Thứ Tư, 14/12/2011 18:49

Độc quyền, tăng giá và lạm phát

Vào những ngày cuối năm này, thông tin về việc sáp nhập Jetstar Pacific vào Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) được đề cập nhiều trên báo chí. Theo các số liệu sơ bộ, nếu việc sáp nhập diễn ra, thế độc quyền của Vietnam Airlines trong thị trường hàng không nội địa sẽ ngày càng cao.

Từ chuyện ngành hàng không

Việc ngành hàng không thế giới gặp khó khăn không phải là chuyện mới. Mấy năm nay, các chuyên gia phân tích tài chính thường xuyên cảnh báo sự khó khăn của ngành hàng không dưới sức ép giá nhiên liệu cao, chi phí nhân sự cao, tình trạng cạnh tranh gay gắt và ảnh hưởng mạnh bởi các chu kỳ kinh tế lẫn biến động tỷ giá.

Trong bối cảnh kinh tế suy thoái, những hãng hàng không tư nhân không thể giảm các loại chi phí quan trọng thì dễ lâm vào tình trạng phá sản. Chẳng hạn American Airlines, hãng hàng không lớn thứ tư thế giới, đã phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản do thua lỗ khi giá nhiên liệu cao, biến động tỷ giá thất thường và chi phí nhân sự quá lớn.

Ở Việt Nam, bên cạnh những khó khăn chung của ngành, các hãng hàng không tư nhân còn gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với Vietnam Airlines, vốn đang nắm giữ tới 80% thị phần hàng không nội địa.

Vấn đề ở đây là đồng thời với tin tức về việc sáp nhập Jetstar Pacific vào Vietnam Airlines, phương án nâng trần giá vé máy bay nội địa cũng được đưa ra. Và nếu được thông qua, đây sẽ là lần thứ hai nâng trần giá vé máy bay nội địa trong năm nay. Việc tiếp tục tăng giá vé máy bay sẽ khiến chi phí hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trở nên cao hơn và rồi chi phí đó lại chuyển vào thành phẩm cuối cùng. Nếu nói lãi suất cao khiến doanh nghiệp kinh doanh khó khăn thì chuyện giá vé máy bay cao cũng tương tự.

Không hiệu quả, sao vẫn được độc quyền?

Nhìn lại năm qua, với việc tăng hoặc đề xuất tăng giá hàng loạt hàng hóa, dịch vụ trọng yếu như điện, xăng dầu, y tế, giáo dục... thật khó để nền kinh tế có thể tránh khỏi tình trạng lạm phát cao. Nghiêm trọng hơn, nó cấu thành một nền kinh tế có chi phí cao, thậm chí nhiều chi phí cao một cách bất thường. Có là bình thường không khi chi phí của những chuyến bay nội địa lại cao hơn chi phí bay đi các nước láng giềng như Singapore và Thái Lan?

Trong nền kinh tế nước ta hiện nay, có thể thấy hiện tượng một số doanh nghiệp nhà nước chiếm thế độc quyền ở nhiều lĩnh vực thiết yếu lại thường xuyên đề nghị tăng giá hàng hóa, dịch vụ như điện, xăng dầu... Không thể nói việc tăng giá này không góp phần đáng kể vào tình hình lạm phát cao hiện nay.

Khi một tập đoàn kinh tế nhà nước đã được giao cho một lợi thế độc quyền, lẽ ra họ cần cố gắng hoạt động hiệu quả để giảm thiểu chi phí cho nền kinh tế hoặc đóng góp lớn vào ngân sách để giúp Nhà nước tăng chi cho những lĩnh vực thiết yếu như y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội. Còn nếu những tập đoàn này không đảm nhận được việc duy trì chi phí thấp cho nền kinh tế thì tại sao lại cho phép được hưởng lợi thế độc quyền?

Theo một số báo cáo trong và ngoài nước, đang có dấu hiệu cho thấy chi phí của nền kinh tế nước ta đã không còn ở mức hấp dẫn nữa. Một số báo cáo còn tỏ ra quan ngại về việc chậm cải thiện trình độ lao động của nước ta. Nói cách khác, chúng ta đang có nguy cơ trở thành một nền kinh tế có chi phí không thấp nhưng năng suất và trình độ nhân lực lại không đủ cao. Điều này đặt ra một vấn đề là liệu có nên duy trì thế độc quyền của các tập đoàn kinh tế nhà nước ở những lĩnh vực thiết yếu nữa hay không?

Nếu Chính phủ xác định một ngành kinh doanh nào đó cần có độc quyền thì tương ứng phải đòi doanh nghiệp hoặc là giữ chi phí ở mức thấp cho nền kinh tế (nhưng cũng có nghĩa là bóp méo giá cả) hoặc phải hoạt động hiệu quả để mang lại lợi ích bù đắp cho ngân sách. Muốn giám sát được điều này thì phải buộc các tập đoàn công bố tình hình kinh doanh một cách minh bạch và thường xuyên như một công ty đại chúng ở mức cao nhất (vì đây là một công ty đại chúng có số cổ đông lớn nhất, là toàn bộ công dân Việt Nam). Nếu hoạt động mãi mà công ty vẫn không có lời, không kiềm chế được giá cả những mặt hàng cơ bản, thì tại sao không tư nhân hóa nó và phá thế độc quyền để người khác có thể điều hành nó hiệu quả và nộp thuế cho ngân sách?

Hồ Quốc Tuấn

tbktsg

Các tin tức khác

>   Đến 2020, cả nước hình thành 13 cảng cạn (14/12/2011)

>   Giải ngân FDI: Yếu kém năng lực hấp thụ vốn (14/12/2011)

>   Pháp tài trợ 1,3 triệu USD cho ngành tài chính Việt Nam (13/12/2011)

>   Thủ tướng giải trình về Vinashin và tái cơ cấu nền kinh tế (13/12/2011)

>   Quốc hội sẽ thảo luận sâu về tái cơ cấu nền kinh tế (13/12/2011)

>   Hiện thực hóa kế hoạch 2012 (13/12/2011)

>   Công việc “hậu” cam kết ODA (13/12/2011)

>   Trung Quốc và Việt Nam: Những tương đồng từ bất ổn (13/12/2011)

>   Hơn 99% dự án đầu tư xây dựng không kịp tiến độ (12/12/2011)

>   Nhật Bản đầu tư vào 1.623 dự án FDI tại Việt Nam (12/12/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật