Thứ Sáu, 04/11/2011 07:03

Nhiều câu hỏi xung quanh việc mua lại trái phiếu kèm chứng quyền của FPT

(Vietstock) – Có chăng trái chủ đang ép FPT phải mua lại, đẩy phần thiệt về cổ đông nhỏ? Giải thích của HĐQT là để tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn cũng không hợp lý vì lãi suất trái phiếu phải trả rất “hời”, chỉ có 7%.

Ngày 02/11, HĐQT CTCP FPT (HOSE: FPT) thông qua phương án mua lại không quá 1,000 trái phiếu kèm chứng quyền do công ty này phát hành trong năm 2009. HĐQT đã ủy quyền cho chủ tịch HĐQT quyết định chi tiết việc mua lượng trái phiếu kèm chứng quyền này. Theo FPT, việc mua lại này nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn hiện có của công ty.

Lãi suất trái phiếu 7%, giá cổ phiếu theo chứng quyền là 69,067 đồng/cp

Trước đó vào ngày 09/10/2009, FPT phát hành 1,800 trái phiếu doanh nghiệp mệnh giá 1 tỷ đồng, tổng giá trị trái phiếu phát hành là 1,800 tỷ đồng.

Kỳ hạn của trái phiếu này là 3 năm với thời gian đáo hạn là ngày 09/10/2012 với lãi suất trái phiếu chỉ ở mức 7%/năm.

Theo phương án phát hành, cứ 1 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu sẽ được kèm theo 1,158 chứng quyền, được quyền mua 10 cổ phần FPT với giá mua là 92,025 đồng/cổ phần. Tính theo tỷ lệ điều chỉnh, mỗi chứng quyền cho phép người nắm giữ được mua 13,324 cổ phần với giá điều chỉnh là 69,067 đồng/cổ phần.

Hàng loạt câu hỏi cần đặt ra

Việc FPT đưa ra phương án mua lại đến 1,000 tỷ đồng trái phiếu này đang khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.

Trái chủ ép phải mua lại, đẩy phần thiệt về cổ đông nhỏ? Với mức lãi suất trái phiếu “siêu rẻ” 7%/năm, ước tính cho thấy trái chủ phải chịu thiệt chi phí cơ hội đến gần 200 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, với mức giá cổ phiếu FPT hiện đang giao dịch quanh mức 49,000 đồng, hy vọng mức sinh lời từ chứng quyền để bù đắp lãi suất thấp xem như đã “tan thành mây khói”.

Phân tích trước đó cũng cho thấy khả năng người “hào phóng” mua trái phiếu chủ yếu là các tổ chức có lợi ích liên quan với FPT. Khi phát hành 1,800 tỷ đồng trái phiếu này cũng không thấy FPT công bố thông tin về phương án mua lại trái phiếu trước khi đáo hạn. Liệu có phải chăng áp lực tiền mặt từ các tổ chức này và việc đầu tư bị “hớ” đã khiến trái chủ gây áp lực buộc FPT phải mua lại phần lớn trái phiếu đã phát hành trước 1 năm?

Và nếu thực sự là như vậy thì liệu có chăng việc các cổ đông lớn đã đồng thuận để đẩy bớt bất lợi sang để FPT gánh chịu, mà người thiệt thòi nhiều nhất chính là các cổ đông nhỏ của công ty này.

Tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn? Với quyết định mua lại, FPT sẽ phải bỏ ra nhiều nhất 1,000 tỷ đồng tiền mặt để thực hiện. Điều này là hoàn toàn khả thi khi Tài khoản tiền tại cuối tháng 9/2011, theo báo cáo tài chính, của FPT còn hơn 2,497 tỷ đồng.

Nếu mua lại lượng trái phiếu này thì FPT sẽ tiết kiệm được 70 tỷ đồng lãi suất cho thời hạn 1 năm còn lại. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mặt bằng lãi suất cho vay tại các ngân hàng thương mại hiện nay đang cao ngất ngưỡng từ 18-20% thì rõ ràng quyết định “trả lại” trái phiếu của HĐQT FPT là rất khó hiểu.

