớn.
Thứ hai, ngay từ đầu năm, NHNN đã ra quy định khống chế tỷ lệ tín dụng phi sản xuất đến tháng 6/2011 là 22%, và cuối năm là 16% tổng dư nợ, nên các NHTM không thể đẩy mạnh cho vay vào các lĩnh vực vốn mang lại siêu lợi nhuận cho họ như mọi năm. Trong điều kiện thị trường như năm nay, làm gì ra mức lợi nhuận để trả lãi vay 20%/năm? Cộng thêm việc thị trường bất động sản "bất động"; chứng khoán "đỏ lòe" cả năm… ai dám vay, vay làm gì? Tháng 11, khi tín dụng tăng quá thấp, NHNN đã "nới" dây trói bằng văn bản số 8844/NHNN-CSTT, đưa 4 đối tượng ra khỏi danh sách phi tín dụng, nhưng không thể tạo đột biến cho tín dụng, mà chỉ giúp các NHTM giảm tỷ lệ cho vay phi sản xuất, nhằm thoát khỏi xử phạt của NHNN (6 tháng đầu năm, có không ít NHTM vi phạm trần tỷ lệ cho vay phi sản xuất 22%, nhưng NHNN đã không "nói" gì!?).
Thứ ba, NHNN áp mức trần lãi suất huy động 14%/năm và xử phạt nặng những NHTM nào dám vượt trần này. Trong khi đó lạm phát tăng cao, VND mất giá, khiến huy động vốn của các NHTM sụt giảm nghiêm trọng. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận con số ngân hàng yếu kém, rất khó khăn về thanh khoản là 8 NHTM. Nếu không huy động được, ngân hàng lấy gì cho vay ra? Do đó, tín dụng không thể tăng nhiều được là điều dễ hiểu.
"Chạy" nhóm, chạy quota bằng "cửa lớn"?
Năm 2012, Chính phủ đồng ý tăng trưởng tín dụng toàn ngành ở mức 15-17%. Mức tăng này sẽ tính cả phần các NHTM mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành lần đầu. NHNN sẽ giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng theo các nhóm trên cơ sở xếp loại TCTD của cơ quan Thanh tra giám sát NHNN. Việc phân chia theo nguyên tắc, TCTD hoạt động tốt, mức tăng trưởng tín dụng cao hơn. Sẽ có 4 nhóm TCTD gồm: nhóm hoạt động lành mạnh (loại A); nhóm hoạt động trung bình (loại B); nhóm hoạt động dưới trung bình (loại C); và nhóm các TCTD hoạt động yếu kém. Sau khi phân nhóm để giao chỉ tiêu, NHNN sẽ giao TCTD xây dựng kế hoạch và kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm và từng quý trong năm 2012. Như vậy vấn đề mấu chốt ở đây là các NHTM phải lường trước được mình sẽ thuộc nhóm nào: A, B hay C để còn liệu!
Việc đánh giá, xếp hạng các TCTD được NHNN tiến hành hàng năm, nhưng chưa bao giờ được công bố công khai. Còn nhớ, năm 2009, khi lần đầu tiên, một công ty tư nhân là Vietnam Credit công bố Báo cáo xếp hạng tất cả ngân hàng Việt Nam. Bản công bố này đã gây "sốc" khi chỉ có duy nhất NHTMCP Á Châu xếp ở mức A (A: mức độ rủi ro trong giao dịch với các doanh nghiệp này rất thấp, tuy nhiên chịu ảnh hưởng của những thay đổi hoàn cảnh và môi trường kinh tế); còn lại đa số là BBB: mức độ an toàn tương đối tốt, môi trường kinh tế và các thay đổi bất lợi có thể gia tăng mức độ rủi ro lớn… Và một NHTM (Việt Hoa) xếp loại D: doanh nghiệp đã thực sự vỡ nợ. Tất nhiên, từ ngày đó đến giờ, hệ thống NHTM đã có quá nhiều thay đổi. Hiện NHNN chưa đưa ra tiêu chí cụ thể cho việc xếp nhóm. Nhưng có lẽ sẽ không ngoài các chỉ số cơ bản như: tỷ lệ thu nhập lãi ròng cận biên (NIM); tỷ lệ sinh lời/tổng tài sản (ROA); tỷ lệ lời/vốn chủ sở hữu (ROE)…
Theo tổ chức xếp hạng Moody’s, thách thức lớn nhất của hệ thống ngân hàng Việt Nam là sự kém minh bạch dẫn đến không thể đánh giá đầy đủ sự bất ổn của hệ thống. Bên cạnh đó, một quy trình phân loại nợ lỏng lẻo đã dẫn đến việc trích lập dự phòng ít hơn, khiến lợi nhuận của ngân hàng cao hơn thực tế. Nhận định này của Moody’s hoàn toàn có cơ sở. Ví dụ, việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD Việt Nam hiện vẫn được thực hiện theo Quyết định 493/QĐ-NHNN, ban hành từ năm 2005. Cho đến nay, đây vẫn là văn bản pháp lý cơ bản trong việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro của các TCTD. Theo quyết định này, phân loại nợ của TCTD có hai cách: theo điều 6 - định lượng; và điều 7- định tính. Hiện nay mới chỉ có 3/37 TCTD tiến hành phân loại nợ theo điều 7. Sự khác biệt giữa điều 6 và điều 7 rất lớn. Có thể hình dung: năm 2006, nếu phân loại nợ theo điều 6, nợ xấu của BIDV là 3,2%, nhưng theo điều 7 thì tăng gấp 3 lần, lên 9,1%. Sự khác biệt quá lớn giữa điều 7 và điều 6 sẽ tạo ra không phải chỉ "kẽ hở" mà là "cửa lớn" cho các TCTD khi muốn chạy "nhóm" để từ đó chạy quota tăng trưởng tín dụng...
Trở lại chuyện mới đây, tài liệu phát cho hàng trăm đại biểu dự hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2012 được đóng dấu "Mật". Tuy phóng viên dự hội nghị không được phát tài liệu Mật, nhưng do lãnh đạo ngành phát biểu lại toàn đọc từ báo cáo, nên hôm sau, mỗi báo trích đăng một kiểu từ chính tài liệu "Mật" đó…Thế nên, việc công khai, minh bạch của ngành Ngân hàng xem ra còn phải cải tiến nhiều!
Ngân Hà
diễn đàn doanh nghiệp
|