1.000 tỷ đồng trái phiếu FPT: Mua của ai, mua giá nào?
Thay vì mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động, các công ty (trong đó có cả FPT) đang phải thu hẹp lại, định hướng lại và cấu trúc lại hoạt động.
Trao đổi với ĐTCK, phía FPT cho hay, mấu chốt vấn đề là mức giá đàm phán, và FPT sẽ thực hiện trên cơ sở đàm phán với từng đối tác cụ thể. Tuy nhiên, khi được hỏi về mức lợi suất tối thiểu nào FPT sẽ mua lại trái phiếu, đại diện Công ty cho hay, FPT chưa thể tiết lộ kế hoạch, việc đàm phán lúc này là chiến lược riêng của Công ty, và FPT sẽ báo cáo sau khi hoàn tất, trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của cổ đông.
Ngày 2/11/2011, Công ty FPT đã công bố Nghị quyết HĐQT về phương án mua lại trái phiếu kèm chứng quyền (TP) do Công ty phát hành với số lượng mua lại không quá 1.000 TP. Lý do mua lại được nêu ra là nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn hiện có của FPT. Ngoài lý do đã được chính thức công bố như trên, có lẽ diễn biến "không chiều lòng nhà đầu tư" của thị trường trong thời gian qua cũng đã tác động không nhỏ đến quyết định này của cả bên mua và bên bán.
Thay vì mở rộng quy mô và địa bàn hoạt động, các công ty (trong đó có cả FPT) đang phải thu hẹp lại, định hướng lại và cấu trúc lại hoạt động. Sau khi rơi vào suy giảm tăng trưởng kinh tế năm 2008 cùng với trào lưu chung của thế giới, Việt Nam đã tung ra các gói kích thích kinh tế (gói kích cầu đầu tư) với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử vào đầu năm 2009. Sự phục hồi nhanh chóng của hoạt động sản xuất đã mang lại tâm lý lạc quan cho thị trường và đặc biệt là cho giới doanh nghiệp.
Chớp thời cơ để chiếm lĩnh thị trường, cũng như tranh thủ huy động vốn để có nguồn tài chính cần thiết cho việc mở rộng lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh đã trở thành trào lưu trong các doanh nghiệp Việt Nam và FPT cũng không phải là ngoại lệ. Ngày 9/10/2009, FPT đã phát hành thành công 1.800 trái phiếu có kèm chứng quyền và không có đảm bảo, mệnh giá 1 tỷ đồng/TP, kỳ hạn 3 năm, lãi suất 7%/năm trả hàng năm, theo phương thức phát hành riêng lẻ. Tuy nhiên, "người tính không bằng trời tính", thay vì phục hồi vững chắc, kinh tế nước ta lại rơi vào tình trạng suy giảm triền miên. Tái cấu trúc (hay nói cách khác là phải định hướng lại hoạt động, cũng như cấu trúc về tài sản và về vốn) đang là mệnh lệnh và cũng là đòi hỏi hiện nay đối với nền kinh tế nói chung, doanh nghiệp nói riêng, trong đó có FPT.
Thay vì giảm, lãi suất ngân hàng lại không ngừng gia tăng. Sau những biến động mạnh trong năm 2008, chính sách tiền tệ của Việt Nam đã ổn định hơn trong năm 2009 với mức lãi suất cơ bản được điều chỉnh giảm từ 14%/năm (năm 2008) xuống còn 7%/năm gần như trong suốt năm 2009. Lãi suất tiền gửi dao động quanh mức 10%/năm. Tuy nhiên, một lần nữa, thị trường lại không chiều lòng nhà đầu tư. Bước sang năm 2010 và cho đến nay, thay vì hạ, lãi suất ngân hàng lại liên tục tăng cao (hiện mức lãi suất tiền gửi là 14%/năm cho kỳ hạn từ 1 tháng trở lên). Nếu chỉ xét đơn thuần về mặt lãi suất, thì với mức lãi suất cố định là 7%/năm, những người nắm giữ TP của FPT đang phải chịu lỗ do mức chiết khấu của trái phiếu rất lớn.
Sau khi phục hồi mạnh trong năm 2009, TTCK rơi vào vòng xoáy suy giảm. Giá của cổ phiếu FPT cũng như vậy. Sau khi rơi xuống mức thấp nhất 26.140 đồng/CP (ngày 24/2/2009), giá cổ phiếu FPT tăng gần như liên tục lên mức 57.690 đồng/CP (ngày 7/9/2009). Đây cũng là thời điểm phát hành riêng lẻ 1.800 TP của FPT. Theo thông tin về đợt phát hành này, cứ 1 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu sẽ có 1.158 chứng quyền, mỗi chứng quyền sở hữu sẽ được mua 10 cổ phiếu FPT với giá mua cổ phần theo chứng quyền là 92.025 đồng/CP. Để tạo thuận lợi cho người nắm giữ chứng quyền tận dụng được cơ hội của thị trường, ngày thực hiện chứng quyền được thực hiện ở 3 thời điểm là 9/10/2011, 9/10/2012 và 9/10/2013. Nhưng thị trường thật khó lường, giá cổ phiếu FPT tại thời điểm 7/11/2011 chỉ còn 49.800 đồng/CP.
Cách tính và mức tăng trưởng dư nợ của các NHTM cũng đã có sự thay đổi và chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Mặc dù FPT và các doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo phương thức riêng lẻ không công bố danh sách người mua, nhưng qua báo cáo của các NHTM cũng có thể thấy, người tư vấn, người bảo lãnh và người mua các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thường và chính là các NHTM. Có lẽ cũng vì nhận thấy "chỗ lách" đó của NHTM, cho nên, NHNN đã quyết định từ 20/10/2011, tính việc nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp vào tổng dư nợ tín dụng và việc tăng trưởng dư nợ tín dụng của NHTM phải được xem xét trong mối tương quan với việc huy động vốn, với quy mô vốn chủ sở hữu (Luật Các tổ chức tín dụng).
Đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp bị tính vào dư nợ tín dụng, lãi suất tiền gửi ngân hàng hiện nay gấp đôi lãi suất của TP, giá mua cổ phiếu theo chứng quyền đắt gần gấp đôi so với giá thị trường, cộng thêm sức ép về nhu cầu vốn kinh doanh đang là những yếu tố thúc ép người nắm giữ TP của FPT tìm cách thoái vốn.
Đấy là về phía người nắm giữ trái phiếu, còn về phía FPT có thực sự sẵn sàng muốn mua lại không? Xét về lợi nhuận (chi phí trả lãi trái phiếu 7%/năm, trong khi lãi tiền gửi nhận được là 14%/năm) và về khả năng chuyển đổi thành cổ phiếu của người nắm giữ TP của FPT (không thể xảy ra tình trạng bị pha loãng, vì không chịu mua đắt gấp đôi), thì chắc FPT sẽ không sẵn sàng, vì bản thân FPT vẫn rất cần vốn, nhất là vốn trung và dài hạn (thể hiện FPT chỉ mua lại tối đa 1.000 TP đã phát hành).
Do vậy, việc thị trường quan tâm là FPT sẽ mua lại của ai là dễ hiểu, vì đã mua rồi thì đâu có dễ thoái, trừ phi phải có mối quan hệ sở hữu chi phối qua lại với FPT. Sự đồn đoán và những câu hỏi nghi vấn xung quanh vụ FPT công bố mua tối đa 1.000 tỷ dodòng trái phiếu có thể sẽ không xuất hiện, nếu như cơ quan cấp phép (UBCK) cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cũng như cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ, yêu cầu những đơn vị này phải công bố danh sách khách hàng mua trong báo cáo về kết quả đợt phát hành, như trường hợp CTCK SSI đã từng làm trong đợt phát hành trái phiếu chuyển đổi theo phương thức phát hành riêng lẻ trước đây.
NĐT yêu cầu làm rõ thêm việc mua lại trái phiếu của FPT
Tuần qua, ĐTCK đã nhận được đơn thư của NĐT Nguyễn Văn Toan, trú tại Phường 14, Quận 8, TP.HCM gửi UBCK, SỞ GDCK TP.HCM, Hiệp hội các NĐT tài chính Việt Nam và Báo Đầu tư Chứng khoán. Theo NĐT trên, việc mua lại trái phiếu của FPT sẽ gây thiệt hại cho các cổ đông vì FPT sẽ phải tốn thêm chi phí vốn. Cũng trong đơn thư này, NĐT đặt câu hỏi, ai là người đang nắm lượng lớn trái phiếu này, liêu có phỉa là Ngân hàng Tiên Phong? "Việc HĐQT của FPT tự quyết định việc mua lại trái phiếu của những người có liên quan được xem là vi phạm pháp luật về công bố thông tin?" NĐT viết. Với những lý luận trên, NĐT Toan đề nghị UBCK xem xét tính hợp pháp, điều tra lại những vấn đề ẩn phía sau Nghị quyết mua lại trái phiếu kèm chứng quyền của FPT. |
Phạm Kinh Luân
đầu tư chứng khoán
|