Thủ tướng giải trình về Vinashin và tái cơ cấu nền kinh tế
Bên cạnh vấn đề của Tập đoàn công nghiệp và Tàu thủy Việt Nam (Vinasin), hai "câu hỏi lạ" được dành cho Thủ tướng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp Quốc hội thứ hai vừa qua đã có câu trả lời.
|
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng |
Vinashin đã kiểm điểm xong
Theo toàn văn giải trình của Thủ tướng được đăng trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ về các vấn đề mà do thời gian nên Thủ tướng chưa trả lời trực tiếp đại biểu tại hội trường sáng 25/11 vừa qua, Thủ tướng đã nói rõ thêm một số điểm về việc xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong vụ Vinashin.
Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã có báo cáo số 21/BC-CP ngày 4/11/2011 gửi tới các Đại biểu Quốc hội, trong đó trình bày rất đầy đủ về kết quả điều tra vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinashin.
Sau khi có kết luận của Thanh tra Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn tiến hành kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có liên quan theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước và theo chức năng nhiệm vụ được giao, tiến hành xử lý trách nhiệm sau thanh tra.
Tập đoàn Vinashin đã hoàn thành việc kiểm điểm và đang xem xét để đưa ra các quyết định hình thức xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến các sai phạm. Bộ Công an đã khởi tố điều tra và tạm giam theo quy định của pháp luật đối với 9 bị can có hành vi vi phạm pháp luật, truy nã quốc tế 2 bị can.
Ngoài ra, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) đã triệu tập hơn 50 cá nhân khác có liên quan để làm việc, thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ điều tra theo quy định của pháp luật.
Về kết quả thực hiện tái cơ cấu Vinashin, Thủ tướng cho biết đã được những kết quả bước đầu như: thực hiện việc chuyển giao một số doanh nghiệp, dự án về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nhằm sắp xếp theo đúng ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính của các đơn vị này và tận dụng được những kinh nghiệm, thế mạnh của 2 doanh nghiệp quy mô lớn, có cùng ngành nghề với doanh nghiệp, dự án được chuyển giao.
Theo Đề án tái cơ cấu, đến tháng 10/ 2011, đã giảm đầu mối 54 đơn vị (gồm rút vốn thương hiệu tại 22 đơn vị; giải thể 16 đơn vị; chuyển nhượng phần vốn góp của Tập đoàn tại 11 đơn vị; sáp nhập 5 đơn vị, chuyển chủ sở hữu), chuyển quyền chủ sở hữu, đại diện vốn tại 10 đơn vị, quyền đại diện vốn ở 10 đơn vị, chuyển giao 1 đơn vị.
Bộ máy tổ chức, quản lý và nhân sự của Tập đoàn cũng đã được kiện tòa, ổn định một bước tổ chức sản xuất kinh doanh, các nhà máy đóng tàu đã hoạt động trở lại, cán bộ công nhân có việc làm, có thu nhập, đời sống người lao động bước đầu được ổn định.
Năm 2010, đã hoàn thành và bàn giao 64 tàu với tổng giá trị hợp đồng là 577 triệu USD, trong đó: 28 tàu xuất khẩu với tổng giá trị hợp đồng là 278 triệu USD; 36 tàu trong nước với tổng giá trị hợp đồng là 299 triệu USD (riêng trong 3 tháng cuối năm đã bàn giao 42/64 con tàu cho các chủ tàu trong nước và quốc tế).
Năm 2011, Tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng sẽ hạ thuỷ bàn giao 74 tàu, tổng giá trị là 584,7 triệu USD, trong đó có 24 tàu xuất khẩu.
Để cơ cấu lại tài chính, tạo nguồn vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Tập đoàn triển khai phương án cơ cấu lại nợ của Tập đoàn, cả nợ trong nước và ngoài nước theo đúng quy định của pháp luật. Việc tái cơ cấu này đã có những kết quả bước đầu.
Không cần lập ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế
Trả lời chất vấn về đề xuất thành lập Ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế, xây dựng luật về tái cơ cấu nền kinh tế của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc, người đứng đầu Chính phủ đã khẳng định: tái cơ cấu nền kinh tế là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đã được xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 3 khoá XI cũng đã xác định 3 trọng tâm tái cơ cấu trong thời gian tới. Để tái cơ cấu thành công, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương, của Bộ Chính trị, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, sự đồng thuận của nhân dân, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp...
Chính phủ sẽ đề cao trách nhiệm, xác định đúng các trọng tâm, trọng điểm trong từng thời kỳ, phân công nhiệm vụ rõ ràng, phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt với hệ thống biện pháp đồng bộ, linh hoạt để tái cơ cấu đạt kết quả.
Thủ tướng cũng cho biết, ông sẽ trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm này. Các phó thủ tướng, các bộ trưởng theo phân công sẽ chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu trong phạm vi ngành, lĩnh vực mình phụ trách.
Chính phủ sẽ bám sát tình hình, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, của xã hội, thường xuyên kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện để kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh cơ chế, chính sách cho phù hợp. Các vướng mắc về pháp luật sẽ được Chính phủ xử lý theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội xem xét, quyết định.
"Vì vậy, không cần thiết thành lập Ủy ban tái cơ cấu nền kinh tế và xây dựng một đạo luật riêng về tái cơ cấu. Chính phủ sẽ trình Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội", Thủ tướng trả lời.
Với chất vấn của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương về nguồn nhân lực thực để phục vụ cho tái cơ cấu nền kinh tế, Thủ tướng trả lời chung với chất vấn của một vị đại biểu khác, cũng liên quan đến nguồn nhân lực.
Theo Thủ tướng, phát triển nguồn nhân lực vẫn còn nhiều bất cập, đang thiếu thầy giỏi và thiếu cả thợ giỏi. Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; vẫn đang thiếu cả cán bộ quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp, thiếu đội ngũ chuyên gia trong các ngành kinh tế kỹ thuật và công nhân có tay nghề cao.
Đó cũng là lý do phát triển nguồn nhân lực được xác định là một khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.
Thực hiện khâu đột phá này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020, Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, trong đó, đặc biệt coi trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tập trung vào nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo kết hợp với mở rộng quy mô hợp lý. Không chỉ chú trọng đào tạo chuyên môn mà còn phải quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng làm việc theo nhóm, kỹ năng thực hành, khả năng tự lực, lập nghiệp.
Bản giải trình của Thủ tướng cũng nêu rõ bốn giải pháp sẽ được chú trọng thực hiện trong thời gian tới. Trong đó có việc xây dựng và triển khai các chương trình, đề án đặc thù để tuyển chọn và đào tạo nhân tài đối với những lĩnh vực mũi nhọn, hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia ngang tầm khu vực, từng bước vươn lên tầm thế giới trong tất cả các lĩnh vực từ quản trị kinh doanh, giáo dục và đào tạo, khoa học - công nghệ, pháp lý, y học, văn hóa, nghệ thuật…
Chính sách sử dụng nhân lực cũng sẽ đổi mới phù hợp với tiến trình hình thành và phát triển thị trường lao động. Trong hệ thống hành chính, bố trí cán bộ phải căn cứ vào năng lực; đánh giá cán bộ phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ; giao quyền hạn gắn liền với trách nhiệm; tạo môi trường làm việc và cơ chế khuyến khích, phát huy tài năng đóng góp cho công cuộc phát triển đất nước...
Những chất vấn của các vị đại biểu khác cũng đều đã có câu trả lời từ Thủ tướng.
Nguyễn Thảo
TBKTVN
|