Giải ngân FDI: Yếu kém năng lực hấp thụ vốn
Vốn đăng ký nhiều, nhưng giải ngân ít. Đây là “căn bệnh” nan y của nền kinh tế VN. Các chuyên gia chỉ ra rằng, có 2 nguyên nhân chính khiến giải ngân thấp.
Trong đó bao gồm nguyên nhân DN FDI đăng ký đầu tư theo kiểu “nhận phần” khiến số vốn đăng ký FDI chỉ mang tính chất ảo; nhưng bên cạnh đó có nguyên nhân đáng kể là năng lực hấp thụ vốn có hạn.
Giải ngân thấp
Theo tính toán của Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài thì đến cuối năm 2010, tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào VN là 216 tỉ USD, nhưng cũng chỉ giải ngân đạt 77 tỉ USD; có nghĩa là còn tới 139 tỉ USD chưa giải ngân. Trong khi đó, tính đến tháng 11.2011 thì cũng chỉ có thêm 10,05 tỉ USD được giải ngân, tăng... 1% so với cùng kỳ năm 2010.
Trên thực tế, kinh tế VN ghi nhận sự đóng góp to lớn của nguồn vốn đầu tư này. Cụ thể khối DN này đóng góp trên 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, kim ngạch XK chiếm 55% tổng kim ngạch XK của cả nước. Ngoài ra, DN FDI còn thiết thực đóng góp những yếu tố tích cực cho nền kinh tế VN như chuyển giao công nghệ mới, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động, đóng góp vào công tác đào tạo cán bộ quản lý và quản trị DN.
Tuy nhiên, đánh giá của các chuyên gia thì với số vốn đăng ký lớn, số vốn giải ngân thấp cho thấy “vấn đề” của quản lý và hấp thụ nguồn vốn FDI. Thực tế thì không ít dự án, DN FDI đầu tư và đăng ký vốn nhưng lại không thể thực hiện vì... chủ đầu tư không có vốn để giải ngân. Về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng lỗi thuộc về lỗ hổng trong quản lý, kiểm soát và đánh giá, thẩm định năng lực của các cơ quan chức năng. Chính phủ và Bộ KHĐT đang có chủ trương siết chặt việc quản lý đối với những DN và dự án dạng này. Đặc biệt thời gian qua, nhiều địa phương đã mạnh tay rút giấy phép, hủy bỏ những dự án FDI “ảo” nhằm thiết lập lại trật tự đầu tư FDI.
Tuy nhiên, điều đáng nói là năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế VN cũng có vấn đề. Đại diện cộng đồng DN FDI cho biết, vướng mắc lớn và cũng là khó khăn nhất khi các DN triển khai dự án là thủ tục hành chính cực kỳ rắc rối và phiền hà. Tuy nhiên, ngay cả khi “xong phần thủ tục” thì công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) còn gian khó hơn nhiều. Trong thời gian qua, đã có ít nhất vài dự án cỡ “tỉ đô” bị đình trệ vì vướng GPMB. Cụ thể là dự án Saigon Atlantic Hotel (Cty TNHH Winvest Investment VN thuộc Tập đoàn Winvest LLC, Hoa Kỳ) có vốn đầu tư 4,1 tỉ USD tại Bà Rịa - Vũng Tàu chưa thể triển khai. Hay như Dự án thép Guang Lian có số vốn 4,5 tỉ USD cũng trong tình trạng chưa bàn giao đủ đất...
Khó vẫn… hoàn khó
Trên thực tế thì cả cơ quan quản lý và DN FDI đều biết rằng cần phải cải thiện thủ tục hành chính, môi trường kinh doanh và đặc biệt là GPMB thì sẽ khơi thông được dòng vốn FDI. Tuy nhiên, khó vẫn... hoàn khó khi mà những cải thiện này rất chậm. Tại Dự án thép Tata (Hà Tĩnh), mặc dù DN này chấp thuận việc ứng trước khoảng 30 triệu USD để chi trả tiền GPMB thì cũng chẳng ăn thua. Lý do là dự án cần diện tích đất tới trên 900ha, di dời gần 3.000 hộ dân, nên chi phí đền bù, GPMB lên tới 4.000 tỉ đồng. Ngân sách tỉnh không đủ để thực hiện, trong khi cũng khó có thể thuyết phục được chủ đầu tư bỏ nhiều tiền hơn. Chính vì thế mà khi dự án 5 tỉ USD này... nhùng nhằng sau 3 năm làm thủ tục; đại diện DN này đã cho biết về khả năng... chuyển nguồn vốn sang quốc gia khác.
Cùng chung với những khó khăn này, cộng đồng FDI còn chỉ ra rằng ngoài hạ tầng thì nguồn nhân lực và quy hoạch công nghiệp phụ trợ cũng là điểm yếu của VN. Ông Shinichi Iwana (Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản tại Đà Nẵng) cho biết, để tạo điều kiện thúc đẩy nguồn vốn FDI, bên cạnh vấn đề về cơ sở hạ tầng và thủ tục, VN cần chú trọng đào tạo nhân lực để DN đỡ tốn thời gian và chi phí đào tạo. Các chuyên gia cũng cho rằng nếu VN hội đủ các yếu tố như hạ tầng, nhân lực thì tốc độ giải ngân FDI sẽ nhanh hơn, quy mô dự án sớm hoàn thiện để đưa vào vận hành và sử dụng; thậm chí là khả năng mở rộng quy mô đầu tư cũng sẽ được tính tới khi mà môi trường đầu tư trở nên hấp dẫn.
Một thống kê cho thấy năng lực hấp thụ vốn của VN ngày càng có xu hướng... khó khăn hơn. Cụ thể là nếu như năm 2000 DN giải ngân được 2,2 tỉ USD vốn FDI (chiếm hơn 90% tổng vốn đầu tư), thì năm 2006 giải ngân được 4,1 tỉ (chiếm 40%). Tới năm 2011, giải ngân được 4,5 tỉ USD (chiếm chưa tới 30% tổng vốn đầu tư). TS Lê Đăng Doanh cho rằng, số liệu trên cho thấy vấn đề giải ngân của VN chưa hiệu quả.
FDI có cơ cấu hợp lý hơn: Tính đến ngày 20.11.2011, vốn FDI đăng ký đầu tư vào VN là 12,69 tỉ USD, bằng 84% so với cùng kỳ 2010. Công nghiệp chế biến, chế tạo đứng đầu khi thu hút 382 dự án có tổng vốn cấp mới và tăng thêm là 6,24 tỉ USD. Thứ hai là lĩnh vực sản xuất phân phối điện với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,53 tỉ USD. Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) là nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,09 tỉ USD; thứ hai là Nhật Bản với 2,12 tỉ USD, Singapore thứ ba với 1,58 tỉ USD. |
Đức Long – Phạm Anh
lao động
|