Thứ Hai, 12/12/2011 06:39

DNNN: Nhận ưu đãi không phải để ấm thân

Các tập đoàn kinh tế được ưu đãi là để trở thành những tổ chức kinh tế mạnh, trụ cột của đất nước, cùng Nhà nước ổ định vĩ mô, đảm bảo công ích. Không thể nhận ưu đãi để ỷ lại và phục vụ lợi ích cục bộ của mình.

Có được vị trí quan trọng, thậm chí là độc quyền trong nền kinh tế; chiếm giữ nhiều vốn và tài sản của nhà nước, có nhiều chính sách ưu đãi...  nhưng các tập đoàn chưa có hiệu quả cao, thậm chí có đơn vị còn thua lỗ... Tuy nhiên, DN vẫn trả lương cao, thậm chí có biểu hiện lơi ích cục bộ... Vì thế, dù được kỳ vọng là trụ cột của nền kinh tế nhưng trong mắt nhiều người tập đoàn trước hết là một chỗ "ấm thân" nên cố mọi cách để vào được là ổn.

Cách đây chưa lâu, EVN đã làm mọi người bất ngờ khi công khai mức lương trung bình của cán bộ nhân viên là 7,3 triệu đồng/tháng. Lãnh đạo Tập đoàn này vừa thông báo mức thua lỗ hàng chục ngàn tỷ đồng vừa tỏ lời xót xa vì cho đây là mức lương thấp so với thời giá.

Sự việc này khiến không chỉ cho các cán bộ, viên chức nhà nước mà cả những người làm trong lĩnh vực dân doanh giật mình. Bởi so với các thang bảng lương nhà nước và mặt bằng chung xã hội thì đây đã là một mức cao. Thế mà, EVN vẫn đòi hỏi mọi người chia sẻ, không hiểu khi được tăng giá điện, làm ăn có lãi thì DN này sẽ có mức lương bao nhiêu?

Thậm chí, đây là mức trung bình của hàng chục ngàn nhân viên, còn nếu tính riêng ở công ty mẹ - văn phòng tập đoàn hay các lãnh đạo thì con số đó chắc chắn lớn hơn nhiều và có thể đến cả hàng chục triệu đồng. Đó thực không thể là một con số trong mặt bằng chung của xã hội.

Trong công bố mới đây của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội cho thấy, lương trung bình của người lao động ở các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong lĩnh vực dầu khí, điện lực, than... là 8,14 triệu đồng/tháng. Nhóm ngân hàng, tài chính 10,5 triệu đồng/tháng. Và mức lương này không ngừng tăng trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, tiền lương bình quân của thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc khoảng 30 triệu đồng/tháng. Trong đó, nhóm DN có lợi thế khoảng 40 triệu, nhóm không lợi thế 15 triệu.

Với thu nhập này, là một mức cao trong mặt bằng chung của xã hội. Có lẽ vì thế, trong quan niệm chung của mọi người thì có được một chỗ trong các tập đoàn thì coi như là đã "ấm thân" mà không còn phải lo gì nhiều.

DN làm ăn tốt và hiệu quả cao trả lương cao là điều dễ thông cảm. Tuy nhiên, trong những con số mới đây cho thấy, các tập đoàn này hoạt động chua có hiệu quả cao dù nắm trong tay một khối lượng vốn và tài sản lớn của nhà nước.

Hiện nay, các tập đoàn đang nắm giữ 30% tổng giá trị tài sản, 51% tổng vốn chủ sở hữu và gần 40% lao động của khu vực doanh nghiệp nhà nước. Rộng hơn, 12 tập đoàn nhà nước hiện nay đã chiếm 10% tổng giá trị tài sản và 7,6% lao động dài hạn của toàn bộ các doanh nghiệp của nền kinh tế.

Thế nhưng, hiệu quả hoạt động của các tập đoàn thì lại không tương xứng. Thống kê qua các năm, Bộ KH-ĐT cho biết hầu hết các tập đoàn có lãi nhưng mức lãi không cao và đang có xu hướng giảm dần. Nhóm tập đoàn đạt lợi nhuận cao như Tập đoàn Dầu khí thì tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu (sau thuế) cũng chỉ đạt 12,6%, Viettel 13,3% - thấp hơn mức lãi ngân hàng...

Không những thế, nhiều tập đoàn đã đầu tư "quá nóng" trong khi dàn trải và hiệu quả chưa cao. Có tập đoàn bố trí đầu tư giá trị cao gấp 1,5-3,1 lần vốn điều lệ. Dẫn tới mức độ an toàn tài chính bị suy giảm. Nguyên nhân là do một số TĐ đã đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành nhưng kiểm soát thiếu chặt chẽ làm phân tán nguồn lực; một số TĐ khác thì quản lý trong nội bộ kém....

Chính vì thế, dù được kỳ vọng sẽ là những trụ cột chính của nền kinh tế nhưng đến nay, Việt Nam vẫn vẫn chưa có tập đoàn nào được xếp hạng tầm khu vực và quốc tế. Sức cạnh tranh của hầu hết các tập đoàn đều chưa cao, chưa tương xứng với các ưu đãi về nguồn lực và những lợi thế khác. Thực trạng tài chính của một số tập đoàn, công ty trực thuộc còn yếu kém, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro. Đặc biệt, việc thực hiện vai trò công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước còn hạn chế.

Chiếm dụng nguồn lực lớn, hiệu quả thấp nhưng thực tế lương cao như trên thì mong muốn và sẵn sàng  "lo lót" để có chỗ trong các tập đoàn với mong muốn được ấm thân của nhiều người thật không có là đáng trách.

Các tập đoàn có thể lý giải việc hiệu quả thấp là do phải thực hiện nhiều mục tiêu chính sách. Tuy nhiên, trong vấn đề này cũng có những câu chuyện đọng lại không ít băn khoăn.

Mới đây nhất, PVN và EVN lại tranh cãi nhau về chuyện PVN bán thiếu khí cho EVN phát điện. PVN lý giải là để dành cho các đối tác khác nhưng lại quên đi rằng mục tiêu của hai tập đoàn năng lượng lớn là lo đủ điện cho cả nước. Trong khi đó, PVN vẫn chưa hết trách khéo EVN không công bằng trong việc huy động điện từ các nhà máy của mình khiến cho họ bị thiệt hại... Mọi chuyện dù đã được gảii quyết xong nhưng vẫn gợi cho mọi người suy nghĩ về lựa chọn của các tập đoàn lớn giữa lợi ích cục bộ và lơi ích quốc gia.

Còn vấn đề khác, EVN chưa bao giờ hoàn thành tốt các quy hoạch điện, dẫn đến chưa hoàn thành nhiệm vụ lo đủ điện cho quốc gia; Vinashin chưa thể hiện thực hoá giấc mơ một ngành đóng tàu tầm cỡ thế giới đã rơi vào khó khăn, nợ nần do những sai lầm trong quản lý khiến chính phủ phải ra tay... tái cơ cấu. Và không ít câu chuyện khác về hoạt động và hiệu quả của các tập đoàn còn hạn chế...

Cho nên để xứng đáng là những trụ cột của nền kinh tế, các tập đoàn còn phải cố gắng nhiều trong việc hoàn thiện và phát triển mình. Trụ cột đó phải tính trên sức cạnh tranh, hiệu quả và sự gương mẫu trong hoạt động và đóng góp chứ không chỉ trụ cột sự trên tập hợp một khối lượng tài sản và vốn lớn, có nhiều ưu đãi nhưng hiệu quả thấp.

Điều đó có nghĩa, sự ưu đãi đó của Nhà nước phải được biến thành sức mạnh, cạnh tranh và mỗi tập đoàn phải là một mũi đột phá cho nền kinh tế, là một cánh tay mạnh của Chính phủ trong quản lý và điều hành chứ không thể mãi tồn tại như những hạn chế và phải liên tục nhắc nhở, chấn chỉnh và thậm chí phải đi khắc phục hậu quả.

Hơn thế, tập đoàn phải là nơi thể hiện sự tiên phong về công nghệ, năng suất và hiệu quả chứ thể mang tiếng là một nơi kém hiệu quả, năng suất thấp nhưng vẫn ấm thân vì ít phải chịu trách nhiệm, không lo đào thải và vẫn có lương cao.

Lê Khắc

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Nhiều công ty Mỹ tìm cơ hội kinh doanh ở Việt Nam (12/12/2011)

>   Cổ phần hóa các ban quản lý dự án giao thông (12/12/2011)

>   Giá tăng, khó kiềm chế lạm phát (11/12/2011)

>   Cán cân thanh toán tổng thể có thể thặng dư 3 tỷ USD (10/12/2011)

>   Nhà nước sẽ giữ vốn của 17 tập đoàn và 200 doanh nghiệp (10/12/2011)

>   Tôi ra đây có phải xưng danh “tập đoàn”? (09/12/2011)

>   TS.Trần Du Lịch: Cần “làm ấm” TTCK và BĐS ngay trong 2012 (09/12/2011)

>   Vòng xoáy hiểm nguy (09/12/2011)

>   Tái cấu trúc DNNN: Ai gánh nợ cho các tập đoàn? (09/12/2011)

>   Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Chỉ chấp nhận nhà đầu tư lớn (08/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật