Thứ Tư, 07/12/2011 15:52

Thị trường hàng hóa cuối năm: Khó tăng giá

Trong bối cảnh kinh tế thế giới bất ổn cùng với việc điểm rớt của chu kỳ giá trên thị trường kỳ hạn lại rơi vào cuối năm, khó có thể kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường trong ngắn hạn.

Lo ngại dâng cao khi lợi suất trái phiếu chính phủ 10 năm của Ý và Tây Ban Nha tiến đến ngưỡng 7%. Cùng lúc đó, Moody’s cảnh báo hạ xếp hạng tín dụng của Pháp do nợ công tăng cao. Tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực đồng euro, đón nhận thất bại trong buổi đấu giá trái phiếu chính phủ ngày 23.11 vừa qua. Điều này cho thấy cuộc khủng hoảng nợ công từ các nước “ngoại vi” đã lan sang các quốc gia “lõi” - những nền kinh tế mạnh nhất của khu vực.

Trong khi đó, tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, Ủy ban Cắt giảm nợ nước này thông báo đã thất bại trong việc đạt thỏa thuận giữa 2 đảng nhằm giảm 1.200 tỉ USD nợ trong vòng 10 năm. Như vậy, Mỹ đang kề cận với nguy cơ mất xếp hạng tín dụng lần thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy 4 tháng. Giới đầu tư dự đoán các tổ chức xếp hạng sẽ bắt đầu thực hiện hạ bậc tín dụng Mỹ vào cuối tháng 12 tới.

Những diễn biến này đã gây sự hoảng loạn trên các thị trường toàn cầu trong những tháng qua.

Các chỉ số giá hàng hóa của Cục Nghiên cứu Hàng hóa từ tháng 1.2010-11.2011

Giá hàng hóa đồng loạt lao dốc

Xu hướng chủ đạo của giá các loại hàng hóa trên thị trường kỳ hạn từ cuối quý III là suy thoái. Chỉ số giá hàng hóa giao ngay (CRB Spot) của Cục Nghiên cứu Hàng hóa từ tháng 9 đến tháng 11.2011 liên tục giảm với tốc độ trung bình 3,5% mỗi tháng và hiện đã tụt xuống mốc 486,16 điểm. Từ các mặt hàng nông sản như ngũ cốc, hạt có dầu… cho đến nhóm mặt hàng kim loại đều ghi nhận mức giảm lớn.

Một minh chứng cho xu hướng này là giá khô đậu tương trên Sàn Giao dịch Chicago (CBOT). Từ đầu tháng 9 đến tháng 11.2011, giá mặt hàng này liên tục thiết lập đáy mới mặc dù có xuất hiện một vài phiên điều chỉnh nhẹ vào giữa tháng 10. Đến cuối tháng 11, giá khô đậu tương CBOT đã ở mức thấp nhất từ đầu năm với 291,8 USD/tấn, giảm gần 100 USD so với mức đỉnh hồi đầu tháng 9.2011.

Mặt hàng cà phê trong thời gian gần đây cũng xuống giá. Giá cà phê Robusta trên thị trường kỳ hạn London liên tiếp ghi nhận những phiên giảm điểm trong giai đoạn tháng 9-10.2011 và chạm đáy ở mức 1.806 USD/tấn vào trung tuần tháng 11. Kéo theo đó, giá cà phê nội địa của Việt Nam cũng rớt thê thảm xuống dưới 38 triệu đồng/tấn.

Trong khi đó, đối với mặt hàng đồng, sự phục hồi yếu ớt trong tháng 10.2011 đã nhanh chóng bị đẩy lùi bằng một loạt cú lao dốc trong tháng 11.2011. Tính đến cuối tháng 11, giá đồng trên thị trường London chỉ còn 7.265 USD/tấn, giảm 21,75% so với đầu tháng 9.

Vì sao giảm?

Việc giá các mặt hàng trên giảm mạnh có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là sự mất niềm tin của giới đầu tư đối với triển vọng kinh tế thế giới. Thị trường hàng hóa kỳ hạn trong thời gian gần đây bị chi phối không nhỏ bởi diễn biến của tình hình kinh tế vĩ mô. Có thể thấy, xu hướng giá hàng hóa hầu như đi cùng chiều với những biến động của thị trường tài chính thế giới, xoay quanh vấn đề nợ công của châu Âu và Mỹ. Mỗi một tin tức phát đi về khả năng các nhà lãnh đạo sẽ có biện pháp để giải quyết tình hình nợ công thì thị trường lại có một phiên tăng điểm.

Tuy nhiên, niềm tin nhà đầu tư đã nhanh chóng sụt giảm trở lại khi thực tế cho thấy các nhà hoạch định chính sách thế giới hoàn toàn thất bại trong việc đưa ra giải pháp toàn diện để chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ đang lan rộng. Điều này đã dẫn đến các cuộc tháo chạy hoảng loạn trên các thị trường hàng hóa.