Càng khó hiểu hơn khi đến cuối tháng 9/2011 FPT vẫn còn khoản nợ vay ngắn hạn lên tới gần 2,300 tỷ đồng và nhiều khả năng mức lãi suất khoản vay này sẽ không mấy “dễ chịu” so với mức 7% của lượng trái phiếu đã phát hành. Hay nói không ngoa là FPT đang đi vay với lãi suất cao để trả lại trái phiếu (mà nếu giữ lại thì chỉ chịu với lãi suất thấp hơn)!

Như vậy, có nhiều lý do để tin rằng chi phí sử dụng vốn của FPT sẽ tăng lên đáng kể, chứ không thể nào tối ưu hóa việc sử dụng nguồn vốn như giải thích của HĐQT, và hệ quả là cổ đông sẽ chịu thiệt với quyết định này.

Giá mua lại trái phiếu sẽ là bao nhiêu? HĐQT FPT đã ủy quyền cho Chủ tịch HĐQT quyết định chi tiết việc mua trái phiếu. Như vậy, trong thời gian tới rất có thể chúng ta sẽ biết được giá mua lại của trái phiếu là bao nhiêu.

Nếu giá mua lại trái phiếu bằng mệnh giá thì cổ đông (đặc biệt là cổ đông nhỏ) của FPT sẽ chịu thiệt hại và câu hỏi về việc FPT bị ép mua lại và hứng chịu hệ lụy như nêu ở phần trên nhiều khả năng sẽ đúng trên thực tế.

Nếu giá mua lại trái phiếu thấp hơn mệnh giá (tức là chiết khấu – discount) thì câu hỏi đặt ra là mức chiết khấu đã đủ lớn chưa? Lý do là với mức lãi suất kỳ vọng rất cao hiện nay (lãi suất trái phiếu doanh nghiệp phổ biến thấp nhất từ 18-20%) thì mức chiết khấu phải rất lớn – lãi suất càng cao thì giá trái phiếu càng giảm. Ngoài ra, liệu FPT có thuê tổ chức uy tín nào đó để định giá trái phiếu hay không, hay là HĐQT tự quyết nội bộ và cổ đông nhỏ chỉ có “quyền” nghe theo?

Né tránh đưa ra Đại hội đồng cổ đông? Theo Điều 14 và 22 của Nghị định 90/2011/NĐ-CP ngày 14/10/2011, đối với trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu kèm chứng quyền thì Đại hội đồng cổ đông có thẩm quyền phê duyệt việc phát hành, mua lại hay hoán đổi trái phiếu. Đây là những điều khoản quy định chặt chẽ hơn so với Nghị định 52/2006/NĐ-CP ngày 19/5/2006. Tuy vậy, Nghị định 90 chỉ đi vào hiệu lực kể từ ngày 01/12/2011.

Như vậy, liệu có chăng HĐQT FPT đã cố gắng quyết định việc mua lại trái phiếu kèm chứng quyền trong thời điểm hiện nay để tránh quy định trong Nghị định 90? Vì nếu thực hiện sau ngày 01/12/2011 thì việc mua lại sẽ phải xin biểu quyết và bị chất vấn bởi Đại hội đồng cổ đông.

Đức Nguyễn

Các tin tức khác

>   SBT họp ĐHĐCĐ bất thường bàn chuyện phát hành trái phiếu (01/11/2011)

>   Trái phiếu kèm chứng quyền của FPT: Nhà đầu tư nắm đằng lưỡi (19/10/2011)

>   21/10, HPR chốt quyền xin ý kiến cổ đông phát hành trái phiếu (17/10/2011)

>   TDH: 31/10 chốt quyền thanh toán lãi trái phiếu tỷ lệ 7% (13/10/2011)

>   Caseamex chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu (12/10/2011)

>   SHS giảm lãi suất phát hành trái phiếu xuống 18%/năm (11/10/2011)

>   SCR: Phát hành thành công 99 tỷ đồng trái phiếu (11/10/2011)

>   DIG phát hành thành công 350 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (06/10/2011)

>   18/10, UNI chốt quyền nhận lãi trái phiếu năm 2011 (04/10/2011)

>   SCR: Phát hành 99 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ (04/10/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật