Technical View – Phân tích kỹ thuật chứng khoán, vàng và dầu: Tuần 28/11 – 02/12/2011
(Vietstock) – Chiến lược đầu tư & Phân tích kỹ thuật chuyên sâu thị trường chứng khoán Việt Nam (VN-Index, HNX-Index, VS 100), chứng khoán Mỹ (Dow Jones) , Châu Á (Nikkei 225) và Châu Âu (FTSE 100).
I. THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN VIỆT NAM
VN-Index – Internal trendline tiếp tục gây sức ép. Đường internal trendline tiếp tục gây sức ép lớn lên VN-Index và khiến cho chỉ số này hầu như không thể bứt phá mạnh trong các phiên gần đây.
Khối lượng giảm mạnh phiên thứ 4 liên tiếp làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ thủng ngưỡng 380 điểm. Tâm lý thận trọng đang bao trùm thị trường khi mà các tín hiệu phân kỳ giá lên (bullish divergence) đã xuất hiện khá nhiều nhưng vẫn không khiến cho chỉ số khởi sắc hơn.
Nếu như thanh khoản có cải thiện đáng kể vào tuần sau (duy trì trên mức 25 triệu đơn vị/phiên), ngưỡng 380 điểm vẫn trụ vững và VN-Index phá vỡ internal trendline thì việc bắt đáy từ từ có thể bắt đầu được xem xét. Tuy vậy, chỉ nên hạn chế ở mức dưới 50% danh mục để phòng ngừa trường hợp giảm sâu bất ngờ.
HNX-Index – Đang test lại trendline ngắn hạn. Thanh khoản là vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư băn khoăn nhất trong giai đoạn hiện nay. Vẫn biết khối lượng thấp một phần là do cung giá thấp cạn kiệt nhưng rõ ràng nếu thị trường muốn phục hồi cần phải có lực cầu đủ mạnh để đẩy lên. Vì vậy, nếu khối lượng giao dịch vẫn duy trì dưới 20 triệu đơn vị/phiên thì khả năng bứt phá khó có thể xảy ra.
Giới phân tích kỹ thuật đang kỳ vọng vào sức chống đỡ của trendline ngắn hạn (tương đương vùng 58 – 61 điểm) sẽ giúp cho HNX-Index rơi chậm lại. Điều này nhiều khả năng sẽ thành công khi mà các chỉ báo thuộc nhóm dao động đã bị nén khá lâu trong vùng oversold.
VIETSTOCK INDEX
VS 100: Tiếp tục giảm mạnh (-0.41%) trong phiên giao dịch ngày 25/11/2011, VS 100 lại gây lo ngại về khả năng tạo lập đáy mới trung hạn trong thời gian tới.
Khối lượng sụt giảm trong phiên giao dịch hôm nay cho thấy tâm lý thận trọng vẫn còn chi phối tại các mã chủ chốt trên thị trường.
VS-Market Strength: Trong phiên giao dịch ngày 25/11/2011, VS-A/D HOSE đạt mức 0.94, tức số mã tăng giá bằng 0.94 lần số mã giảm giá; trong khi VS-U/D HOSE là 0.43, tức khối lượng của cổ phiếu tăng giá bằng 0.43 lần so với khối lượng giao dịch của phía giảm giá. VS-A/D HNX đạt 0.45 lần và VS-U/D HNX bằng 0.14 lần. Chỉ số VS-Arms VN duy trì ở mức 2.57.
Chỉ số VS-Thrust VN tiếp tục duy trì ở vùng thấp và hình thành phân kỳ giá lên (bullish divergence). Điều này chứng tỏ thị trường có thể đang tích lũy cho một đợt hồi phục mới.
II. CHIẾN LƯỢC DANH MỤC ĐẦU TƯ
Bên bán áp đảo – Mô hình tiếp tục thận trọng
Cung cầu: Chênh lệch khối lượng mua bán trên sàn HNX trong tuần qua là -3.37 triệu đơn vị, số lệnh đặt mua nhỏ hơn số lệnh đặt bán 797 lệnh. Trung bình lệnh mua (3,204 đơn vị/lệnh) nhỏ hơn chút ít so với trung bình lệnh bán (3,221 đơn vị/lệnh).
Trên HOSE, chênh lệch khối lượng mua bán là -6.5 triệu đơn vị, với số lệnh đặt mua nhỏ hơn số lệnh đặt bán 1,332 lệnh. Trung bình lệnh mua (2,906 đơn vị/lệnh) nhỏ hơn so với trung bình lệnh bán (2,943 đơn vị/lệnh).
HNX: Tỷ trọng danh mục đề nghị đối với sàn HNX là: 45.24% cash/ 54.76% stocks.
Tỷ trọng cổ phiếu của mô hình trên HNX hầu như không tăng trưởng trong các phiên vừa qua chứng tỏ sự thận trọng vẫn còn.
Sẽ cần chờ đợi sự xác nhận của mô hình và thanh khoản tăng trưởng trong các phiên tới để khẳng định về khả năng mua vào bắt đáy.
HOSE: Mô hình Định lượng của chúng tôi đưa ra tỷ trọng danh mục đề nghị đối với sàn HOSE là: 49.99% cash/ 50.01% stocks.
Tỷ trọng cổ phiếu trên HOSE cũng có dấu hiệu đứng yên. Mặc dù mô hình đã bớt sự thận trọng trên HOSE nhưng chưa nên bắt đáy vội mà nên chờ đợi một sự đột biến lớn trong tỷ trọng cổ phiếu.
III. PHÂN TÍCH KỸ THUẬT DOW JONES, FTSE 100, NIKKEI 225
Dow Jones: Ngắn hạn – Ngưỡng Fibo 261.8% sẽ chống đỡ tốt. Dài hạn – Áp lực vẫn rất lớn
Liên tục giảm điểm trong các phiên gần đây, DJIA đang có nguy cơ điều chỉnh mạnh trong thời gian tới và test lại ngưỡng chống đỡ mạnh Fibonacci Retracement 261.8% (tương đương vùng 10,600 – 10,800 điểm). Đây vốn là ngưỡng đã giúp cho DJIA thoát khỏi nguy cơ sụp đổ hoàn toàn trong tháng 08/2011, tháng 10/2011 nên độ tin cậy rất cao.
Giới phân tích kỹ thuật quốc tế đánh giá khả năng duy trì được ngưỡng Fibo 261.8% là lớn vì nhóm chỉ báo dao động (Stochastic Oscillator, RSI...) đã bắt đầu đi vào vùng thấp.
Dài hạn: DJIA đã dịch chuyển xuống dưới tấc cả các đường MA quan trọng như SMA 200, SMA 100 và SMA 50 nên khả năng có thoái lùi sâu trong dài hạn là rất cao.
Những phân kỳ giá xuống (bearish divergence) đã hoàn thành. Điều này cho thấy rủi ro giảm điểm đối với thị trường Mỹ vẫn còn rất lớn và sự thận trọng là rất cần thiết trong giai đoạn này.
Nikkei 225: Tiếp tục điều chỉnh mạnh
Kể từ sau khi MACD Histogram cho tín hiệu bán mạnh, Nikkei 225 đã rơi vào một chu kỳ điều chỉnh kéo dài suốt gần 3 tuần qua.
Vùng 8,500 – 8,650 điểm đã bị thủng hoàn toàn. Mục tiêu hiện tại của chỉ số Nikkei 225 là vùng 7,950 – 8,100 điểm (tương đương Fibonacci Retracement 161.8%).
FTSE 100: Tín hiệu bán của cặp EMA 10 và EMA 20 đã báo hiệu chính xác
Sự điều chỉnh của thị trường Châu Âu đang ngày càng mạnh lên khi mà cặp EMA 10 và EMA 20 đã cho tín hiệu bán khá mạnh. Đây là một sự khẳng định cuối cùng cho xu hướng giảm điểm của chỉ số FTSE 100 nói riêng và thị trường Châu Âu nói chung.
Phân kỳ giá xuống (bearish divergence) của các chỉ số như Relative Strength Index, Stochastic Oscillator... đã hình thành xong.
Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm cho rằng vùng chống đỡ 4,780 – 4,950 điểm sẽ trụ vững trong các phiên giao dịch tới.
Nguyễn Quang Minh, Phòng Nghiên cứu VIETSTOCK
|