Lý do thứ hai xuất phát từ việc nhu cầu thực của nền kinh tế đối với nhiều mặt hàng sụt giảm mạnh. Trước gánh nặng nợ công, nhiều nước đã phải viện đến chính sách cắt giảm thâm hụt, thắt lưng buộc bụng... Tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, ngân sách chi tiêu bị thu hẹp, niềm tin của người tiêu dùng sụt giảm là tình cảnh chung tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại khu vực đồng euro, tỉ lệ thất nghiệp tăng vọt lên 10,2%, còn tại Mỹ là 9%.

Một nguyên nhân nữa là USD tăng giá so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ chính. Chỉ số USD Index tăng khoảng 4% trong tháng 11, do tác động từ chính sách can thiệp tiền tệ của Nhật. Sau đó, khủng hoảng nợ diễn biến xấu đi tại châu Âu càng khiến cho đồng bạc xanh được ưa chuộng và USD tiếp tục đi lên mạnh mẽ. USD tăng giá là cơ sở để hàng hóa trên thị trường kỳ hạn mất giá.

Có thể hồi phục vào cuối năm?

Cho đến nay, xu hướng bán tháo tại các thị trường lớn như Chicago, London, New York vẫn tiếp diễn khi các nhà làm chính sách Mỹ chưa đạt được thỏa thuận về cắt giảm thâm hụt ngân sách và tiến trình giải cứu các quốc gia châu Âu trên bờ vực vỡ nợ đang đi vào bế tắc. Do đó, thị trường hàng hóa kỳ hạn nói chung sẽ khó sôi động trở lại trừ phi các nhà lãnh đạo châu Âu đồng thuận và đưa ra được các giải pháp mới hiệu quả hơn và Mỹ bảo toàn thành công xếp hạng tín dụng AA+. Thế nhưng, khả năng này là rất mong manh.

Thêm vào đó, tâm lý ưa chuộng tiền mặt cho các nhu cầu mua sắm tăng mạnh vào dịp cuối năm thường sẽ kéo theo xu hướng xả hàng trên các thị trường kỳ hạn. Để chuẩn bị cho năm mới, nhà đầu tư có tâm lý hiện thực hóa lợi nhuận và quy đổi các tài sản đầu tư nhiều rủi ro sang tiền mặt. Bởi vậy, khó có thể xuất hiện một chu kỳ tăng giá mới cho các mặt hàng kỳ hạn ít nhất là cho tới đầu năm 2012.

Thị trường hàng hóa phái sinh Việt Nam

Giao dịch hàng hóa phái sinh từ lâu được biết đến là một kênh đầu tư mang lại lợi nhuận lớn cho các thành phần tham gia và là hình thức hiệu quả để quản lý rủi ro biến động giá hàng hóa. Thị trường hàng hóa phái sinh xuất hiện từ thế kỷ XIX tại Mỹ và ngày càng phát triển cùng với việc mở rộng giao thương và tự do hóa thương mại trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, thị trường hàng hóa phái sinh chính thức xuất hiện từ năm 2005-2006 với sản phẩm hợp đồng hàng hóa tương lai. Đến đầu năm 2011, Sàn Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (VNX) chính thức đi vào hoạt động. Hiện nay, hàng hóa giao dịch mới chỉ tập trung vào 2 nhóm chính là nông sản và kim loại. Mặt khác, do Ngân hàng nhà nước hiện chỉ cho phép giao dịch hợp đồng tương lai trên cơ sở hàng hóa thực (các thành viên tham gia thị trường phải có bằng chứng về nhu cầu xuất nhập khẩu hoặc sản xuất, thu mua, chế biến hàng hóa xuất khẩu), nên thành phần tham gia thị trường này chỉ là các doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản hoặc khai khoáng nhằm kiểm soát rủi ro biến động về giá. Hiện vẫn chưa có sự góp mặt của các nhà đầu cơ và kinh doanh hàng hóa chuyên nghiệp.

Minh Tâm

NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   UBS: Việt Nam thuộc nhóm 12 nền kinh tế bị tác động nếu giá hàng hóa giảm mạnh (02/12/2011)

>   Những công ty kiểm soát giá hàng hóa thế giới (01/11/2011)

>   Sàn hàng hóa: Sân chơi không dành cho nghiệp dư (27/10/2011)

>   Sàn hàng hóa ở Việt Nam: Chợ hay chiếu bạc? (29/10/2011)

>   9.9 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường hàng hóa trong tháng 9 (24/10/2011)

>   Sàn giao dịch hàng hóa xoay xở để tồn tại (19/10/2011)

>   Sàn hàng hóa: Nỗ lực quảng bá tới NĐT (19/10/2011)

>   Cơ hội đầu tư trên sàn hàng hóa quốc tế (03/10/2011)

>   Hàng hoá thế giới tháng 9 và quý 3 giảm mạnh  (01/10/2011)

>   Các thị trường hàng hóa ngày 29/9 lại lao dốc (29/09/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật