Trái phiếu lại ế ẩm
Phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cuối tuần qua đã thất bại, khi không có một trái phiếu nào được phát hành.
Trong buổi đấu thầu trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành hôm 10/11, số lượng trái phiếu gọi thầu là 1.000 tỷ đồng đối với trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 1.000 tỷ đồng với trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Lãi suất đăng ký đầu thầu kỳ hạn 3 năm dao động 12,15 - 12,5%/năm và kỳ hạn 5 năm là 12,4 - 12,5%/năm. Tổng số tiền đăng ký dự thầu hợp lệ là 200 tỷ đồng với trái phiếu kỳ hạn 3 năm và 900 tỷ đồng với trái phiếu kỳ hạn 5 năm. Tuy nhiên, kết thúc phiên đấu thầu, không có thành viên đấu thầu nào trúng thầu.
Trước đó 1 ngày, phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ do Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) phát hành, tỷ lệ trúng thầu kỳ hạn 5 năm cũng bằng 0, do lãi suất đăng ký đấu thầu thấp nhất lên tới 12,6%/năm. Nhà đầu tư hầu như chỉ quan tâm đến loại kỳ hạn dài, theo đó với kỳ hạn 10 năm, tỷ lệ đấu thầu đạt 100% (1.000 tỷ đồng). Lãi suất trúng thầu bằng lãi suất đăng ký cao nhất, 11,5%/năm.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho biết, khi đánh giá thị trường trái phiếu, cần nhìn nhận tổng thể ở nhiều khía cạnh, như quy mô thị trường, tính thanh khoản, đối tượng phát hành, phương thức và chuẩn mực phát hành…
Một số nhà chuyên môn cho rằng, các thành viên tham gia đấu thầu phần lớn là ngân hàng thương mại. Thông thường, đối tượng này chỉ mua trái phiếu vào thời điểm vốn khả dụng dư thừa và chủ yếu là để tối ưu hóa số tiền đang nằm “túi”. Trong khi đó, ở thời điểm hiện tại, dù nhiều ngân hàng vẫn còn vốn khả dụng lớn, nhưng do một số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng hấp dẫn hơn về mặt lãi suất, nên những ngân hàng có tiền có xu hướng muốn giao dịch trên thị trường liên ngân hàng hơn là mua trái phiếu.
Diễn biến thị trường liên ngân hàng tuần vừa qua cho thấy, lãi suất biến động rất mạnh. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 12 tháng (tuy là kỳ hạn được giao dịch ít) có lúc đã vọt lên đến gần 37%/năm. Trong khi đó, các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần… cũng liên tục biến động mạnh. Theo đánh giá của các chuyên viên phân tích thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), thanh khoản ngân hàng kém hơn đã đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh.
Trở lại diễn biến của thị trường trái phiếu, những gì đang diễn ra hiện nay có phần ngược so với động thái cách đây chừng nửa năm. Khi đó, hoạt động phát hành trái phiếu rất sôi động, nhất là từ giai đoạn cuối tháng 5 - đầu tháng 6.
Hiện tượng bán chạy của trái phiếu chính phủ xuất hiện từ cuối tháng 5. Trong đợt phát hành ngày 30/5 do Kho bạc Nhà nước thực hiện, 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm đã được bán hết; 905 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm cũng được mua trong tổng số 1.000 tỷ trái phiếu được ra đấu thầu. Lãi suất trúng thầu đối với trái phiếu kỳ hạn 3 năm là 13,3%/năm và đối với trái phiếu kỳ hạn 5 năm là 13,2%/năm.
Tiếp sau đó là hàng loạt đợt phát hành trái phiếu với tỷ lệ thành công cao. Lý do khiến trái phiếu bán chạy vào thời điểm đó là do lãi suất liên ngân hàng giảm. Một số ngân hàng lớn cũng có thêm nguồn tiền từ trái phiếu đã đến hạn của các năm trước, nên đầu tư trở lại trái phiếu.
Các chuyên gia tài chính cho rằng, thời điểm giữa năm, các ngân hàng và các tổ chức tài chính mua nhiều trái phiếu là do dự đoán mặt bằng lãi suất có xu hướng giảm, nên họ mua vào, chờ lãi suất giảm để hưởng lợi nhuận chênh lệch lãi suất. Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại lại đi ngược so với thời điểm giữa năm.
Chí Tín
ĐẦU TƯ
|