Chủ Nhật, 18/12/2011 08:18

Giao dịch hàng hóa qua sàn: Cơ hội cho các bên tham gia

Mặc dù tồn tại lâu đời, mô hình hoạt động giao dịch hàng hóa qua sàn như hiện nay chỉ mới dừng lại ở mức đáp ứng nhu cầu mua bán và trao đổi hàng hoá của các bên tham gia. Một số hạn chế tồn tại cả trăm năm qua, làm mất đi nhiều lợi thế so sánh của VN so với các nhà nhập khẩu và phân phối nước ngoài, vẫn chưa thể giải quyết.

Giao dịch hàng hoá trên sàn (hay còn được gọi là giao dịch giao ngay) là hoạt động lâu đời, diễn ra hàng ngày và gắn liền với tập quán vùng miền.

Nút thắt thanh khoản

Trong thời kỳ lạm phát cao, kết quả phân tích thống kê cho thấy, kênh đầu tư vào hàng hoá cho hiệu quả sinh lời tốt hơn so với các kênh đầu tư truyền thống như cổ phiếu, trái phiếu... Tuy vậy, kênh đầu tư hàng hoá qua sở giao dịch hàng hóa (SGDHH) ở VN chưa thật sự thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư tài chính. Một số nguyên nhân chính bao gồm: Thứ nhất, giao dịch hàng hoá qua SGDHH sử dụng các công cụ phái sinh. Trong khi đó, nhà đầu tư tài chính ở VN chưa có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong việc sử dụng các công cụ cao cấp này. Để làm quen với công cụ mới đòi hỏi nhiều thời gian nghiên cứu và ứng dụng. Thứ hai, thanh khoản của các SGDHH còn thấp. Đây là rào cản lớn nhất đối với việc tham gia của các nhà đầu tư tài chính. Thông thường, trước khi quyết định giải ngân, các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất đến khả năng thoái vốn và chiến lược thoái vốn (exist strategies). Điều này các SGDHH ở VN chưa thể đáp ứng ngay được. Đây là bài toán giữa “con gà và quả trứng”. Nếu không có sự tham gia của các nhà đầu tư tài chính thanh khoản không thể được cải thiện. Ngược lại, nếu không có mức thanh khoản cần thiết, nhà đầu tư tài chính sẽ không tham gia giao dịch. Và cuối cùng, khung pháp lý chưa thật sự rõ ràng và đầy đủ.

Ưu thế nổi trội

Nếu so với các kênh đầu tư truyền thống khác, kênh đầu tư giao dịch hàng hóa có nhiều ưu thế nổi trội, như: Cung cấp các công cụ phái sinh và công cụ bảo hiểm rủi ro biến động giá, Không đòi hỏi nguồn vốn lớn do được sử dụng đòn bẩy tài chính. Tỉ lệ ký quỹ ban đầu thường không quá 10% giá trị giao dịch; Gia tăng vòng quay vốn, không bị hạn chế về ngày “T+”; Đa dạng hóa danh mục đầu tư và chống lạm phát; Có thể tìm kiếm lợi nhuận thông qua biến động hai chiều của thị trường. Đây là điểm nhấn giúp cho hoạt động giao dịch hàng hóa hấp dẫn hơn kênh đầu tư truyền thống là chứng khoán ở VN, khi hiện tại, các nhà đầu tư chỉ có thể tìm kiếm lợi nhuận trong trường hợp thị trường đi lên.

Thị trường hàng hoá ở nước ta có giá trị sản xuất và kim ngạch xuất khẩu lớn. VN có nhiều lợi thế và hoàn toàn có khả năng tạo ra sức mạnh trong việc tự quyết định giá nông sản trên “sân nhà” và ngay cả trên thị trường thế giới. Khi đó, nông dân và các hộ sản xuất cũng như các DN trong ngành sẽ có sự chủ động trong quá trình sản xuất cũng như chủ động trong việc quyết định giá nông sản do mình làm ra.

Giao dịch hàng hoá qua SGDHH là giải pháp hiệu quả cho quá trình tái cấu trúc sản xuất nông nghiệp của VN trong quá trình hội nhập. Cởi bỏ được “nút thắt” thanh khoản là điều kiện quan trọng cho sự “bùng nổ” về giao dịch hàng hoá qua SGDHH ở VN. Mục tiêu này đòi hỏi các giải pháp tổng thể và sự hưởng ứng từ các bên tham gia thị trường như thay đổi thói quen giao dịch của hộ sản xuất, các DN và nhà đầu tư tài chính. Trong quan hệ giao dịch hàng hoá, SGDHH cùng với các nhà môi giới đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra thanh khoản, thúc đẩy hợp tác đa phương và tạo ra các cơ hội tìm kiếm lợi nhuận cũng như bảo hiểm giá cho các bên tham gia giao dịch.

Ông Nguyễn Duy Phương - Tổng Giám đốc Sở giao dịch hàng hóa VN (VNX):“Yếu tín dụng vi mô - Rào cản của thị trường tương lai”

Sau 1 năm đi vào hoạt động, VNX đã kết nạp 19 thành viên kinh doanh và thành viên môi giới. Tính đến ngày 30/11/2011, số lượng TK giao dịch tại VNX ước đạt 1.500 TK với tổng giá trị giao dịch thành công ước tính lên tới gần 9 ngàn tỷ đồng.Theo kế hoạch năm 2012, số lượng TK giao dịch trên VNX ước tính tăng gấp 4 lần với tổng giá trị giao dịch ước tính tăng 2,5 lần tương đương 22,5 ngàn tỉ đồng.

Do GDHH là một kênh đầu tư tài chính còn mới và thời gian hoạt động của VNX còn ngắn, nên VNX gặp khá nhiều khó khăn. Một trong những khó khăn phải nhắc đến là tín dụng nông thôn vẫn chưa được đầu tư đúng mức, rất nhiều DN, người nông dân không vay vốn được của ngân hàng mà chủ yếu vẫn dựa trên mối quan hệ với bên thu mua, tức là bên thu mua ứng vốn cho người nông dân. Đây chính là rào cản dành cho các DN hay nhà sản xuất tham gia trên thị trường tương lai. Bên cạnh đó, chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể cho nhà đầu tư nước ngoài đầu cơ trên thị trường hàng hoá, nên chưa thu hút được nhà đầu tư tài chính nước ngoài. Các văn bản pháp lý liên quan tới giao dịch hàng hóa mới chỉ dừng lại trong khuôn khổ Luật thương mại 2005; Nghị định 158 của Chính phủ và Thông tư 03 của Bộ Công Thương nên chúng tôi gặp khó khăn trong việc triển khai hoạt động của Sở; và cuối cùng các quỹ đầu tư chưa tham gia kênh đầu tư này. Theo đó, rất cần thiết có các quỹ đầu cơ hàng hoá tham gia để tăng tính thanh khoản của thị trường…

Ông Nguyễn Ngọc Tú - Giám đốc Trung tâm Giao dịch hàng hóa và Hợp tác sàn, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương VN: “Cần sớm có các hỗ trợ”

Hiện tại, VN chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên (Sở giao dịch, trung tâm thanh toán, Thành viên) trong đảm bảo thanh toán cho các giao dịch kỳ hạn, chưa có quy định cụ thể về chức năng, trách nhiệm, quyền hạn và điều kiện được thành lập cho Trung tâm thanh toán bù trừ để quản lý thực hiện việc thanh toán... dẫn tới các bên bị lúng túng trong tổ chức, thực hiện, gây ra nhiều tranh luận, và thiếu nhất quán trong tổ chức thực hiện. Kèm theo đó là trách nhiệm của các bên cũng rất lập lờ và không rõ ràng. Các Cty môi giới cũng lập lờ trong trách nhiệm của mình, và cơ quan quản lý nhà nước thiếu thông tin, thiếu quyền hạn để giám sát việc tổ chức thực hiện của các bên. Với thực tế còn nhiều khiếm sót trong quy trình phát triển các Trung tâm thanh toán bù trừ gắn kết với các SGDHH, đặc biệt với những bài học quốc tế và cả những bài học mới từ VN với các trường hợp mất khả năng thanh toán trên TTCK.

Để hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của SGDHH tại VN cũng như đảm bảo cho sự phát triển của thị trường kỳ hạn tại VN, cần sớm ban hành bổ sung các quy định về làm rõ chức năng, quyền hạn, trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch kỳ hạn, nên tổ chức theo mô hình, tập quán quốc tế: tách biệt Trung tâm thanh toán bù trừ ra khỏi Sở giao dịch, các thành viên tham gia phải góp quỹ để đảm bảo quỹ thanh toán đủ lớn cho các giao dịch kỳ hạn. Việc áp dụng mô hình quốc tế sẽ không dập khuôn, có tính tới điều kiện kinh tế của VN: như xây dựng lộ trình, điều kiện cụ thể mà Trung tâm thanh toán bù trừ, các thành viên sẽ phải đáp ứng … tương ứng với quy mô phát triển của thị trường. Bên cạnh đó, nên quản lý tách biệt tài khoản của khách hàng với tài khoản của Cty môi giới, được giám sát bởi bên thứ ba...

Trần Lương Thanh Tùng

diễn đàn kinh tế việt nam

Các tin tức khác

>   Chưa nên đầu tư vào hàng hóa thời điểm này (16/12/2011)

>   Dự báo của Morgan Stanley về giá 18 loại hàng hóa năm 2012 (12/12/2011)

>   Hủy lệnh bất thường: NĐT băn khoăn (08/12/2011)

>   Thị trường hàng hóa cuối năm: Khó tăng giá (07/12/2011)

>   UBS: Việt Nam thuộc nhóm 12 nền kinh tế bị tác động nếu giá hàng hóa giảm mạnh (02/12/2011)

>   Những công ty kiểm soát giá hàng hóa thế giới (01/11/2011)

>   Sàn hàng hóa: Sân chơi không dành cho nghiệp dư (27/10/2011)

>   Sàn hàng hóa ở Việt Nam: Chợ hay chiếu bạc? (29/10/2011)

>   9.9 tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường hàng hóa trong tháng 9 (24/10/2011)

>   Sàn giao dịch hàng hóa xoay xở để tồn tại (19/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật