Thứ Sáu, 09/12/2011 15:53

TS.Trần Du Lịch: Cần “làm ấm” TTCK và BĐS ngay trong 2012

(Vietstock) - Ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, giải pháp cho doanh nghiệp gặp khó trở thành những vấn đề nổi cộm được quan tâm trước thềm năm mới.

Tại hội thảo "Kịch bản kinh tế Việt Nam 2012 - Đâu là cơ hội?" diễn ra sáng ngày 09/12/2011 do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức, các ông Trương Đình Tuyển, Lê Đăng Doanh, Trần Du Lịch và Lê Xuân Nghĩa đã có những nhận định và chia sẻ xoay quanh các vấn đề này.

Ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu

Ông Trương Đình Tuyển, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia dự báo tình hình kinh tế thế giới còn nhiều bất định trong năm 2012 với chiều hướng chung là tăng trưởng chậm lại. Kinh tế Mỹ còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, phản ứng của thị trường sau khi điều chỉnh tỷ giá là không thuận lợi.

Theo nhận định của ông Tuyển, kịch bản kinh tế 2012 chưa có nhiều sáng sủa. Nợ công tại Châu Âu diễn biến phức tạp, kinh tế châu Âu có nguy cơ suy thoái, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. FDI toàn cầu dự báo chỉ tăng 11% (trong khi 2011 ước tăng 22.5%). Ngoài ra, nguy cơ giá lương thực, dầu mỏ tăng cao do lũ lụt ở Thái Lan và Iran bị cấm vận.

Với nền kinh tế Việt Nam, Nghị quyết Quốc hội đặt chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6%, lạm phát được kiểm soát ở mức 10%, bội chi ngân sách dưới 4.8%, nhập siêu 11-12%; giảm đầu tư từ khu vực kinh tế nhà nước; cung tiền M2 tăng 15%, tăng trưởng tín dụng 15-17%.

Ông Tuyển cho rằng, cần tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt và chính sách tài khoá thắt chặt để kiềm chế lạm phát; xác định ổn định kinh tế vĩ mô là trọng tâm hàng đầu. Tăng trưởng vẫn được coi trọng. Nếu không dịch chuyển vốn đầu tư vào khu vực kinh tế tư nhân và những lĩnh vực ngành nghề có tác động lan toả cao sẽ rất khó đảm bảo mức tăng này. Trường hợp giá lương thực và dầu tăng sẽ ảnh hưởng đến giá trong nước và tác động đến nhiệm vụ kiềm chế lạm phát của Việt Nam.

Tái cấu trúc ngân hàng bước đầu có kết quả

TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia dự báo, năm 2012 sẽ tiếp tục chính sách tài khoá thắt chặt, chính sách tiền tệ sẽ linh hoạt hơn. Việc tái cấu trúc ngân hàng bước đầu có kết quả, không gây bất ổn hệ thống. Về đầu tư, tuy có giảm còn 34% GDP nhưng cấu trúc sẽ thay đổi theo hướng giảm đầu tư công, tăng đầu tư tư nhân (Tăng trưởng thấp: ICOR 6.1, GDP tăng 7.7%; tăng trưởng cao: ICOR: 5.7, GDP tăng 6%).

Bên cạnh đó, ông Nghĩa đưa ra hai thách thức trong năm 2012. Sự bất ổn của hệ thống ngân hàng có thể làm giảm đầu tư tư nhân nội địa và đầu tư nước ngoài, áp lực tăng tỷ giá hối đoái có thể sẽ gia tăng.

Chia sẻ về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, ông Nghĩa cho rằng hệ thống ngân hàng hiện nay còn nhiều bất ổn như nợ xấu tăng vượt xa số liệu báo cáo trên cả thị trường I và II; thanh khoản căng thẳng kéo dài ở nhiều ngân hàng; quản trị rủi ro yếu kém; kỷ cương, đạo đức nghề nghiệp xuống cấp; báo cáo tài chính không minh bạch, thiếu tin cậy.

Do vậy, mục tiêu tái cơ cấu ngân hàng không thể không triển khai. Ông Nghĩa cho biết tùy vào từng nhóm ngân hàng mà áp dụng biện pháp tái cơ cấu. Ví dụ như nhóm ngân hàng mất thanh khoản thì sáp nhập với ngân hàng mạnh hoặc Nhà nước mua lại; nhóm ngân hàng khó khăn tạm thời có thể hỗ trợ thanh khoản hoặc sáp nhập, mua lại, tái cơ cấu sở hữu..Tái cơ cấu sẽ tuân theo các nguyên tắc: Bảo vệ lợi ích người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống, trách nhiệm của cổ đông lớn và khuyến khích tái cơ cấu sở hữu, mua lại, sáp nhập.

Cần “làm ấm” TTCK và BĐS ngay trong 2012

TS. Trần Du Lịch

Nói về lộ trình tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, TS.Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy Ban kinh tế Quốc hội cho rằng cần thẳng thắn đánh giá đúng mức những tác dụng phụ của Nghị quyết 11 của Chính phủ bên cạnh những tác động tích cực. Những mặt còn hạn chế bao gồm doanh nghiệp vẫn khát vốn, mất cân đối cung cầu trên thị trường vốn thể hiện qua lãi suất, thanh khoản của hệ thống NHTM khó khăn. ..TTCK và BĐS ảm đạm do hạn chế tín dụng…

Trong tái cấu trúc kinh tế, các Tập đoàn và Tổng Công ty Nhà nước phải nâng cao hiệu quả hoạt động và vị trí của mình trong nền kinh tế thị trường. Trước hết cần làm rõ vai trò của các DNNN nói chung và các Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước nói riêng. Nếu xem DNNN là công cụ của Nhà nước để bổ khuyết những khuyết tật của thị trường, thực hiện chức năng kinh tế xã hội của NN thì tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động sẽ khác với các tiêu chí về hiệu quả tài chính.

Riêng đối với TTCK và BĐS, ông Lịch nhận định cần có giải pháp để làm ấm 2 thị trường này ngay trong 2012. Dù ở quy mô nào thì hai thị trường này luôn là tín hiệu lạc quan hay bi quan của bức tranh kinh tế vĩ mô. Hệ quả của sự yếu kém về quản lý dẫn đến tình trạng đầu cơ thái quá trong giai đoạn 2006-2007 mà hệ luỵ của nó vô cùng to lớn kéo dài cho đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục có hiệu quả. Mối quan hệ giữa TTCK, BĐS với hệ thống NHTM như “môi với răng”, nên cần có giải pháp “làm ấm” hai thị trường này ngay trong năm 2012.

Doanh nghiệp đón sóng đầu tư từ Nhật

Dù còn không ít khó khăn phía trước nhưng ông Tuyển cũng nhận định rằng thách thức sẽ là cơ hội để nền kinh tế nói chung và DN nói riêng tận dụng. Cụ thể như tình hình lạm phát 2012 giảm dần kéo theo lãi suất tín dụng giảm. Thêm vào đó, Chính phủ tiếp tục có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như giãn, hoãn thời gian nộp thuế, đồng thời có chủ trương trình QH miễn giảm thuế; sẽ có làn sóng về đầu tư từ Nhật Bản.

Tuy nhiên, những thách thức mà bản thân mỗi doanh nghiệp phải đối mặt không phải là nhỏ. Ông Tuyển nhận định việc giảm đầu tư và hậu quả của lạm phát 2011 sẽ gây sức ép lên doanh nghiệp. Hàng tồn kho cuối năm 2011 tăng gây khó khăn cho sản xuất những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, sức ép giảm giá VND vẫn còn lớn, lãi suất vẫn còn cao. Ngoài ra, TTCK và BĐS được cho là chưa có khả năng phục hồi nhanh sẽ tác động đến các ngành sản xuất VLXD và các ngành liên quan.

Theo đó, ông Tuyển cũng đưa ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hoạch địch chiến lược kinh doanh trong 2012. Trước hết doanh nghiệp cần rà soát lại kế hoạch kinh doanh gắn với kế hoạch tài chính và sự vận động của dòng tiền. Tập trung vào những sản phẩm có khả năng tăng trưởng, tiêu thụ nhanh để thu hồi vốn sớm. Ngoài ra mở rộng thị trường nội địa, tăng xuất khẩu các mặt hàng có thể thay thế Thái Lan, xâm nhập thi trường Trung Quốc, Hàn quốc, Nhật bản, Châu Phi….

Đặc biệt, tiến hành tái cấu trúc doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh. Nghĩa là doanh nghiệp cần nhận thức rằng chiến lược tăng doanh thu, lợi nhuận chỉ là kết quả cần đạt đến. Muốn đạt được mục tiêu này phải bắt đầu từ chiến lược nâng cao sức cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường. Chú ý đào tạo nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ để chuẩn bị hành trang cần thiết khi kinh tế thế giới vượt qua thời kỳ trì trệ.

Bội Mẫn

Các tin tức khác

>   Vòng xoáy hiểm nguy (09/12/2011)

>   Tái cấu trúc DNNN: Ai gánh nợ cho các tập đoàn? (09/12/2011)

>   Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Chỉ chấp nhận nhà đầu tư lớn (08/12/2011)

>   Thủ tướng: Doanh nghiệp Nhà nước chịu lỗ để kìm lạm phát (08/12/2011)

>   Cải cách doanh nghiệp NN: Nên bắt đầu từ đâu? (08/12/2011)

>   Năm 2012, Hà Nội phấn đấu tăng trưởng kinh tế 10,5% (08/12/2011)

>   Goldman Sachs: GDP đầu người Việt Nam năm 2050 khoảng 20.000 USD (08/12/2011)

>   Câu hỏi tại Hội nghị CG (08/12/2011)

>   Hà Nội, TPHCM lọt top 50 thành phố đắt đỏ nhất châu Á (08/12/2011)

>   Kinh tế Hà Nội tăng trưởng hơn 10% năm 2011 (07/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật