Thứ Hai, 12/12/2011 21:16

Nhật Bản đầu tư vào 1.623 dự án FDI tại Việt Nam

Ngày 12/12, một quan chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẳng định nguồn vốn đầu tư của Nhật Bản phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo Đầu tư Việt Nam ở thủ đô Tokyo, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư Nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết hơn 86% số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản ở Việt Nam tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo.

Đây là lĩnh vực mà các doanh nghiệp Nhật Bản có thế mạnh và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, đến cuối tháng 11/2011, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư vào 1.623 dự án FDI ở Việt Nam, trong đó có 1.007 dự án tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và chế tạo, với tổng số vốn đăng ký lên tới gần 22,4 tỷ USD, đứng thứ tư trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Riêng số vốn đăng ký đầu tư vào các ngành công nghiệp chế biến và chế tạo lên tới hơn 19,3, chiếm 86%.

Trong bài phát biểu của mình, ông Hoàng cũng giới thiệu về tình hình kinh tế và môi trường đầu tư ở Việt Nam, các chính sách ưu đãi đầu tư, nhất là vào các ngành công nghiệp phụ trợ, cũng như thông tin về các khu công nghiệp.

Ông Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh môi trường đầu tư của Việt Nam đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp Nhật Bản.

Để chứng minh cho nhận định trên của mình, ông Đỗ Nhất Hoàng đã dẫn các báo cáo phân tích của nhiều tổ chức có uy tín trên thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB), Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) và nhật báo kinh tế Nikkei của Nhật Bản.

Theo đó, trong báo cáo “Điều tra triển vọng đầu tư thế giới 2009-2011, UNCTAD khẳng định Việt Nam là một trong 15 nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài trên ba khía cạnh gồm tốc độ phát triển thị trường; thâm nhập vào thị trường khu vực; nhân công rẻ và ưu đãi đầu tư.

Trong báo cáo về môi trường kinh doanh năm 2011, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc WB cũng xếp Việt Nam đứng thứ tư trong 10 nền kinh tế về mức độ cải cách trong năm 2010 trên ba lĩnh vực gồm thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép xây dựng và vay vốn tín dụng.

Về phần mình, ông Yoshifumi Tsujio, Cố vấn đầu tư cao cấp người Nhật của Cục Xúc tiến Đầu tư, cho rằng Việt Nam có nhiều điểm hấp dẫn các nhà đầu tư như ổn định về chính trị-xã hội, lực lượng lao động trẻ và được đào tạo tốt, các chính sách thu hút đầu tư tốt, giữa hai nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa và mối quan hệ Việt-Nhật đang phát triển tốt đẹp.

Tuy nhiên, để hấp dẫn các nhà đầu tư hơn nữa, Việt Nam cũng cần khắc phục các điểm còn tồn tại hiện nay như ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, phụ thuộc nguyên liệu sản xuất vào nhập khẩu, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ và một số thủ tục hành chính còn nhiều bất cập.

Trả lời phỏng vấn phóng viên Vietnamplus bên lề hội thảo, ông Lê Hữu Quang Huy, Tham tán Đầu tư của Việt Nam tại Nhật Bản, đã cho biết một số định hướng thu hút vốn đầu tư của Nhật Bản trong thời gian tới.

Theo Tham tán, đối với hình thức đầu tư gián tiếp, Việt Nam sẽ tập trung thu hút vốn ODA của Nhật Bản vào ba lĩnh vực chính gồm phát triển cơ sở hạ tầng; tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt là tái cấu trúc các doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng, để làm cho nền kinh tế hiệu quả và năng động hơn; đầu tư phát triển các nguồn lực.

Đối với vốn FDI, theo ông Lê Hữu Quang Huy, Việt Nam sẽ tập trung thu hút đầu tư của Nhật Bản vào các dự án không chỉ lớn về quy mô mà còn hiệu quả, có trình độ công nghệ cao và không tạo ra tác động tiêu cực tới môi trường.

Định hướng này cũng trùng hợp với chiến lược phát triển của Chính phủ Nhật Bản và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.

Ông Lê Hữu Quang Huy nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ tạo điều kiện thuận lợi không chỉ cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam mà còn cả các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì nó phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế của Việt Nam và góp phần giải quyết vấn đề lao động ở nước ta.”

Cũng tại hội thảo, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã giải đáp các thắc mắc của các nhà đầu tư Nhật Bản về các thủ tục và chính sách khi đầu tư vào Việt Nam.

Hội thảo Đầu tư Việt Nam do Trung tâm ASEAN-Nhật Bản phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, chính quyền tỉnh Aichi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nagoya và Liên đoàn Kinh tế miền Trung Nhật Bản tổ chức ở hai thành phố lớn của Nhật Bản là Tokyo và Nagoya trong hai ngày 12 và 13/12.

Đây là một sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động xúc tiến đầu tư của Việt Nam tại Nhật Bản./.

Thanh Tùng-Hồng Hà

Vietnam+

Các tin tức khác

>   Minh bạch nợ công: Cần có một cái nhìn toàn diện (12/12/2011)

>   DNNN: Nhận ưu đãi không phải để ấm thân (12/12/2011)

>   Nhiều công ty Mỹ tìm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam (12/12/2011)

>   Cổ phần hóa các ban quản lý dự án giao thông (12/12/2011)

>   Giá tăng, khó kiềm chế lạm phát (11/12/2011)

>   Cán cân thanh toán tổng thể có thể thặng dư 3 tỷ USD (10/12/2011)

>   Nhà nước sẽ giữ vốn của 17 tập đoàn và 200 doanh nghiệp (10/12/2011)

>   Tôi ra đây có phải xưng danh “tập đoàn”? (09/12/2011)

>   TS.Trần Du Lịch: Cần “làm ấm” TTCK và BĐS ngay trong 2012 (09/12/2011)

>   Vòng xoáy hiểm nguy (09/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật