Thứ Ba, 13/12/2011 06:40

Quản lý doanh nghiệp nhà nước: con dao hai lưỡi

Việt Nam có thể phải đối mặt với một con dao hai lưỡi: hoặc là sẽ xây dựng được một nền kinh tế mạnh dưới sự chỉ đạo của nhà nước theo mô hình của các nước châu Á thành công; hay là sẽ rơi vào Chủ nghĩa thân hữu.

Sau hơn hai thập kỷ đổi mới, Việt Nam đã có nhiều thay đổi căn bản trong chính sách kinh tế vĩ mô từ việc đa dạng hóa các loại hình sở hữu, tạo mặt bằng chung cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến việc phân cấp quản lý kinh tế cho các địa phương. Tuy vậy, một trong những chính sách kinh tế mà Việt Nam vẫn tiếp tục theo đuổi là việc coi "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô"

Nhìn vào chính sách này, sẽ có hai sự liên tưởng và nhận định. Một là, Việt Nam vẫn kiên định mô hình quản lý kinh tế của Liên Xô trong đó nhà nước nắm quyền chi phối những lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế, nhằm nắm giữ nguồn lực quốc gia và định hướng cơ cấu kinh tế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Việc nắm giữ các tổng công ty trong các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế giúp nhà nước đảm bảo một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.

Nhận định thứ hai có thể là Việt Nam đang học tập mô hình phát triển kinh tế của các nền kinh tế thành công của châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore mà trong đó nhà nước được coi là đại diện cho lợi ích lâu dài của cả quốc gia - dân tộc, có vai trò định hướng và thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, bài viết này, với sự tham khảo nghiên cứu của học giả Melanie Beresford, thuộc trường đại học Macquarie, Úc "Nhìn lại quá trình Đổi Mới: những thách thức trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam"**, sẽ làm rõ sự khác biệt bản chất giữa hai mô hình kinh tế trên để từ đó có thể liên hệ tới mô hình mà Việt Nam đang theo đuổi hiện nay.

Mô hình phát triển kinh tế của các nước Đông Á và mô hình quản lý kinh tế của Liên Xô

Bề ngoài, cả hai mô hình phát triển kinh tế của các nước châu Á thành công và mô hình quản lý kinh tế của Liên Xô đều thể hiện vai trò định hướng và sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế quốc gia. Tuy vậy, bản chất của hai mô hình này hoàn toàn khác nhau mà do đó hệ quả của các mô hình này cũng khác nhau. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đã sụp đổ còn các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, hay nền kinh tế Đài Loan đã trở thành những con rồng châu Á hay cao hơn nữa là sự thần kỳ Á Đông. Vậy đâu là sự khác biệt về bản chất của hai mô hình này?

Học giả Robert Wade (trong bài viết của Melanie Beresford) đã phân biệt hai khái niệm "Chủ nghĩa tư bản liên minh - Alliance Capitalism" với "Chủ nghĩa thân hữu - Cronyism". Trong đó, mô hình phát triển kinh tế của các nước châu Á thành công được liên hệ với Chủ nghĩa tư bản liên minh còn mô hình quản lý của Liên Xô có xu hướng gắn với Chủ nghĩa thân hữu. Cả Chủ nghĩa liên minh tư bản và Chủ nghĩa thân hữu đều có đặc điểm chung là mối quan hệ gắn bó giữa chính phủ và doanh nghiệp và sự can thiệp của nhà nước đối với quá trình công nghiệp hóa. Tuy nhiên, có một số khác biệt mang tính bản chất và quyết định đến sự thành bại của hai mô hình này.

Thứ nhất, Chủ nghĩa tư bản liên minh chú trọng đến hiệu quả kinh tế thay vì dựa trên ý chí chính trị. Ở các nước châu Á thành công, nền kinh tế nằm dưới sự giám sát của những cơ quan nhà nước có quyền lực lớn và trong đó chính sách của nhà nước không bị chi phối nhiều bởi những mối quan hệ cá nhân hay tham nhũng mà dựa vào năng lực quản lý của các cơ quan này. Ngược lại, mô hình quản lý kinh tế của Chủ nghĩa thân hữu lại chú trọng đến mục tiêu chính trị và gắn với việc bảo tồn một thể chế chính trị. Quyền lực nhà nước dựa chủ yếu vào việc nắm giữ các ngành kinh tế và mối quan hệ gần gũi giữa các cá nhân trong chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước.

Sự khác biệt mấu chốt thứ hai của hai mô hình này nằm ở mục đính của chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp của chính phủ. Trong mô hình phát triển của các nền kinh tế châu Á thành công, thì sự can thiệp của nhà nước đóng vai trò định hướng cho sự thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa và tăng hàm lượng công nghệ trong sản phẩm quốc nội. Cụ thể là các chính sách kinh tế của chính phủ thường hướng các khoản đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên mà chính phủ đặt ra nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, tăng năng xuất lao động, và năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp và của nền kinh tế nói chung. Trong khi đó, ở mô hình của Chủ nghĩa thân hữu, chính sách đầu tư của nhà nước bị chi phối bởi một số nhóm lợi ích đặc quyền trong khi các lợi ích khác bị gạt ra ngoài quá trình hoạch định chính sách. Các nhóm lợi ích đặc quyền nổi lên để bảo vệ sự tồn tại của Chủ nghĩa thân hữu bất chấp sự thiếu hiệu quả của nền kinh tế.

Một khác biệt cơ bản nữa của Chủ nghĩa thân hữu và Chủ nghĩa tư bản liên minh là hiện tượng nhà nước không thể và không sẵn sàng kỷ luật những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Lợi thế mấu chốt của nền kinh tế thị trường tại các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển đó là bắt buộc các doanh nghiệp một là làm ăn có hiệu quả hai là sẽ phải chấp nhận phá sản. Cạnh tranh là động lực quan trọng nhất cho đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động, và hiệu suất sự dụng nguồn lực. Ở các nền kinh tế phát triển châu Á, mặc dù chính phủ dành ưu đãi về tiếp cận vốn vay ngân hàng, nhưng sức ép lên các doanh nghiệp là rất lớn nhằm tăng sức cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp này và hạn chế tối đa khả năng tiền của nhà nước rơi vào túi của các cá nhân quyền lực. Cũng cần làm rõ là, các doanh nghiệp được nhà nước ưu đãi ở các nước này không nhất thiết phải là doanh nghiệp nhà nước.

Sự lựa chọn của Việt Nam?

Bất kỳ một chính thể nào cũng đều có hai chức năng chính: xây dựng mô hình kinh tế nhằm tăng cường tích lũy tư bản trong nước và giữ vững sự ổn định chính trị. Các nước châu Á thành công, ít hay nhiều, đều thành công với cả hai chức năng đó. Các nước này đều tạo ra được tỉ lệ tích lũy tư bản cao thông qua tốc độ tăng trưởng cao trong một thời gian dài. Đồng thời, các chính thể này chú trọng đến việc phân phối những lợi ích kinh tế nhằm giảm chênh lệch giàu nghèo, ngăn chặn áp lực từ những lực lượng xã hội. Trong khi đó, nền kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũ đã không đảm bảo được cả hai chức năng chính này với những điểm yếu mang tính bản chất như: không tạo được môi trường cho đầu tư xã hội hiệu quả, không tăng được năng suất của các doanh nghiệp, và không tăng được sức cạnh tranh của nền kinh tế trong cạnh tranh quốc tế.

Đứng trước hai mô hình này, Việt Nam có thể phải đối mặt với một con dao hai lưỡi: hoặc là sẽ xây dựng được một nền kinh tế mạnh dưới sự chỉ đạo của nhà nước theo mô hình của các nước châu Á thành công; hay là sẽ rơi vào Chủ nghĩa thân hữu. Việt Nam sẽ phải quyết tâm lựa chọn một mô hình để theo đuổi. Tuy nhiên, việc chọn mô hình nào căn bản dựa trên cam kết chính trị. Bản chất của hai mô hình đã rõ. Trong khi mô hình của các nước Đông Á thành công dựa trên sự hỗ trợ của chính phủ cho các doanh nghiệp với mục đích tăng năng xuất lao động, tăng cường khả năng cạnh tranh của nền kinh tế và định hướng cơ cấu kinh tế trong dài hạn theo hướng hiện đại hóa thì mô hình thân hữu lại bị chi phối bởi lợi ích cục bộ, chính sách đầu tư dựa trên mối quan hệ cá nhân, và việc nắm giữ các doanh nghiệp nhà nước là vì mục tiêu chính trị hơn là mục tiêu kinh tế.

Bài phát biểu của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trước Quốc Hội trong phiên họp vừa qua đã cho thấy một tín hiệu lạc quan về sự thay đổi nhất định trong tư duy quản lý kinh tế của cơ quan này. Bộ trưởng Vinh  đã nhấn mạnh đến yêu cầu lựa chọn các dự án đầu tư nước ngoài phục vụ cho chiến lược kinh tế lâu dài và phát triển bền vững của Việt Nam chứ không thể thụ động "trải thảm" cho tất cả các dự án đầu tư nước ngoài như những năm vừa qua.

Tuy nhiên, để thực sự có chuyển biến trong chính sách quản lý kinh tế nói chung, Chính phủ cần phân định rõ bản chất của những mô hình kinh tế khác nhau và lựa chọn một mô hình đúng thay vì loay hoay với những giải pháp chắp vá. Với một mô hình kinh tế hiệu quả, Việt Nam sẽ tiết kiệm được nguồn lực quốc gia, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, giảm thiểu sự chênh lệch giàu nghèo. Từ đó, đảm bảo được ổn định chính trị và phát triển bền vững.

Đặng Văn Huấn, nghiên cứu sinh tại trường đại học Portland State, Hoa Kỳ

Tuần Việt Nam

Các tin tức khác

>   Bình ổn giá hàng tết (13/12/2011)

>   Vinashin muốn vay thêm tiền để trả lương công nhân (12/12/2011)

>   Quản đầu tư của tập đoàn: Bên muốn lỏng, bên muốn siết (12/12/2011)

>   Đầu tư du lịch chuyển về miền Đông (12/12/2011)

>   Chưa thả nổi thị trường hàng không (12/12/2011)

>   Thị phần bán lẻ hiện đại chiếm 20% (12/12/2011)

>   TP Hồ Chí Minh: 5.566 tỷ đồng dự trữ hàng tết (11/12/2011)

>   Vận tải hàng không: Tăng trưởng cao vẫn phải tăng giá để bù lỗ (11/12/2011)

>   EVN, xét từ góc độ doanh nghiệp nhà nước (11/12/2011)

>   Doanh nghiệp và những thách thức trong năm 2012 (10/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật