Nhà nước sẽ giữ vốn của 17 tập đoàn và 200 doanh nghiệp
Tại hội nghị tổng kết mười năm thực hiện công tác này tổ chức hôm qua (8.12) ở Hà Nội, báo cáo của bộ Tài chính cho thấy, bên trong “bóng dáng” cồng kềnh của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước là không ít rủi ro khi tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu còn cao, đầu tư ngoài ngành lớn.
20% doanh nghiệp lỗ và hòa vốn
Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) Phạm Viết Muôn, cho biết, mười năm qua (2001 – 2010), cả nước sắp xếp được 3.757 doanh nghiệp, trong đó cổ phần hoá 3.388 doanh nghiệp; nâng tổng số doanh nghiệp được sắp xếp, đổi mới và cổ phần hoá từ trước đến nay lần lượt là 5.374 và 3.976 doanh nghiệp. Tính đến tháng 11.2011, cả nước còn 1.309 doanh nghiệp, trong đó có 452 doanh nghiệp an ninh, quốc phòng, tham gia các hoạt động công ích, 857 doanh nghiệp kinh doanh. Sau sắp xếp, đổi mới, hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh của DNNN được nâng lên. Năm 2001, số doanh nghiệp thua lỗ và hoà vốn chiếm khoảng 60% tổng số doanh nghiệp, năm 2010 tỷ lệ này giảm xuống còn 20%.
Tuy nhiên, hoạt động này cũng còn khá nhiều tồn tại, như: tỷ lệ sở hữu Nhà nước còn cao; hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực được phân bổ; còn khá nhiều doanh nghiệp thua lỗ; lãng phí, thất thoát nguồn lực còn lớn, một số vụ việc tiêu cực, vi phạm pháp luật nghiêm trọng đã xảy ra gây hậu quả lớn về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến uy tín của DNNN...
“Bởi vậy, DNNN phải được tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả theo hướng tập trung vào những ngành, lĩnh vực có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế”, ông Phạm Viết Muôn nói. Theo ông Muôn, đến hết tháng 11.2011, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 51 phương án sắp xếp, đổi mới DNNN tới năm 2015; đang làm thủ tục phê duyệt 39 phương án. Theo đó, tới năm 2015, Nhà nước sẽ tiếp tục nắm giữ 100% vốn ở 692 doanh nghiệp; cổ phần hoá 573 doanh nghiệp; thực hiện giải thể, phá sản 13 doanh nghiệp; tái cơ cấu 31 doanh nghiệp (mua bán, chuyển nhượng, tái cơ cấu nợ...) Giai đoạn 2015 – 2020, sẽ cổ phần hoá 27 tập đoàn, tổng công ty, trong đó có tập đoàn Dầu khí, tập đoàn công nghiệp Than – khoáng sản, tập đoàn Điện lực, tập đoàn Công nghiệp cao su, tập đoàn Bưu chính viễn thông, tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ, tổng công ty Hàng hải, tập đoàn Công nghiệp hoá chất, tập đoàn Công nghiệp xây dựng... Theo phương án này, đến năm 2020 chỉ còn 17 tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực độc quyền nhà nước, an ninh, quốc phòng và công ích.
Năm 2001, số doanh nghiệp thua lỗ và hoà vốn chiếm khoảng 60% tổng số doanh nghiệp, năm 2010 tỷ lệ này giảm xuống còn… 20%. |
Tập đoàn, tổng công ty: tài sản tăng, nợ cũng tăng
Cùng với đánh giá chung về khối DNNN, bộ Tài chính cũng có báo cáo riêng về hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2006 – 2010. Theo đó, vốn chủ sở hữu, tổng tài sản của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đã có bước tăng trưởng mạnh mẽ trong mười năm qua. Tính từ năm 2006 – thời điểm mới hình thành một số tập đoàn kinh tế, quy mô vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty là hơn 317.000 tỉ đồng, tổng tài sản là hơn 751.000 tỉ đồng, đến năm 2010 đã tăng lên lần lượt là hơn 653.000 tỉ đồng (tăng 204%) và hơn 1.799.000 tỉ đồng (tăng 238%). Vốn chủ sở hữu tăng lên chủ yếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế, đánh giá lại tài sản, thặng dư vốn thu được trong quá trình cổ phần hoá.
Thứ trưởng bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, doanh thu và lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty cũng có bước tiến tích cực khi tăng trưởng liên tục. Tuy nhiên, cùng với đó, nợ phải trả cũng gia tăng: năm 2006 là gần 420.000 tỉ đồng, bình quân bằng 1,32 lần vốn chủ sở hữu, đến năm 2010 tăng lên hơn 1.099.000 tỉ đồng, bình quân bằng 1,67 lần vốn chủ sở hữu. Xét từng tập đoàn, tổng công ty thì có 30 đơn vị có nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn ba lần (theo quy định hiện hành thì tỷ lệ này không được vượt quá 3); trong đó, có 14 trường hợp từ 3 – 5 lần, bảy trường hợp trên 10 lần và chín trường hợp trên 5 – 10 lần. Điểm đáng chú ý là bộ Tài chính đã không tính đến tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh của Vinashin trong báo cáo này với lý do đang trong quá trình tái cơ cấu.
Đầu tư ngoài ngành không giảm
Bộ Tài chính cho biết, các tập đoàn, tổng công ty vẫn đầu tư mạnh tay vào các lĩnh vực ngoài ngành kinh doanh chính. Chẳng hạn, đối với lĩnh vực chứng khoán, số tiền các tập đoàn, tổng công ty đã đổ vào trong các năm 2006, 2007, 2008, 2009 và 2010 lần lượt là 6.114 tỉ đồng; 14.441 tỉ đồng; 19.840 tỉ đồng; 14.991 tỉ đồng và 21.814 tỉ đồng. Tương tự như vậy, trong lĩnh vực bất động sản, giá trị đầu tư từ mức 211 tỉ đồng trong năm 2006 đã tăng lên 5.379 tỉ đồng trong năm 2010; số vốn đổ vào lĩnh vực ngân hàng năm 2010 là 10.128 tỉ đồng trong khi năm 2006 chỉ là 3.838 tỉ đồng...
Theo bộ Tài chính, việc này có nguyên nhân các doanh nghiệp trong các lĩnh vực nói trên tăng vốn điều lệ (thưởng cổ phiếu, phát hành thêm cổ phiếu). Trong đó, có một số tập đoàn, tổng công ty, mặc dù không được Thủ tướng Chính phủ cho phép vẫn đầu tư mua thêm cổ phần ở những lĩnh vực nói trên, như tổng công ty Thành An, tập đoàn Bưu chính viễn thông. Một số tập đoàn, tổng công ty đã thực hiện quyền mua cổ phần phát hành thêm hoặc tiếp tục góp vốn vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán nhưng không báo cáo Thủ tướng Chính phủ như tập đoàn công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam, tổng công ty Giấy, tập đoàn Cao su, tổng công ty Lương thực miền Nam.
“Mặc dù tỷ lệ đầu tư vốn ngoài ngành đều trong giới hạn quy định, nhưng cũng làm phân tán nguồn lực, nhất là vào các lĩnh vực chứa đựng rủi ro như tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán, đồng thời làm hạn chế hiệu quả kinh doanh, thậm chí phát sinh tiêu cực, gian lận như trường hợp công ty Cho thuê tài chính II. Việc thoái vốn ở những lĩnh vực này vẫn chưa hoàn thành mục tiêu đề ra”, ông Hiếu nhận xét.
Cũng vì vậy, yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành thoái vốn khỏi những lĩnh vực “tay trái” trước năm 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ được xem ra là một mục tiêu đầy thách thức.
Thảo Nguyễn
SÀI GÒN TIẾP THỊ
|