Chủ Nhật, 11/12/2011 07:49

Giá tăng, khó kiềm chế lạm phát

Lộ trình tăng giá theo cơ chế thị trường đang làm khó mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng còn có một công cụ hỗ trợ tích cực khác là chính sách tiền tệ

Ngay sau khi Chính phủ tuyên bố quyết tâm đưa lạm phát về một con số trong năm 2012, thị trường đang chứng kiến những động thái có vẻ đi ngược với quyết tâm này. Đó là việc tăng trần giá vé máy bay thêm 20% từ ngày 15-12.

Không thể tiếp tục bao cấp

Mặc dù vé máy bay không phải loại hàng hóa đầu vào hoặc thiết yếu vì đối tượng sử dụng dịch vụ hàng không chỉ chiếm khoảng hơn 5 triệu người trong tổng số hơn 80 triệu dân của cả nước song vẫn có tác động trực tiếp đến CPI. Vì trong rổ hàng hóa tính CPI có nhóm “Phương tiện đi lại, bưu điện”. Nhóm này chiếm đến 9,04% quyền số (tỉ trọng trong tổng chi tiêu dùng) tính CPI, đứng thứ 3 trong tổng số 10 nhóm hàng hóa, dịch vụ đại diện để tính CPI hiện nay.

Tăng giá trần vé máy bay sẽ ảnh hưởng đến tình hình kiềm chế lạm phát.  Trong ảnh: Hành khách làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Bên cạnh đó, tăng giá điện cũng đang là một sức ép thường trực rất lớn đến CPI. Kịch bản tăng giá điện cho năm 2012 đã được tính toán ở mức tăng trên 10% nhưng thấp hơn mức tăng 15,28% của năm ngoái, vấn đề chỉ còn là thời điểm áp dụng.

Cục trưởng Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, ông Nguyễn Tiến Thỏa, cho biết kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu trong năm 2011 và những năm tiếp theo nhưng không có nghĩa là “neo” giá trong khi những yếu tố hình thành giá có biến động, đòi hỏi chúng ta phải xử lý. “Nếu việc tăng giá có những yếu tố rất hợp lý mà chúng ta nhất định không điều chỉnh vì mục tiêu lạm phát, bắt doanh nghiệp phải ổn định giá là duy ý chí. Nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung khiến hàng hóa, dịch vụ sẽ thiếu, không đáp ứng được nhu cầu của xã hội”- ông Nguyễn Tiến Thỏa bày tỏ quan điểm.

Theo chuyên gia kinh tế TS Nguyễn Minh Phong, việc tăng giá hàng hóa thiết yếu và mục tiêu tiếp tục giảm lạm phát thực ra không có mâu thuẫn. Một bên là thực hiện nguyên tắc thị trường theo lộ trình đã định sẵn, còn bên kia là vì mục tiêu phát triển. Nhưng TS Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh: Lộ trình giá theo cơ chế thị trường không phải trên cơ sở tính toán, đề xuất giá của doanh nghiệp.

Các quyết định đưa ra phải dựa trên cơ sở giải trình, số liệu đã được kiểm toán. Hiện nay, vấn đề này đang bị coi nhẹ nên gây bức xúc trong xã hội và làm mất niềm tin vào thể chế. “Để nâng cao uy tín trong công tác điều hành giá, cần tăng cường tự do cạnh tranh, thực hiện giải trình, công bố kiểm toán chi phí cấu thành giá cả của doanh nghiệp”- TS Phong nói.

Đã có chính sách tiền tệ “chia lửa”

Lộ trình tăng giá theo cơ chế thị trường đang làm khó mục tiêu kiềm chế lạm phát nhưng còn có một công cụ hỗ trợ tích cực khác là chính sách tiền tệ. Đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán được Ngân hàng Nhà nước đưa về mục tiêu thấp chưa từng có trong lịch sử lần lượt là 20% và 16%. Chỉ tiêu này được tuyên bố từ tháng 2 thì đến hết tháng 11, con số thực hiện còn thấp hơn nhiều. Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống chỉ đạt 10% và tổng phương tiện thanh toán cũng chỉ ở mức hơn 10%. Dự kiến hết năm, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 12%-13%, nếu tính cả đầu tư có bản chất tín dụng là 15% và tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12%.

Theo phân tích của một chuyên gia tài chính ngân hàng, giá đầu vào tăng sẽ làm sản lượng hàng hóa của doanh nghiệp ít đi, nếu cung tiền vẫn bơm ra lớn sẽ làm mất cân đối tiền – hàng gây lạm phát. Nhưng nếu ngân hàng trung ương cũng giảm cung tiền tương ứng với sản lượng thì sẽ có tác dụng làm mặt bằng giá cả không thay đổi.

Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá - Tổng cục Thống kê, bình luận mục tiêu đưa lạm phát về một con số trong năm 2012 là rất khó khăn, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động và lộ trình điều chỉnh giá theo thị trường vẫn tiếp tục được thực hiện. Tuy nhiên, nếu tiếp tục kiên trì điều hành chính sách tiền tệ thắt chặt, linh hoạt trong năm tới sẽ có tác động hỗ trợ nhất định đến kiềm chế lạm phát.

Khó giữ lạm phát ở mức 18%

Ông Nguyễn Đức Thắng cho biết “ẩn số” CPI của cả năm 2011 này còn phụ thuộc vào một đợt lấy giá cuối cùng chốt lại vào ngày 15-12 tới. Như vậy, việc tăng trần giá vé máy bay hay tăng cước vận tải (đường sắt và đường bộ) chưa ảnh hưởng đến CPI năm nay. Dư địa cho CPI theo chỉ tiêu của tháng 12 còn 0,5% vì tính chung 11 tháng, CPI đã tăng tổng cộng 11,5%. Nhưng ông Thắng cho rằng theo ghi nhận trên thị trường, khả năng hoàn thành chỉ tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 18% là chưa chắc chắn.

Tô Hà

người lao động

Các tin tức khác

>   Cán cân thanh toán tổng thể có thể thặng dư 3 tỷ USD (10/12/2011)

>   Nhà nước sẽ giữ vốn của 17 tập đoàn và 200 doanh nghiệp (10/12/2011)

>   Tôi ra đây có phải xưng danh “tập đoàn”? (09/12/2011)

>   TS.Trần Du Lịch: Cần “làm ấm” TTCK và BĐS ngay trong 2012 (09/12/2011)

>   Vòng xoáy hiểm nguy (09/12/2011)

>   Tái cấu trúc DNNN: Ai gánh nợ cho các tập đoàn? (09/12/2011)

>   Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Chỉ chấp nhận nhà đầu tư lớn (08/12/2011)

>   Thủ tướng: Doanh nghiệp Nhà nước chịu lỗ để kìm lạm phát (08/12/2011)

>   Cải cách doanh nghiệp NN: Nên bắt đầu từ đâu? (08/12/2011)

>   Năm 2012, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng kinh tế 10,5% (08/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật