Thống đốc: Tổ chức tín dụng phải chịu trách nhiệm về tổn thất
|
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, phải khuyến khích được sự tham gia của khu vực tư nhân vào quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. |
Trong quá trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), Chính phủ và NHNN không bao cấp cho bất kỳ tổ chức nào. Chủ sở hữu TCTD phải chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng về những tổn thất xảy ra. Đó là quan điểm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Văn Bình khi trả lời phỏng vấn báo chí qua thư điện tử.
Ông Bình cho biết, trong quá trình tái cơ cấu TCTD, NHNN khuyến khích sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện. Để bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống, một số TCTD có mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn cao sẽ được áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt theo quy định của pháp luật.
Các TCTD sẽ được đánh giá, phân loại thành các nhóm: lành mạnh, thiếu thanh khoản tạm thời và yếu kém. Các TCTD yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn hệ thống, được ưu tiên tái cơ cấu để trở lại thị trường hoạt động theo các chuẩn mực, quy định của pháp luật. Nếu không thể phục hồi được, thì kiên quyết đưa ra khỏi thị trường một cách có trật tự. TCTD tạm thời thiếu thanh khoản sẽ được NHNN hỗ trợ để phục hồi, đồng thời phải chấn chỉnh, củng cố để hoạt động lành mạnh, an toàn hơn.
Trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD, đặc biệt là xử lý những TCTD yếu kém, các ngân hàng thương mại nhà nước và các ngân hàng thương mại cổ phần lành mạnh sẽ là lực lượng chủ lực tham gia tích cực với sự hỗ trợ thích hợp của Chính phủ và NHNN về cơ chế, chính sách và nguồn lực để thực hiện. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa Chính phủ và NHNN bao cấp toàn bộ cho việc cơ cấu lại TCTD. Tổn thất và chi phí trong quá trình xử lý yếu kém của hệ thống các TCTD cần phải được chia sẻ hợp lý giữa các bên có liên quan theo quy định của pháp luật (Nhà nước, chủ sở hữu, nhà đầu tư và người gửi tiền). Trong đó, chủ sở hữu TCTD phải chịu trách nhiệm đầu tiên và cuối cùng về những tổn thất xảy ra.
Các hoạt động kinh doanh chính của TCTD sẽ được củng cố và phát triển, đồng thời giảm các lĩnh vực kinh doanh nhiều rủi ro, kém hiệu quả. Tập trung tín dụng vào phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, sản xuất – chế biến, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Từng bước chuyển dịch mô hình kinh doanh của các NHTM theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp củng cố, chấn chỉnh và cơ cấu lại các TCTD để đến năm 2015 hệ thống các TCTD Việt Nam được lành mạnh hóa một bước quan trọng về tài chính và hoạt động, giảm bớt số lượng TCTD nhỏ, yếu kém và hình thành một số ngân hàng thương mại có quy mô lớn hơn, có khả năng cạnh tranh mạnh hơn, đặc biệt tăng cường được quy mô và vị trí chi phối của các ngân hàng thương mại nhà nước trong hệ thống ngân hàng".
Thời gian qua, năng lực tài chính và quy mô hoạt động của các TCTD tăng nhanh. Tín dụng ngân hàng trở thành nguồn vốn quan trọng cho hệ thống doanh nghiệp và nền kinh tế.
Song, cùng với sự phát triển nhanh về quy mô, các TCTD hiện nay đang tiềm ẩn những yếu kém, rủi ro. Hệ thống các TCTD tiềm ẩn rủi ro tín dụng và rủi ro thanh khoản khá cao, tính ổn định, hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh chưa cao.
Nguyên nhân của những yếu kém này xuất phát từ những yếu tố khách quan (kinh tế vĩ mô trong nước, ngoài nước kém ổn định, hệ thống doanh nghiệp nhiều yếu kém, khuôn khổ thể chế còn bất cập,…) và yếu tố chủ quan (năng lực quản trị, điều hành, tài chính, trình độ cán bộ và công nghệ nhiều hạn chế,…).
Hồng Phúc (ghi)
TBKTSG Online
|